Người được miễn trách nhiệm hình sự có được coi là không có tội?

Miễn trách nhiệm hình sự (MTNHS) là một quy định quan trọng trong pháp luật hình sự . Dưới góc độ thực tiễn, MTNHS là một hoạt động áp dụng pháp luật hình sự đặc biệt của chủ thể có thẩm quyền trong xử lý vụ án hình sự và thường khá phức tạp.

Xung quanh vấn đề MTNHS, đến nay đã có nhiều nghiên cứu, trao đổi[1] và hình thành nhận thức khá thống nhất về nội dung quy định, những lưu ý trong áp dụng MTNHS. Tuy nhiên, với câu hỏi khi được MTNHS, người phạm tội có đương nhiên được coi là “người không có tội” hay vẫn bị coi là “người có tội” hiện tồn tại hai quan điểm khác biệt. Có quan điểm cho rằng người được MTNHS vẫn bị coi là có tội vì trên thực tế người được MTNHS đã có hành vi phạm tội, đã bị khởi tố hoặc truy tố hoặc đưa ra xét xử (đây là quan điểm chiếm số đông). Quan điểm khác cho rằng người được MTNHS không bị coi là có tội, vì sau khi được MTNHS, người phạm tội không còn phải chịu bất cứ hậu quả pháp lý hình sự nào với hành vi mà họ đã thực hiện. Vậy quan điểm nào là đúng? Vì sao?

Để trả lời những câu hỏi nêu trên, cần làm rõ trách nhiệm hình sự là gì?  Trước hết, trách nhiệm hình sự là “trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý hình sự bất lợi về hành vi phạm tội của mình. Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý bao gồm: nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích…”[2]. Như vậy, khi được MTNHS người phạm tội sẽ: (i). Không phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự; (ii). Không bị kết tội; (iii). Không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp); (iv). Không mang án tích. Khái quát lại, người được MTNHS sẽ không chịu bất cứ hậu quả pháp lý hình sự nào với họ.

Khi nào một người bị coi là có tội? Câu hỏi này chỉ đặt ra với những người bị buộc tội[3] bởi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng[4], người có thẩm quyền tiến hành tố tụng[5]. Đây là vấn đề đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật[6]. Quán triệt, cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật[7].

Từ quy định của Hiến pháp và BLTTHS cho thấy, điều kiện cần để một người bị buộc tội bị coi là có tội là quá trình chứng minh hành vi phạm tội của họ phải theo trình tự luật định và quá trình chứng minh đó đã đủ và làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội đối với họ (có căn cứ thực tế xác định họ đã phạm vào một tội được quy định trong Bộ luật hình sự). Điều kiện đủ là trên cơ sở chứng minh đó, Tòa án sẽ ra bản án kết tội với họ và bản án ấy đã có hiệu lực pháp luật. Khi thiếu một trong hai điều kiện này, người bị buộc tội trong mọi trường hợp đương nhiên không bị coi là có tội.

Giả định rằng cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã chứng minh đủ và làm sáng tỏ căn cứ về hành vi phạm tội của người bị buộc tội, nhưng do có các tình tiết để MTNHS và cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã cho họ được MTNHS, mặc nhiên nếu diễn ra ở giai đoạn điều tra, truy tố, vụ án được đình chỉ và người bị buộc tội (người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can) sẽ không bị kết tội bởi bản án. Nếu MTNHS trong giai đoạn xét xử, Tòa án cũng không ra bản án kết tội mà chỉ ghi nhận người bị buộc tội (bị cáo) được MTNHS.

Từ những phân tích nêu trên, có đủ cơ sở để xác định người phạm tội được coi là không có tội khi được MTNHS dù ở bất cứ giai đoạn nào trong tố tụng hình sự. Người viết mong nhận được sự trao đổi của độc giả, các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn.

 

[1] Tìm kiếm trên google có khoảng 70 triệu kết quả trong 0,43 giây (ngẫu nhiên lúc 11h00’ ngày 04/9/2021).

[2] Từ điển Luật học, Nxb Từ điển bách khoa - Nxb Tư pháp năm 2006.

[3] Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”.

[4] Điểm a Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

[5] Điểm b Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

[6] Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

[7] Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

TRẦN VI DÂN (Chi hội luật gia Bộ Công an)