Vũ Công T có bị áp dụng tình tiết "phạm tội 2 lần trở lên"

Vào lúc 23 giờ 45 phút  ngày 26/5/2020, Công an huyện Tiên Lãng, Tp. Hải Phòng phối hợp với lực lượng Công an xã Hùng Thắng tiến hành kiểm tra hành chính quán Karaoke HT, phát hiện có hành vi tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy.

 Quá trình điều tra xác định: Quán Karaoke do Phạm Huy D là chủ quán đã cho khách sử dụng ma túy nhiều lần, với mục đích làm tăng lợi nhuận. Buổi tối ngày 26/5/2020, tuy không có mặt tại quán, nhưng thông qua phần mềm giám sát Camera được cài đặt trên điện thoại, D biết toàn bộ hoạt động và chỉ đạo Vũ Công T (quản lý quán) cho khách sử dụng ma túy tại quán.

Theo lời khai của các nữ nhân viên phục tại quán xác nhận chủ quán có nói làm việc tại quán thì sẽ phải phục vụ khách sử dụng ma túy và trong quá trình làm việc có khách sử dụng ma túy tại quán thường xuyên.

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Công T đã khai nhận hành vi và xác nhận có nhiều lần cho khách sử dụng ma túy tại quán theo chỉ đạo của Phạm Huy D.

Về vấn đề định tội danh: Bị cáo Vũ Công T phạm tội "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy" theo Điều 256 BLHS hiện hành. Tuy nhiên về định khung hình phạt còn có các quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 256 BLHS hiện hành "Phạm tội 2 lần trở lên" đối với bị cáo Vũ Công T, vì theo hướng dẫn về tình tiết "đối với 2 người trở lên" và tương tự tại hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 thì: Tình tiết "phạm tội nhiều lần" quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên (hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo mục 3 Phần I Công văn 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 (Công văn 89) hướng dẫn về tình tiết "đối với 2 người trở lên" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 BLHS hiện hành (Tội mua bán trái phép chất ma túy) có ví dụ như sau: Trong một lần phạm tội, Nguyễn Văn A vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn C, vừa bán ma túy cho Nguyễn Văn D. Trường hợp này, A bị áp dụng tình tiết "đối với 2 người trở lên" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 251 của Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án trên, cơ quan chức năng chỉ phát hiện, bắt giữ được các đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại quán vào ngày 26/5/2020. Còn đối với các hành vi vi phạm trước đó không xác định được đối tượng cụ thể nào, diễn ra vào thời gian nào… do đó, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với các hành vi trước đó. Vì vậy, không áp dụng tình tiết "Phạm tội 2 lần trở lên".

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả, cho rằng: Cần phải áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 256 BLHS hiện hành "Phạm tội 02 lần trở lên" đối với bị cáo Vũ Công T, vì:

- Theo quy định tại Điều 256 BLHS hiện hành thì hành vi "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy" được hiểu: Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 BLHS.

- Theo tiết 7.1 mục 7 Phần II Công văn 89 hướng dẫn về Tội "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy" thì: "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.

Như vậy, có thể thấy rằng, cấu thành tội phạm "Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy" là chỉ cần có hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm của mình hoặc do mình quản lý để sử dụng trái phép chất ma túy, mà không cần xét đến đối tượng cụ thể nào thuê, mượn.

Trong vụ án trên, thông qua lời khai của bị cáo, nhân chứng, cùng các dấu hiệu hoạt động của quán karaoke này, có thể khẳng định rằng, trên thực tế chủ quán đã có hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm để sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, mặc dù không xác định cụ thể là những người nào, thời gian nào đã thuê, mượn trước thời điểm bị bắt nhưng đối với các hành vi cho thuê, mượn trước đó vẫn đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, cần phải áp dụng điểm b khoản 2 Điều 256 BLHS hiện hành đối với bị cáo Vũ Công T.

 Quan điểm thứ ba: Cũng tương tự với quan điểm thứ nhất. Nhưng cho rằng trong trường hợp này, Tòa án cần trả hồ sơ điều tra bổ sung các hành vi cho thuê, mượn quán để sử dụng trái phép chất ma túy trước đó.

Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định tại khoản 3 Điều 282 BLTTHS 2015 thì trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn phải tiến hành xét xử vụ án. Do đó, xét xử theo quan điểm thứ hai theo tác giả là phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên đây là những nghiên cứu, quan điểm của tác giả. Rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp./.

 

Ảnh minh họa

 

THANH THỊNH (Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân)