Vướng mắc về đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự và người khởi kiện vắng mặt lần thứ hai trong vụ án hành chính

Bài viết phân tích, đánh giá một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, từ đó nêu ra thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) năm 2015 được đánh giá là hoàn thiện, có nhiều nội dung mới được luật hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm tốt hơn quyền con người trong lĩnh vực tố tụng. Tuy nhiên, qua một thời gian đi vào cuộc sống đã cho thấy vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, việc áp dụng trên thực tế cũng không thống nhất dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy, bài viết sẽ đi phân tích, đánh giá một số quy định của pháp luật tố tụng, từ đó nêu ra thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn.

1.Phân định thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm

1.1 Quy định không thống nhất

Quy định tại khoản 2 và đoạn 1 khoản 3 Điều 284 BLTTDS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “trước khi bắt đầu phiên tòa” và “tại phiên tòa”; còn quy định tại đoạn 3 khoản 3 và đoạn 1 khoản 4 Điều 284 BLTTDS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “trước khi mở phiên tòa”, “tại phiên tòa” để phân định thẩm quyền thuộc về Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay của HĐXX ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm trong trường hợp người kháng cáo, kháng nghị rút kháng cáo, kháng nghị.

Tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều 289 BLTTDS năm 2015 về đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án lại phân định thẩm quyền ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm thuộc về Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa hay HĐXX thông qua việc Tòa án đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử hay chưa. Tức là, trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị “trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm” thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị “sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm” thì HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Như vậy, trong cùng giai đoạn xét xử phúc thẩm nhưng quy định tại Điều 284 (quy định chung) với quy định tại Điều 289 (về chuẩn bị xét xử phúc thẩm – quy định riêng) lại có sự không thống nhất, đây là sự hạn chế của văn bản luật, gây khó khăn cho người áp dụng.

Theo hướng dẫn tại phần b, tiểu mục 3, Mục II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC về việc “Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính” hướng dẫn về thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 219 BLTTDS năm 2015 như sau: “Vậy đến ngày mở phiên tòa đã được coi là “tại phiên tòa” hay chưa? Mục 2 Chương XIV BLTTDS năm 2015 quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa. Theo quy định tại mục này, thì phiên tòa bắt đầu bằng thủ tục “Khai mạc phiên tòa” (Điều 239). Do đó, đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập) nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt đầu phiên tòa”, chưa coi là “tại phiên tòa”. Nếu nguyên đơn nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện trước khi khai mạc phiên tòa thì Thẩm phán vẫn có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án chứ không phải là HĐXX.” Như vậy, theo hướng dẫn của TANDTC thì phạm vi “trước khi mở phiên tòa” và “tại phiên tòa” rộng hơn so với “trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử” và “sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử”.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 299 BLTTDS năm 2015 (Mục 1 Chương XVII quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm) quy định: “Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì HĐXX phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không …”. Như vậy, quy định của điều luật cho thấy, trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện “trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm”, thì thẩm quyền đều do HĐXX quyết định là chưa hợp lý, chưa phân định ranh giới về thẩm quyền của Thẩm phán được phân công giải quyết (trước khi mở phiên tòa) với HĐXX (tại phiên tòa).

1.2.Kiến nghị hoàn thiện

Theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 289 BLTTDS năm 2015 theo hướng: “Trước khi mở phiên tòa, người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”.

Và sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 299 BLTTDS năm 2015 theo hướng: “Trước khi mở phiên tòa, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không; tại phiên tòa, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì HĐXX phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy trường hợp mà giải quyết như sau:…”. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên giúp phân định rõ thẩm quyền của Thẩm phán được phân công giải quyết với thẩm quyền của HĐXX được thống nhất và phù hợp với các quy định tại các Điều 219, Điều 235 và khoản 3 Điều 284 BLTTDS năm 2015.

2.Trường hợp người khởi kiện được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng

2.1. Một quy định, hai quan điểm

Trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án hành chính , người khởi kiện được triệu tập hợp lệ lần thứ hai [1] đến Tòa để lấy lời khai, nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng và không có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Trong trường hợp này, có hai quan điểm tồn tại như sau:

– Quan điểm thứ nhất, cho rằng theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 143 LTTHC năm 2015, thì Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp: “Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.” Theo quy định này, thì trong bất kỳ giai đoạn nào của vụ án hành chính mà người khởi kiện đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt, trừ trường hợp họ có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc, thì Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án.

– Quan điểm thứ hai, cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 143 LTTHC năm 2015 thì Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp: “Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.” Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 135 LTTHC năm 2015 thì tại phiên đối thoại vụ án hành chính nếu người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt là thuộc trường hợp vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án vẫn tiến hành các thủ tục để xét xử vụ án theo quy định. Tòa án chỉ đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp tại phiên tòa, người khởi kiện được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng, trừ trường hợp họ có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

Trong vụ án hành chính, người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khiếu kiện là những đối tượng có vị trí, chức vụ, thẩm quyền do nhà nước trao, nên họ có lợi thế hơn so với người khởi kiện. Việc quy định về thủ tục đối thoại là rất tiến bộ, thể hiện sự không phân biệt đối xử và bình đẳng của các đương sự, nhưng chỉ cần người bị kiện vắng mặt lần thứ hai là việc đối thoại bị loại trừ hợp pháp.[2] Mục đích của việc đối thoại là nhằm để hai bên gặp gỡ trao đổi với nhau, thể hiện sự cầu thị muốn đi đến thống nhất và giải quyết vụ án được nhanh chóng, nên đối với người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan họ thường mong muốn được tiến hành như một thủ tục tố tụng bắt buộc [3].

Tác giả cho rằng, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 143 LTTHC năm 2015 nhằm hạn chế tình trạng người khởi kiện cố tình vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để trì hoãn việc giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của Tòa án và quyền lợi của các đương sự khác. Do đó, nếu người khởi kiện được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt thì Tòa án có quyền suy đoán là người khởi kiện có ý từ bỏ vụ kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.

2.2.Kiến nghị hoàn thiện

Theo tác giả cần bỏ cụm từ “người khởi kiện” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 135 LTTHC năm 2015. Cụ thể: “Người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.” Việc sửa đổi quy định trên phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 143 Luật TTHC năm 2015, hạn chế tình trạng người khởi kiện cố tình vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để trì hoãn việc giải quyết vụ án, gây ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng của Tòa án và quyền lợi của các đương sự khác.

Kết luận. Các quy định của pháp luật tố tụng trong thời gian qua đã phần nào phát huy được hiệu quả điều chỉnh trên thực tế. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá cho thấy vẫn còn có một số hạn chế nhất định, chưa phù hợp về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Có thể lý giải cho nguyên nhân đó là do “sự không rõ nghĩa của câu chữ, sự không đầy đủ về nội dung của một văn bản luôn là “căn bệnh cố hữu” của văn bản luật, không thể khắc phục hết”[4] và cũng như bất kỳ tồn tại khách quan nào, luật viết luôn ở trong tình trạng vận động hướng tới sự hoàn thiện và không bao giờ đạt đến sự hoàn thiện tuyệt đối [5]. Chính vì vậy, trong tương lai BLTTDS năm 2015 và LTTHC năm 2015 cần sửa đổi các quy định như tác giả đã phân tích trên để góp phần hoàn thiện hơn và phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn./.

1.Cần phân biệt giữa “triệu tập hai lần” với “triệu tập đến lần thứ hai”: Triệu tập đến lần thứ hai tức là triệu tập lần thứ nhất và lần thứ hai về cùng một nội dung yêu cầu, còn triệu tập hai lần là triệu tập lần thứ nhất và lần thứ hai với hai nội dung yêu cầu khác nhau của Tòa án.
2.Đào Trí Úc – Vũ Công Giao: Công lý và quyền tiếp cận công lý một số vấn đề lý luận, thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr. 235.
3.Điều 20 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
4.Nguyễn Ngọc Điện: Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2019, tr. 15.
5.Nguyễn Ngọc Điện: Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2019, tr. 14.

ThS. PHAN THÀNH NHÂN (Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp)