Ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết
Chiều 22/3/2022, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay trong xử lý người phạm tội nói chung, trong công tác thi hành án phạt tù nói riêng là nhằm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Để chuẩn bị tốt cho việc tái hòa nhập cộng đồng, tạo thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống mới, ổn định, bên cạnh việc đặt ra các yêu cầu về hiệu quả công tác giáo dục, tổ chức lao động, dạy nghề cho người chấp hành án trong các cơ sở giam giữ, Đảng và Nhà nước ta đã định hướng từng bước thực hiện việc xã hội hóa công tác thi hành án tại nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị theo hướng tăng cường hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho người bị kết án phạt tù và bảo đảm sự tham gia của xã hội trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người bị kết án phạt tù.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự, các bản án, quyết định của Toà án được thi hành nghiêm minh; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm; thực hiện tốt chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội; công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cũng như thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả. Cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự ngày càng được tăng cường; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ được củng cố, kiện toàn từ Bộ Công an đến Công an các đơn vị, địa phương theo hướng tập trung, thống nhất, từng bước chuyên môn hóa.
Hoạt động lao động, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam cho thấy ý nghĩa về môi trường lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cải thiện đời sống cho phạm nhân và tăng giá trị đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ công tác tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân, nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, tạo điều kiện phù hợp cho phạm nhân về tâm lý lao động, thái độ chấp hành cải tạo và tiếp thu kiến thức trong dạy nghề, truyền nghề, giúp phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm tội.
Vướng mắc trong triển khai thực hiện
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, thực tiễn công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và giáo dục, cải tạo phạm nhân trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải có cơ chế mới, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong triển khai tổ chức thực hiện.
“Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định thành lập các khu lao động, dạy nghề, hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trên đất trại giam quản lý. Tuy nhiên, việc mời gọi hợp tác này gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do đặc thù các trại giam đóng quân tại địa bàn xa các trung tâm kinh tế, chính trị của địa phương, khó tiếp cận với các thị trường tiêu thụ sản phẩm như đô thị, thành phố, khu công nghiệp; giao thông đi lại khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển, chi phí tiêu hao, giá thành sản phẩm lao động. Một số trại giam gần trung tâm thì diện tích nhỏ hẹp rất khó bố trí quỹ đất để phối hợp, hợp tác” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Thực tiễn khảo sát các loại hình ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: Lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế… Yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài. Do vậy các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng.
Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).
Bên cạnh đó, công tác giáo dục cải tạo, lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác thi hành án phạt tù, là trách nhiệm của các trại giam nhằm chuẩn bị cho phạm nhân về tâm lý, kỹ năng, thái độ để chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân theo quy định của pháp luật.
Do vậy, việc trại giam bố trí, sắp xếp, tổ chức cho phạm nhân lao động thường xuyên, môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền, công nghệ sản xuất sát với yêu cầu thị trường lao động là rất quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu này, nhiều trại giam không có khả năng tạo ra việc làm, công nghệ mà phải tìm kiếm hợp tác với tổ chức, cá nhân để bố trí việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan.
“Từ những lý do nêu trên, Chính phủ nhận thấy việc đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đồng thời cho biết, Dự thảo Nghị quyết đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trong thời gian tới. Đánh giá tính hiệu quả của mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trên cơ sở đó đề xuất đưa (hoặc không đưa) quy định tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự…
Dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều, cụ thể như sau: Điều 1. Thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an. Điều 2. Hiệu lực thi hành. Điều 3. Tổ chức thực hiện.
Bước chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng
Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội cho rằng, UBTP nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội...”. Theo đó, chế độ lao động có vai trò rất quan trọng trong giáo dục cải tạo phạm nhân và là bước chuẩn bị các điều kiện để cho họ tái hòa nhập cộng đồng.
Trong điều kiện giam giữ số lượng lớn phạm nhân, việc tổ chức lao động còn nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ, phòng ngừa nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. Trong những năm qua, Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm “Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng”, đặc biệt là việc thu hút doanh nghiệp, cá nhân hợp tác với các trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Tuy nhiên, do phần lớn các trại giam đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi, diện tích đất được giao hạn chế, thổ nhưỡng cằn cỗi,... nên khó thu hút được doanh nghiệp hợp tác với trại giam. Việc tổ chức lao động trong các trại giam chủ yếu vẫn là canh tác nông nghiệp hoặc gia công tiểu thủ công nghiệp đơn giản, năng suất, giá trị sản phẩm lao động thấp, quỹ tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân thu được không đáng kể; việc hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân hầu hết không phù hợp với thực tiễn lao động ngoài xã hội. Thực trạng này đã làm hạn chế rất lớn đến hiệu quả giáo dục cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp tại các trại giam.
“Từ những lý do nêu trên, UBTP tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. UBTP cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.
Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự” – Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga khẳng định.
UBTP cũng tán thành với Chính phủ về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, trong đó đã xác định rõ mô hình thí điểm, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thực hiện thí điểm. Đồng thời, quy định đối tượng áp dụng thí điểm không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an và giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện sẽ bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế tại các trại giam.
UBTP cũng cơ bản tán thành với nội dung quy định các nguyên tắc thực hiện thí điểm được quy định tại khoản 3 Điều 1 và cho rằng, về cơ bản nội dung quy định này đã bao quát đầy đủ quan điểm chỉ đạo cũng như các yêu cầu đặt ra trong việc thí điểm, phù hợp với các luật và điều ước quốc tế liên quan.
Về chính sách miễn thuế thu nhập đối với doanh nghiệp hợp tác với trại giam (điểm d khoản 3 Điều 1), đa số ý kiến UBTP tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, theo quy định của dự thảo Nghị quyết và văn bản hướng dẫn thì tổ chức, cá nhân tham gia thí điểm phải đầu tư rất lớn như: Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân; cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, điều hành của cán bộ, chiến sỹ trại giam; cơ sở tổ chức sản xuất, dạy nghề.
Trong khi đó, phần lớn phạm nhân chưa có tay nghề hoặc có tay nghề không phù hợp dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí trong việc đào tạo nghề, hướng nghiệp… Bên cạnh đó, sự tham gia của tổ chức, cá nhân mang ý nghĩa xã hội sâu sắc nhằm chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong thực hiện các chính sách nhân đạo đối với đối tượng đặc thù. Do đó, để thu hút các doanh nghiệp tham gia, bảo đảm tính khả thi của việc thí điểm thì cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi, trong đó có cơ chế miễn thuế thu nhập là phù hợp.
Về quy định phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam (khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết), UBTP cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc cần quy định nguyên tắc các trường hợp không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và góp phần khuyến khích, động viên phạm nhân tích cực phấn đấu trong quá trình chấp hành án.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cũng lưu ý: “Tuy nhiên, UBTP đề nghị cơ quan soạn thảo trên cơ sở mục tiêu, quan điểm thực hiện thí điểm và qua tổng kết thực tiễn quản lý phạm nhân cần rà soát kỹ quy định tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết để xây dựng phương án quy định phù hợp và bảo đảm sự thống nhất”.
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày dự thảo Nghị quyết - Ảnh: Qh.vn
Bài liên quan
-
Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự
-
Nghị định mới quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự
-
Những bất cập trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
-
Chỉ thị về tăng cường công tác thi hành án hình sự trong Tòa án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận