Hội thảo Phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam

Ngày 27/1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tổ chức Hội thảo “Phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam”.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương và bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo một số Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy,  TANDTC, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra một số địa phương; lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính TW cho biết, trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động không ngừng tăng về số lượng với mức độ và tính chất phức tạp hơn, đa dạng hơn. Đặc biệt trong điều kiện  phát triển, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế và khu vực đi vào chiều sâu thì các loại khiếu kiện và tranh chấp kinh doanh có yếu tố nước ngoài lại càng diễn ra phức tạp hơn. Do vậy, hình thành một hệ thống tư pháp mạnh mẽ, hiệu quả và liêm chính để bảo vệ các quyền công dân, tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả mọi người và hỗ trợ một cách minh bạch và khách quan là giá trị cốt lõi; đồng thời, đóng góp thiết yếu vào việc thúc đẩy ổn định và tăng trưởng kinh tế và việc tạo điều kiện cho mọi loại tranh chấp được giải quyết trong một khuôn khổ có trật tự.

Ông Trần Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính TW phát biểu khai mạc

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tóm tắt báo cáo nghiên cứu “phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam” của nhóm nghiên cứu gồm ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TANDTC và ông Nguyễn Hưng Quang, Luật sư điều hành, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự.

Ông Nguyễn Hưng Quang cho biết, hoạt động của Toà án trong việc giải quyết tranh chấp để đảm bảo hợp đồng được thực thi, đảm bảo quyền tài sản của cá nhân, tổ chức là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên toàn cầu đều có một mong muốn chung về hệ thống pháp luật và cơ quan tư pháp tại quốc gia/nền kinh tế nơi họ bỏ vốn đầu tư phải rõ ràng, minh bạch, có chất lượng, có trách nhiệm giải trình và có thể dự đoán được để bảo vệ tài sản, hợp đồng của họ. Hệ thống cơ quan tư pháp đặc biệt là Toà án có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, nhóm nghiên cứu “phân tích so sánh cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam”

Mục tiêu của báo cáo nhằm hỗ trợ cho các cơ quan xây dựng chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật (Nghị quyết 48 và Kết luận 83), Chiến lược cải cách tư pháp (Nghị quyết 49 và Kết luận 84) để tìm hiểu các tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn tốt trên thế giới về cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp để tạo điều kiện xây dựng thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đặc biệt là phát triển môi trường kinh doanh công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Báo cáo đánh giá các thuận lợi, khó khăn của khung pháp luật hiện hành, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về hoàn thiện cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để hoàn thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Phạm vi của báo cáo nghiên cứu về các cơ chế đảm bảo liêm chính tư pháp theo các hướng dẫn của các văn kiện quốc tế, như bộ Nguyên tắc Bangalore, Tuyên bố Bắc Kinh. Báo cáo phân tích một số yếu tố ảnh hưởng tới cơ chế đảm bảo tính liêm chính tư pháp có tác động như thế nào tới môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân đánh giá cao việc việc phân tích, so sánh cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam nhằm hỗ trợ các cơ quan xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp... tạo điều kiện xây dựng thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đặc biệt là phát triển một môi trường kinh doanh công bằng.

Ông Trần Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn cho rằng vai trò, tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp đã có chuyển biến rất tích cực, tuy nhiên, vai trò của tư pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó đặt ra trách nhiệm nặng nề hơn cho các cơ quan, cán bộ tư pháp.

Cùng với cải cách tổng thể tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp, cũng phải hoàn thiện thể chế pháp luật, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng.

Cán bộ tư pháp phải không ngừng nâng cao bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức, phải hiểu biết đầy đủ, toàn diện về pháp luật, kiến thức trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận, ông Trần Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính TW đánh giá cao các Báo cáo, tham luận trình bày tại Hội thảo; các ý kiến phát biểu, thảo luận đã tập trung đi sâu phân tích thực trạng và giải; kinh nghiệm và các đề xuất, kiến nghị cụ thể. Đồng thời đề nghị, Ban tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu để làm cơ sở cho quá trình xây dựng và hoàn thiện báo cáo.

CẢNH DINH