Bàn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người làm công gây ra
Bài viết phân tích về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người làm công gây ra, nêu lên những bất cập và đề xuất giải pháp khắc phục.
Quan hệ bồi thường thiệt hại là một nhóm quan hệ quan trọng, thiết yếu bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia, giúp khôi phục lợi ích bên bị thiệt hại, từ đó đảm tính công bằng, ổn định của pháp luật. Trong đó, quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người làm công gây ra được quan tâm hơn cả bởi lẽ nó ảnh hưởng đến mối quan hệ dân sự giữa người làm công và chủ doanh nghiệp- một mối quan hệ mang tính chất gắn bó mật thiết về quyền và lợi ích.
1. Quy định về người làm công
Mặc dù Điều 600 BLDS 2015 có đề cập đến chủ thể là người làm công, tuy nhiên lại không có bất cứ văn bản luật chính thức nào giải thích thuật ngữ này. Điều này dẫn đến nhiều vướng mắc về mặt pháp lý như việc xác định thế nào thì được coi là người làm công? Người làm công có phải người lao động trong Bộ luật Lao động không? Hay người làm công là người làm các dịch vụ có hợp đồng? Và có buộc phải có hợp đồng lao động không?...
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Việc làm 2013, việc làm công là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa cấp xã. Theo đó, người làm công là người làm công việc tạm thời có trả công trong việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã.
Ngoài ra, dựa trên thực tế, người làm công còn có thể được hiểu là người được thuê mướn theo hợp đồng hoặc theo thông lệ để làm các công việc thường có tính ổn định không cao. Người này vẫn chịu sự điều động và quản lý của chủ cơ sở hoặc người thuê mướn nhưng mức độ ràng buộc là lỏng lẻo hơn so với pháp nhân.
Tuy nhiên, cần lưu ý có trường hợp quan hệ “làm công” không nhất thiết gắn liền với quan hệ hợp đồng lao động. Chẳng hạn, A nhờ B chặt cây và khi chặt cây đã làm C bị thương. Ở đây, B làm một việc cho A theo chỉ dẫn của A nên A là người sử dụng người làm công và do đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do B gây ra cho C, nhưng không hề tồn tại hợp đồng lao động giữa A và B.
Như vậy, về cơ bản thì có thể hiểu khái quát rằng người làm công là người làm một công việc nào đó cho một chủ thể khác của pháp luật dân sự, có thể là công việc thường xuyên hoặc thời vụ và không buộc phải có hợp đồng lao động ký kết với chủ sử dụng lao động. So sánh với người lao động trong Bộ luật Lao động, có sự khác biệt giữa người làm công và người lao động thể hiện ở một số đặc điểm về tính chất công việc, phúc lợi xã hội bắt buộc, ví dụ như bảo hiểm xã hội...
2.Mối quan hệ trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Nhìn chung, các quan hệ trong trách nhiệm bồi thường phát sinh do người làm công gây ra bao gồm:
● Thứ nhất, mối quan hệ giữa người làm công với chủ sử dụng người làm công (gọi là mối quan hệ bên trong).
● Thứ hai, mối quan hệ giữa người làm công với người bị hại (mối quan hệ bên ngoài).
● Thứ ba, mối quan hệ giữa chủ sử dụng người làm công với người bị hại (gọi là mối quan hệ bên ngoài).
Một cách tổng quan, khác với các quan hệ bồi thường khác mang tính trực tiếp, theo đó chủ thể nào gây thiệt hại thì phải tự chịu trách nhiệm bồi thường, quan hệ trên là mối quan hệ gián tiếp với ba bên chủ thể tham gia và chủ thể trách nhiệm bồi thường là pháp nhân hoặc cá nhân sử dụng người làm công, chứ không phải người làm công với vai trò là người trực tiếp gây ra thiệt hại.
3. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Ngoài các điều kiện, căn cứ chung gây phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584 BLDS 2015 thì riêng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định như sau:
Thứ nhất, căn cứ đầu tiên để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là giữa cá nhân, pháp nhân (chủ sử dụng người làm công) với người làm công (người gây thiệt hại) là phải tồn tại mối quan hệ giữa chủ thuê và người làm công. Ví dụ: A thuê B dọn dẹp nhà cửa mới xây dựng, B gây thiệt hại cho C thì mới có thể xét đến vấn đề bồi thường thiệt hại của A.
Thứ hai, người gây thiệt hại phải là người làm công. Người làm công như cách hiểu bản đầu là người thực hiện một công việc cho người khác. Vậy người làm công có gì khác so với pháp nhân? Để làm rõ vấn đề này ta cần dựa trên đặc điểm về bản chất phụ thuộc của quan hệ trên. Theo đó, chỉ tồn tại quan hệ người làm công khi một người thực hiện công việc theo “mệnh lệnh”, “chỉ dẫn” của chủ thể sử dụng hay quản lý. Trái với người làm công, người của pháp nhân thực hiện công việc một cách tự do, độc lập. Ví dụ, giám đốc hay tổng giám đốc là người làm việc cho pháp nhân với tư cách đại diện và họ không phải là “người làm công” vì họ hoạt động “độc lập”. Như vậy, cần có sự phân biệt minh bạch, rõ ràng hai đối tượng trên tránh trường hợp nhầm lẫn dẫn đến áp dụng sai luật.
Thứ ba, người làm công phải gây thiệt hại, tức phải có thiệt hại trên thực tế. Đây là điều kiện chung của tất cả các chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, có thiệt hại thực tế xảy ra là chưa đủ, thiệt hại đó phải phát sinh trong khi người làm công thực hiện công việc được giao mới được coi là yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường.
Thứ tư, thiệt hại phải bị gây ra khi người làm công thực hiện công việc được giao. Như vậy, chủ thể sử dụng người làm công chỉ phải bồi thường khi người làm công gây hại trong khi thực hiện công việc được giao. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về như thế nào là “khi thực hiện công việc được giao”.
4.Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Vẫn giữ nguyên tinh thần của các văn bản pháp luật trước đó, BLDS 2015 tiếp tục quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người làm công gây ra tại Điều 600 như sau: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”[1]
BLDS 2015 quy định hướng trách nhiệm bồi thường về phía đối tượng chủ thể sử dụng người làm công, cụ thể là cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt dại cho người bị tổn thất nếu người làm công mà họ sử dụng gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc được giao. Sở dĩ, người làm luật quy định như trên bởi so với người làm công, nhóm chủ thể trên có khả năng kinh tế ổn định, vững vàng hơn do đó đảm bảo việc bồi thường thiệt hại cũng như khắc phục hậu quả diễn ra kịp thời, tương xứng với thiệt hại gây ra.
Chủ thể phải bồi thường không nhất thiết phải là pháp nhân vì bên cạnh pháp nhân còn có thêm cá nhân. Tuy nhiên, những chủ thể không phải là pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân vẫn thuộc sự điều chỉnh của điều luật này. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân tức tổ chức không có tư cách pháp nhân được hiểu là với tư cách thể nhân là người “giao” công việc cho người gây thiệt hại. Sau khi bồi thường cho người bị thiệt hại, người sử dụng người làm công có quyền yêu cầu người làm công của mình hoàn trả một khoản tiền. Khoản tiền hoàn trả này sẽ được xác định dựa trên căn cứ theo “mức độ lỗi, hoản cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản”[2] của người làm công, cũng như căn cứ vào hợp đồng được ký kết giữa người làm công, với cá nhân, tổ chức hoặc chủ thể khác đã thuê người làm công. Nếu trong hợp đồng làm công, đào tạo nghề các bên không thỏa thuận về số tiền hoàn trả thì việc xem xét mức hoàn trả được giải quyết theo quy định pháp luật
Về cơ bản, điều luật định hướng quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường dựa trên yếu tố lỗi. Điều này dẫn đến cách hiểu nhầm là chỉ cần người làm công gây ra thiệt hại thì sẽ phải bồi thường, tức không nhất thiết phải tồn tại hành vi trái pháp luật theo quy định của Điều 584 BLDS 2015.
Để hiểu được cặn kẽ nội dung điều luật cũng như xác định đúng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ta cần phân tích giải thích điều luật một cách khái quát dựa trên mối liên hệ tổng quan với các điều luật khác, cụ thể là Điều 584 BLDS 2015:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”[3]
Như vậy, quy định trên được hiểu như sau: người sử dụng lao động chỉ phải bồi thường khi hành vi gây thiệt hại của người làm công đáp ứng đầy đủ điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường cho người làm công bao gồm:
Thứ nhất, giữa cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác với người làm công (người gây thiệt hại) phải có mối quan hệ giữa chủ thuê người làm công (thông qua hợp đồng), phải có hành vi trái pháp luật thiệt hại thực tế xảy ra xảy ra. Đồng thời, giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại trên tồn tại mối quan hệ nhân quả. Nghĩa là thiệt hại thực tế là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật.
Thực tế, cách áp dụng trên được Tòa án công nhận, sử dụng thông qua viện dẫn cả những quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
5. Đề xuất
Từ những phân tích nêu trên về hai lỗ hổng pháp lý cơ bản, tôi xin đưa ra đề xuất như sau:
Thứ nhất, đề xuất quy định cụ thể trong BLDS 2015 về người làm công theo hướng người làm công là người thực hiện công việc thường xuyên hoặc mang tính chất thời vụ và có thể được xác định theo hợp đồng hoặc không dưới sự chỉ dẫn của chủ thể khác.
Thứ hai, chưa có quy định cụ thể về quá trình làm công được tính từ thời điểm nào,cụ thể là chưa quy định cụ thể về “khi thực hiện công việc được giao”. Từ đó, xin đề xuất cách hiểu chỉ cần sự kiện gây ra thiệt hại gắn liền và nằm trong khoảng với thời gian người làm công thực hiện công việc được giao là đủ để khẳng định việc gây ra thiệt hại là “trong khi thực hiện công việc được giao”. Ví dụ anh A thuê anh B dọn cỏ từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Vào lúc bốn giờ chiều, sau khi dọn cỏ, anh B đốt cỏ gây thiệt hại cho nhà hàng xóm. Thiệt hại phát sinh vào lúc 4 giờ chiều nằm trong khoảng thời gian anh B được thuê nên được coi là trong khi anh B thực hiện công việc được giao. Ngoài ra, tôi đề xuất áp dụng Điều 5 BLDS 2015 quy định trong trường hợp luật không có quy định thì áp dụng tập quán pháp, ở đây được hiểu là chuẩn mực, thông lệ chung của địa phương nơi có hành vi gây thiệt hại, tránh việc phụ thuộc vào ý chỉ chủ quan cũng như thói quen của người gây thiệt hại hay người sử dụng người làm công.
Thợ xây - Ảnh: CTV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận