Bàn về các tình tiết của vụ án hình sự và các tình tiết do Bộ luật Hình sự quy định
Quá trình tố tụng hình sự là quá trình giải quyết vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bao gồm các giai đoạn: khởi tố vụ án hình; điều tra vụ án hình sự; truy tố vụ án hình sự; xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; xét xử phúc thẩm vụ án hình sự; thi hành án hình sự và xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ( theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm).
1. Vụ án hình sự là sự việc (sự kiện pháp lý) có dấu hiệu tội phạm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định khởi tố vụ án hình sự là điều kiện cần và đủ để một sự kiện pháp lý (hành vi của một người) có dấu hiệu của tội phạm trở thành một vụ án hình sự. Quá trình tố tụng hình sự là quá trình giải quyết vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, bao gồm các giai đoạn: khởi tố vụ án hình; điều tra vụ án hình sự; truy tố vụ án hình sự; xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; xét xử phúc thẩm vụ án hình sự; thi hành án hình sự và xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật ( theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm). Trong đó, giai đoạn tố tụng hình sự là một phần của quá trình tiến hành tố tụng hình sự, bắt đầu từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự và mỗi giai đoạn tố tụng do một cơ quan (hoặc một số cơ quan có thẩm quyền ở giai đoạn khởi tố và giai đoạn điều tra) thực hiện (bằng cách thu thập và đánh giá chứng cứ để ra quyết định gải quyết vụ án) theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Theo quy định của BLTTHS, thì khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh các vấn đề sau đây: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt[1]. Như vậy, việc chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là nhiệm vụ bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Quá trình giải quyết một vụ án hình sự cụ thể có thể bao gồm một, một số hoặc tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự nêu trên. Kết quả chứng minh ở từng giai đoạn tố tụng là cơ sở pháp lý để kết thúc hoặc tiếp tục quá trình giải quyết một vụ án hình sự cụ thể. Việc chứng minh (làm sáng tỏ những vấn đề được nêu tại Điều 85 BLTTHS) phải căn cứ vào chứng cứ. Bởi lẽ, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án[2]; và nội dung được chứng cứ phản ảnh chính là tình tiết của vụ án.
2. Tình tiết của vụ án hình sự là những chi tiết, diễn biến thực tế xảy ra trong một vụ án được cơ quan điều tra, truy tố, xét xử sử dụng để chứng minh trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự cụ thể; từ đó kết luận người bị buộc tội có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm tội gì, theo điểm, khoản, điều nào của BLHS và quyết định việc áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp đối với người bị kết án và việc giải quyết những vấn đề khác của vụ án.
Tình tiết theo quy định của Bộ luật hình sự là căn cứ pháp lý của việc xử lý những tình tiết của vụ án, bao gồm: tình tiết định tội; tình tiết định khung hình phạt; tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và những tình tiết khác. Trong đó:
- Tình tiết định tội là những dấu hiệu, yếu tố hay điều kiện cần và đủ do BLHS quy định để một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là phạm một tội cụ thể. Theo đó, một hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ bị coi là phạm một tội cụ thể khi hành vi và con người thực hiện hành vi đó có đầy đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm cụ thể. Bởi lẽ, cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính chất đặc trưng cho tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự và là khái niệm pháp lý hay sự mô tả tội phạm cụ thể trong luật hình sự[3]. Để phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm và từ đó quy định chế tài (loại và mức mức hình phạt) tương xứng, thì BLHS quy định cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc có thể cấu thành tội phạm giảm nhẹ trong cùng một điều luật thuộc Phần các tội phạm. Trong đó: Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội phạm này với tội phạm khác cũng như cho phép phân biệt với trường hợp chưa phải là tội phạm; Cấu thành tội phạm tăng nặng là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể so với trường hợp bình thường; Cấu thành tội phạm giảm nhẹ là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu định tội còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ nguy hiểm cho xã hội giảm xuống một cách đáng kể so với trường hợp bình thường[4]. Như vậy, tình tiết định tội là tình tiết phải có trong tất cả các loại cấu thành tội phạm (cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng và cấu thành giảm nhẹ) nêu trên và quy định tại khoản của điều luật BLHS chứa cấu thành tội phạm cơ bản chỉ là quy định mức khởi điểm của tình tiết định tội. Ví dụ: Với quy định tại Điều 173 BLHS, thì phải hiểu “chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên (mà không phải là tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng) và chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều luật này” là những tình tiết định tội trộm cắp tài sản.
- Tình tiết định khung hình phạt là tình tiết được hoặc không được mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản nhưng phải được mô tả trong cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc cấu thành tội phạm giảm nhẹ tại một khoản độc lập của điều luật thuộc Phần các tội phạm BLHS với một (hoặc một số) loại và một khung hình phạt mà Tòa án có thể áp dụng đối với người bị kết án.
Ví dụ: Chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 50 triệu đồng không được mô tả là tình tiết định tội cướp tài sản nhưng là tình tiết định khung được quy định gián tiếp tại khoản 1 Điều 168 BLHS. Bởi lẽ, với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 168 BLHS, thì trường hợp cướp tài sản của người khác có giá trị dưới 50 triệu đồng cũng chỉ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều luật này.
Việc gọi một tình tiết nào đó là tình tiết định khung hình phạt phải gắn với một khung hình phạt mà BLHS quy định (trực tiếp hoặc gián tiếp) áp dụng đối với tình tiết đó. Ví dụ: “tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng” là tình tiết định khung hình phạt được BLHS quy định trực tiếp tại khoản 1 Điều 173 và quy định gián tiếp tại khoản 1 Điều 168 BLHS. Trong số các điều luật thuộc Phần các tội phạm BLHS có: Một số điều luật chỉ quy định cấu thành tội phạm cơ bản mà không quy định cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ - đó là các điều luật chỉ có một khoản như Điều 181, 183, 184...BLHS; Một số điều luật quy định cả ba loại cấu thành tội phạm (cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và cấu thành tội phạm giảm nhẹ) như Điều 260, 261, 267... BLHS. Còn đa số các điều luật thuộc Phần các tội phạm BLHS quy định hai loại cấu thành tội phạm là cấu thành tội phạm cơ bản và một hoặc một số cấu thành tội phạm tăng nặng.
Việc nghiên cứu, rà soát quy định của BLHS về các tình tiết định tội, tình tiết định khung (tăng nặng, giảm nhẹ) có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoàn thiện pháp luật hình sự. Bởi lẽ, với kỹ thuật lập pháp được thể hiện ở BLHS, trong đó có quy định tại các điều từ Điều 108 đến Điều 121 và Điều 123 BLHS…, thì BLHS năm 2015 chưa quy định cấu thành tội phạm cơ bản của từng tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội giết người. Do vậy, nếu nghiên cứu và thể hiện lại về kỹ thuật lập pháp thì có thể sửa đổi, bổ sung Điều 123 BLHS về tội giết người theo hướng quy định khoản 1 là cấu thành cơ bản và khoản 2 là cấu thành tăng nặng định khung hình phạt của tội giết người như sau:
“Điều… Tội giết người
1. Người nào cố ý tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình, người khám chữa bệnh cho mình hoặc người thân của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn”[5].
Hoặc nghiên cứu thực trạng quy định của BLHS về cấu thành tội phạm tăng nặng của các tội xâm phạm về tình dục có thể bổ sung tình tiết “làm nạn nhân bị trụy thai (xảy thai)” là tình tiết tăng nặng định khung của Tội hiếp dâm và Tội cưỡng dâm bên cạnh tình tiết “làm nạn nhân có thai”. Bởi lẽ, hậu quả của hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm làm nạn nhân bị xảy thai nguy hiểm hơn hậu quả làm nạn nhân có thai nhưng BLHS mới quy định “làm nạn nhân có thai” mà chưa quy định “làm nạn nhân bị xảy thai” là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của các tội phạm này.
- Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những yếu tố làm thay đổi mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội theo hướng ít nghiêm trọng hơn. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. So với quy định tại Điều 46 BLHS năm 1999, thì quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015 đã bổ sung các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sỹ, người có công với cách mạng….)nâng tổng số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự lên 22 tình tiết và chỉnh lý về kỹ thuật lập pháp đối với một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự[6]. Khi có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, người phạm tội “được” Tòa án áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn trong khung hoặc so với trường hợp phạm tội tương tự nhưng không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này), người phạm tội còn có thể được Tòa án quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng hoặc miễn hình phạt[7]. Với nguyên tắc “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án”[8], thì về kỹ thuật lập pháp có thể không đòi hỏi quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS phải bao gồm tất cả các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đồng thời với việc giữ nguyên tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”, thì việc bổ sung các tình tiết (phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng) vào khoản 1 Điều 51 BLHS là không cần thiết. Bởi lẽ: Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra chỉ là một trường hợp hạn chế khả năng nhận thức cụ thể do bị bệnh; Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng cũng chỉ là một trường hợp hạn chế khả năng điều khiển hành vi cụ thể do bị bệnh bẩm sinh (khuyết tật bẩm sinh).
- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những yếu tố (tình tiết) làm thay đổi mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội theo hướng nghiêm trọng hơn. Với nguyên tắc chỉ những tình tiết nào được quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, thì đồi hỏi về kỹ thuật lập pháp đối với khoản 1 Điều 52 BLHS là phải quy định tất cả hoặc càng nhiều tình tăng nặng trách nhiệm hình sự phù hợp với thực tiễn tội phạm càng tốt để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý các tình huống (tình tiết) xảy ra trên thực tế.
So sánh quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015 với quy định tại Điều 47 BLHS năm 1999 chúng tôi thấy, việc bỏ các tình tiết tăng nặng trách nhiêm hình sự “Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” ra khỏi BLHS năm 2015 lại là một bất cập, hạn chế rất lớn của Bộ luật này. Bởi lẽ, hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra không chỉ là hậu quả thiệt hại về vật chất mà còn có thể là hậu quả thiệt hại phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, quan hệ đối ngoại của Việt Nam; gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân…[9]. Xét về ngữ nghĩa thì cụm từ “Gây hậu quả nghiêm trọng” có nội hàm rộng hơn các cụm từ “Gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, “Gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước… Cho nên, việc Bộ luật Hình sự năm 2015 thay thay thế cụm từ (gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng) có nội hàm rộng hơn bằng những cụm từ (gây ảnh hưởng xấu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước…) có nội hàm hẹp hơn là không hợp lý.
Hậu quả thiệt hại về vật chất không chỉ là hậu quả thiệt hại cho đối tượng tác động của tội phạm(bao gồm con người, đối tượng vật chất và hoạt động bình thường của chủ thể quan hệ xã hội) mà còn có thể là hậu quả thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra. Trong đó, thiệt hại về tài sản là đối tượng tác động của tội phạm là thiệt hại mà người phạm tội gây ra cho đối tượng tác động của tội phạm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý hợp pháp của người bị phạm tội (người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án). Về kỹ thuật lập pháp, thì thiệt hại cho đối tượng tác động của tội phạm cần được quy định là dấu hiệu cấu thành tội phạm vật chất và dấu hiệu định khung hình phạt của từng tội phạm cụ thể. Tuy nhiên, xuất phát từ chính sách hình sự (việc quy định là tội phạm đối với một hành vi nguy hiểm xã hội và chính sách xử lý đối với người thực hiện hành vi đó) mà BLHS không quy định (mức nào đó) hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho đối tượng tác động của tội phạm là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt của tất cả các tội phạm cụ thể. Ví dụ: Tại các Điều 260, 261, 262… chỉ quy định gây thiệt hại cho đối tượng tác động của tội phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là phạm một trong các tội xâm phạm an toàn giao thông và bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 của một số điều luật tại Mục 1 Chương XXI BLHS: “a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.Do vậy, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người dưới 61% và gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng không bị coi là tình tiết định tội của các tội xâm phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, có các trường hợp phạm tội xâm phạm an toàn giao thông sau đây: (1) Làm chết người và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%; (2) Làm chết người và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người dưới 61%; (3) Làm chết người và gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng; (4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên và gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng; (5) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên và gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng; (6) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%; (7) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người dưới 61%. Những trường hợp phạm tội cụ thể nêu trên có tính chất và mức độ nguy hiểm cao hơn trường hợp phạm tội chỉ gây ra một trong những hậu quả là làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng và cần thiết phải xủa phạt nặng hơn. Vấn đề đặt ra là căn cứ vào quy định nào của BLHS để xử phạt nặng hơn khi BLHS năm 2015 đã bỏ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra là thiệt hại phát sinh từ việc gây thiệt hại cho đối tượng tác động của tội phạm như trường hợp trộm cắp tài sản (là lô thuốc chữa bệnh cho gia súc giá trị 40 triệu đồng) dẫn tới hậu quả thiệt hại là đàn gia súc trị giá 100 triệu đồng bị chết. Theo hướng dẫn của các cơ quan liên ngành trung ương thì trong trường này, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 40 triệu đồng và hậu quả thiệt hại là 100 triệu đồng[10]. Chúng tôi cho rằng, cần phải xử phạt nặng hơn đối với trường hợp chỉ trộm cắp tài sản (là lô thuốc chữa bệnh cho gia súc giá trị 40 triệu đồng) nhưng không gây ra hậu quả là đàn gia súc trị giá 100 triệu đồng bị chết. Tuy nhiên, tại Điều 173 và nhiều điều luật khác thuộc Phần các tội phạm BLHS không quy định gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là các tình tiết định khung và tại Điều 52 BLHS cũng không quy định các tình tiết này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Do vậy, trong các trường hợp nêu trên, Tòa án chỉ có thể căn cứ vào Điều 50 Bộ luật Hình sự là “cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội” để quyết định mức hình phạt nặng hơn. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong những trường hợp nêu trên đề nghị quy định “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của một số tội phạm cụ thể, trong đó có các tội xâm phạm sở hữu.
[1] Xem: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 85.
[2] Xem: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 86.
[3] Xem: Trường đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự (Phần chung), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2020, tr.86.
[4] Xem: Trường đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự (Phần chung), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2020, tr.91-92.
[5] Xem: TS. Nguyễn Mai Bộ, Trường đại học luật Đại học quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự co người trong phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 – Chuẩn mực quốc tế, pháp luật, thực tiễn áp dụng và những vấn đề đặt ra”, tháng 6 năm 2022, tr.76.
[6] Xem: Tòa án nhân dân tối cao, So sánh BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2017, tr.28.
[7] Xem: Bộ luật Hình sự, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2019, Điều 54 & 59.
[8] Xem: Bộ luật Hình sự, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2019, Điều 51.
[9] Thông tư số 02/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC- BCA- BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVI “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999.
[10] Xem: Tòa án nhân dân tối cao, Các văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành pháp luật, Hà Nội, 2005, Tr. 59
Ảnh: Hội đồng xét xử trong một phiên tòa kiểu mẫu tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Bài liên quan
-
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thăm Đức Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng
-
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm về ma túy
-
Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
-
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong Bộ luật hình sự năm 2015, một số bất cập và kiến nghị
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Ngày Xuân, Cột cờ Lũng Cú cảnh đẹp mê hoặc lòng người
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Xuân mới, cơ hội mới, khí thế mới!
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
Bình luận