Bàn về đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm
Sau khi nghiên cứu bài viết “Đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện?” của tác giả Phạm Thị Tú Anh - Nguyễn Xuân Thũy (TAND tỉnh Cà Mau) được đăng ngày 25/11/2024, tôi có ý kiến bổ sung đối với nội dung tác giả đã nêu để có cái nhìn tổng quát hơn đối với việc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
1. Tóm tắt nội dung vụ án
Ông Trần Văn A khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Y về khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai tại TAND tỉnh X.
Sau khi thụ lý vụ án, TAND tỉnh X đã thực hiện các thủ tục theo quy định và ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, triệu tập và tống đạt hợp lệ đối với người khởi kiện, người bị kiện và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án để tham dự phiên tòa lần thứ nhất; Đại diện người bị kiện vắng mặt có đơn xin hoãn phiên tòa nên Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Tòa án triệu tập và tống đạt hợp lệ đối với người khởi kiện, người bị kiện và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án để tham dự phiên tòa lần thứ hai, tuy nhiên đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện vắng mặt, không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Do đó, TAND tỉnh X căn cứ khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 157 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án hành chính đối với yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn A.
Trong bài viết có nêu hai quan điểm khác nhau về đường lối giải quyết vụ án nói trên như sau:
Quan điểm thứ nhất: Tòa án triệu tập hợp lệ các đương sự tham gia phiên tòa xét xử vụ án lần thứ nhất. Đại diện người bị kiện vắng mặt, Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa. Tòa án triệu tập lần thứ hai đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Quan điểm thứ hai: Tại phiên tòa này, do người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị kiện có đơn xin hoãn phiên tòa nên Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của người khởi kiện. Do đó, phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt được xem là vắng mặt lần thứ nhất.
Tôi thống nhất với quan điểm thứ hai: Cần phải hiểu người đại diện theo uỷ quyền của người khởi kiện trong vụ án chỉ mới được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt lần thứ nhất vì phiên tòa đầu tiên họ có mặt, việc hoãn phiên tòa lần thứ nhất là do có đơn của người bị kiện chứ không phải vì lý do họ vắng mặt. Việc đình chỉ giải quyết vụ án là không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Lý do:
Về căn cứ pháp lý:
Theo điểm a khoản 2 Điều 157 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
“2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Đối với người khởi kiện, người đại diện theo pháp luật của người khởi kiện mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn”.
Đối chiếu sang điểm đ khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Đình chỉ giải quyết vụ án:
“1. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:
…
đ) Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.
Như vậy, về mặt lý luận, có thể thấy căn cứ đình chỉ trong trường hợp này được hiểu là người khởi kiện từ bỏ việc khởi kiện. Với việc người khởi kiện/người đại diện theo ủy quyền của họ chỉ vắng mặt lần đầu khi được triệu tập hợp lệ, chưa đủ cơ sở thuyết phục để cho thấy người khởi kiện có ý chí từ bỏ việc khởi kiện.
Đồng thời, tại Án lệ số 12/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 14/12/2017 về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa. Nội dung án lệ:
“[1] Về tố tụng: Theo Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 26-11-2013 thì tại phiên tòa các đương sự có mặt đầy đủ theo giấy triệu tập của Tòa án. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để các đương sự cung cấp thêm chứng cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào ngày 26-02-2014, bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn vắng mặt. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa và việc hoãn phiên tòa là do Tòa án, tại phiên tòa được mở lại đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất. Lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định là bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự để hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt tại phiên tòa, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không đúng quy định tại Điều 199, 202, 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, làm mất quyền kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn”.
Có thể thấy, tuy Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự khác nhau nhưng bản chất quy định đối với trường hợp này là như nhau. Việc người khởi kiện/nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc trường hợp có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì mới coi như họ từ bỏ việc khởi kiện, khi đó Tòa án mới đình chỉ giải quyết vụ án.
Trong vụ án được nêu; tại phiên tòa, các đương sự có mặt đầy đủ theo giấy triệu tập của Tòa án, tuy nhiên, Tòa án đã hoãn phiên tòa xét xử (việc hoãn phiên tòa là do đại diện người bị kiện vắng mặt có đơn xin hoãn); lúc mở lại phiên tòa, người đại diện của người khởi kiện vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất, Tòa án phải xác định là trường hợp được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nhưng vắng mặt tại phiên tòa để hoãn phiên tòa, thay vì đình chỉ xét xử vụ án.
2. Kiến nghị hoàn thiện
Để bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ trong quy định pháp luật, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính năm 2015 với một số nội dung sau:
Thứ nhất, tại điểm đ khoản 1 Điều 143: “Người khởi kiện đã được triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt lần thứ hai trừ trường hợp...” thay bằng “triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt” để làm căn cứ áp dụng trong trường hợp người khởi kiện từ bỏ việc khởi kiện, dựa vào số lần vắng mặt (hai lần - được xem là cố ý vắng mặt).
Thứ hai, cần điều chỉnh cụm từ “đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt” thành “đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt”. Điều chỉnh này giúp cho việc áp dụng căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án tại giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án trở nên thống nhất và thuyết phục.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong có thêm nhiều ý kiến của các đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất. Qua đó, đề xuất và kiến nghị TANDTC cần sớm ban hành hướng dẫn thống nhất pháp luật trong việc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm đối với trường hợp tương tự.
TAND tỉnh Kiên Giang xét xử trực tuyến vụ án hành chính - Ảnh: Trang Anh.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận