Bàn về người giám định trong tố tụng dân sự

Trong bài viết này, tác giả trao đổi những quan điểm đối với sự tham gia của người giám định trong tố tụng dân sự về cách thức đảm bảo sự khách quan, vô tư của người giám định và vai trò của người giám định tại phiên tòa sơ thẩm.

Việc gia tăng các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại (DS-KD-TM) liên quan đến những lĩnh vực chuyên biệt trong thời gian gần đây đòi hỏi tòa án phải trưng cầu giám định của các tổ chức, cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để đảm bảo giải quyết công bằng. Trong bài viết này, tác giả trao đổi những quan điểm đối với sự tham gia của người giám định trong tố tụng dân sự (TTDS) về cách thức đảm bảo sự khách quan, vô tư của người giám định và vai trò của người giám định tại phiên tòa sơ thẩm.

Để thực hiện công việc của mình, người giám định được quyền đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định, được đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định, và có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử vẫn còn có những quan điểm khác nhau về sự tham gia của người giám định trong tố tụng dân sự, chủ yếu về 02 vấn đề: Cách thức đảm bảo sự khách quan, vô tư của người giám định và vai trò của người giám định tại phiên tòa sơ thẩm.

Hai vụ án cụ thể

Vụ án 1

Trong một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại huyện TT, tỉnh LA, nguyên đơn đã khởi kiện để yêu cầu bị đơn thanh toán chi phí lắp ráp dây chuyền chế biến lúa gạo còn thiếu. Bị đơn từ chối thanh toán và còn có yêu cầu phản tố đòi nguyên đơn bồi thường thiệt hại do dây chuyền chế biến lúa gạo không đạt chất lượng. Bị đơn đã yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chất lượng dây chuyền chế biến lúa gạo do nguyên đơn lắp đặt.

Tuy nguyên đơn phản đối yêu cầu này, nhưng TAND huyện TT, tỉnh LA vẫn trưng cầu giám định chất lượng dây chuyền chế biến lúa gạo vì “Xét thấy việc bị đơn yêu cầu giám định các hạng mục, thiết bị của dây chuyền chế biến lúa gạo được lắp đặt là cần thiết cho việc giải quyết vụ án”. Quyết định trưng cầu giám định số 06/2019/QĐ-TCGĐ ngày 6/12/2019 của TAND huyện TT, tỉnh LA không yêu cầu bị đơn phải ký hợp đồng với tổ chức giám định để tạm ứng chi phí giám định. Thay vào đó, TAND huyện TT đã ký Hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ số 00482/N1.19/TD ngày 30/12/2019 (“Hợp đồng 00482”) với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường ABC để “tổ chức thực hiện việc giám định để xác định hiệu, model, xuất xứ, nhà sản xuất, thông số kỹ thuật và năng suất hoạt động của dây chuyền chế biến lúa gạo theo Hợp đồng mua bán và các Phụ lục số 01 kèm theo Hợp đồng mua bán số 007/CTR17.BFVN ký kết ngày 19/01/2017 giữa Công ty TNHH MTV V.S TLP và Công ty TNHH BF Việt Nam”. Theo Điều 5 Hợp đồng 00482, TAND huyện TT sẽ thanh toán chi phí cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường ABC.

Vụ án 2

Công ty A (chuyên kinh doanh vận tải) khởi kiện Công ty B (chuyên cung cấp phần mềm gọi xe) đòi bồi thường 41 tỷ đồng là phần lợi nhuận bị mất trong hai năm tài chính gần nhất trước khi khởi kiện. Lý do Công ty A khởi kiện là vì Công ty A cho rằng Công ty B đã có hành vi kinh doanh vận tải trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty A.

TAND TP. H đã thụ lý vụ án số 77/TB-TLVA ngày 20/6/2017. Trong quá trình xét xử, bên cạnh những lập luận chứng minh hoạt động kinh doanh của mình là hợp pháp, Công ty B đã phản đối yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty A vì Công ty B cho rằng thiệt hại mà Công ty A yêu cầu không phải là thiệt hại thực tế và không có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động kinh doanh của Công ty B và thiệt hại của Công ty A. Công ty A không cung cấp được chứng cứ chứng minh hoạt động kinh doanh của Công ty B là trái pháp luật. Để chứng minh thiệt hại của mình, Công ty A đã cung cấp 02 báo cáo nghiên cứu thị trường của 02 công ty nghiên cứu thị trường mà Công ty A thuê thực hiện.  Đối với những báo cáo nghiên cứu thị trường đó, Công ty B cho rằng chứng cứ đó là không khách quan vì những báo cáo nghiên cứu thị trường do các công ty được Công ty A thuê thực hiện, chưa có bất kỳ tổ chức nào xác nhận tính chính xác của các báo cáo này. Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu tiên vào tháng 2/2018 nhưng sau đó đã bị tạm đình chỉ giải quyết vì chưa có đủ chứng cứ chứng minh hoạt động kinh doanh của Công ty B là kinh doanh vận tải và thiệt hại của Công ty A.

Ngày 18/4/2018, Tòa án ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Ngày 4/5/2018, Tòa án đã mời hai bên lên làm việc và thẩm phán nêu mục đích, yêu cầu của buổi làm việc là: “Để giải quyết vụ án này cần thiết phải trưng cầu giám định về thiệt hại. Tòa án giải thích cho các đương sự biết có quyền thỏa thuận với nhau về việc chọn tổ chức giám định và Tòa án ấn định thời gian để hai bên đương sự thỏa thuận chọn tổ chức giám định.  Trong trường hợp đương sự không thỏa thuận được tổ chức giám định hoặc vắng mặt ngày giừ đã nêu trên thì Tòa án chỉ định tổ chức giám định và ra Quyết định trưng cầu giám định.”   Tuy nhiên, các bên không thỏa thuận được việc chọn tổ chức giám định. Biên bản làm việc ngày 10/5/2018 về việc lựa chọn tổ chức giám định ghi nhận: “Hai bên đương sự không thỏa thuận được cụ thể tổ chức giám định thiệt hại. Hai bên đương sự đề nghị Tòa án lựa chọn tổ chức giám định và ra Quyết định trưng cầu giám định”.

Trên cơ sở Biên bản làm việc trên, TAND TP. H đã ban hành Quyết định trưng cầu giám định số 2819/2018/QĐ-TCGĐ ngày 30/5/2018: “1. Trưng cầu Công ty Cổ phần Thẩm định – Giám định CL (sau đây gọi tắt: Tổ chức giám định). Thực hiện giám định: “Toàn bộ thiệt hại (tính ra VNĐ) của Công A do hoạt động của Công ty B tại thị trường Việt Nam gây ra cho Công ty A từ tháng 01 năm 2016 đến hết tháng 6 năm 2017.”; 2. Công ty A; Công ty B và các cơ quan, tổ chức khác liên quan có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, vật chứng phục vụ cho việc giám định khi tổ chức giám định yêu cầu; và 3. Công ty A tạm ứng 100% tiền chi phí giám định (thông qua hợp đồng với tổ chức giám định và giao nộp ngay hợp đồng này cho Tòa án)”.

Sau đó, Công ty B đã khiếu nại quyết định này lên Chánh án TAND TP. H. Một trong những căn cứ để khiếu nại là việc Công ty A ký hợp đồng và thanh toán chi phí giám định cho Công ty giám định CL vô hình trung đã hình thành mối quan hệ khách hàng – người giám định nên không đảm bảo tính khách quan, vô tư của người giám định.

Tại Quyết định số 534/2018/QĐ-GQKN ngày 27/7/2018, Chánh án TAND TP. H đã bác khiếu nại của Công ty B với nhận định: “Ngày 30/5/2018, Thẩm phán ban hành Quyết định số 2819 là đúng với nội dung thỏa thuận của các đương sự tại Biên bản làm việc ngày 10/5/2018 (Tòa án thực hiện quyền tổ chức giám định) và đúng với quy định tại khoản 2 Điều 160 Bộ luật Tố tụng dân sự về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định: “2. Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định”.

Công ty B tiếp tục khiếu nại lên Tòa án nhân dân cấp cao nhưng lại tiếp tục bị bác khiếu nại. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao nhận định: “tại thỏa thuận của các bên còn thể hiện nguyên đơn tự nguyện ứng trước 100% chi phí giám định nên việc nguyên đơn ký hợp đồng với Công ty CL để có cơ sở chi tiền tạm ứng chi phí giám định là không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phía bị đơn.”

Tiếp đến tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 10/2018, ngay khi bắt đầu phiên tòa, bị đơn Công ty B đã đề nghị Tòa án triệu tập Công ty giám định CL tham dự phiên tòa để đối chất về những vấn đề còn chưa rõ tại kết luận giám định. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu này của bị đơn. Trong quá trình xét xử sơ thẩm, bị đơn cũng đã hỏi đại diện của Công ty A về những kết luận trong báo cáo giám định của Công ty giám định CL và có nhiều tình tiết không được giải đáp thỏa đáng. Mặt khác, nguyên đơn cũng thừa nhận rằng chính nguyên đơn cung cấp tài liệu để Công ty giám định CL thực hiện việc giám định.

Ngày 29/10/2018, HĐXX đã ban hành Quyết định số 8764/2018/QĐST-KDTM tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm trong vòng một tháng với lý do là “Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu chứng cứ liên quan đến kết luận giám định thì mới giải quyết được vụ án” theo Điều 235 và Điều 259 BLTTDS 2015. Ngày 6/11/2018, Tòa án gửi Công văn số 6818/TATP-TKT  để yêu cầu Công ty giám định CL giải thích một vấn đề trong báo cáo giám định do HĐXX quyết định căn cứ khoản 3 Điều 102 BLTTDS 2015.

Ngày 22/11/2018 phiên tòa sơ thẩm được mở lại, trong phần trình bày ý kiến trước khi HĐXX nghị án, đại diện Viện kiểm sát tham dự phiên tòa đã nhận định sự có mặt của người giám định là cần thiết. Tuy nhiên, tại Bản án sơ thẩm số 1910/2018/KDTM-ST ngày 28/12/2018, TAND TP. H đã nhận định: “Việc hoãn phiên tòa để triệu tập Công ty giám định CL không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2, Điều 230 Bộ luật Tố tụng dân sự, nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của Công ty B”.

Bàn về tính khách quan, vô tư của người giám định khi đương sự trả chi phí tạm ứng giám định hoặc ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện việc giám định

Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã có những quy định cụ thể trong bảo đảm sự vô tư, khách quan trong TTDS (Điều 16) và Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định (Điều 160), từ diễn biến xét xử 02 vụ án trên, có thể thấy:

Vụ án 1: Trong Quyết định trưng cầu giám định số 06/2019/QĐ-TCGĐ ngày 6/12/2019, mặc dù xuất phát từ việc bị đơn yêu cầu trưng cầu giám định nhưng TAND huyện TT, tỉnh LA đã không yêu cầu bị đơn phải ký hợp đồng với tổ chức giám định để tạm ứng chi phí giám định mà chính Tòa án đã ký hợp đồng trực tiếp với người giám định. Và theo hợp đồng dịch vụ cung cấp hoạt động giám định thì Tòa án là bên thanh toán tạm ứng chi phí giám định.

TAND huyện TT cho rằng đây là “trưng cầu giám định” không phải là “yêu cầu giám định” nên Tòa án là chủ thể có trách nhiệm thực hiện trực tiếp với tổ chức giám định chứ không phải là đương sự dù trong trường hợp này là theo yêu cầu của đương sự (bị đơn).

Vụ án 2: TAND TP. H và TAND cấp cao đã có cách tiếp cận khác khi cho rằng theo khoản 2 Điều 160 BLTTDS 2015, trong trường hợp Tòa án trưng cầu giám định thì đương sự phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định. Do đó, Công ty A phải ký hợp đồng với Công ty giám định CL để có căn cứ thanh toán chi phí cho Công ty giám định CL, việc làm này không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Công ty B, tức là không ảnh hưởng tới tính khách quan, vô tư của người giám định.

Như vậy, quan điểm của 02 Tòa án trong vụ án này đều cho rằng vì pháp luật quy định nguyên đơn là người phải nộp tạm ứng chi phí giám định nên việc để nguyên đơn thực hiện việc ký hợp đồng và nộp tiền trực tiếp với tổ chức giám định là phù hợp và cũng vì thế mà không có cơ sở để cho rằng điều này làm ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của ngừoi giám định.

Quan điểm của tác giả cho rằng:

Thứ nhất: Không có cơ sở để cho rằng TAND TP. H đã sai trong việc áp dụng pháp luật khi yêu cầu nguyên đơn ký hợp đồng với tổ chức giám định và chi trả tạm ứng chi phí giám định. Bởi lẽ:

Xét đến hoàn cảnh ra đời, thì Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng và người phiên dịch trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính (PLCPGĐ 2012) được ban hành trong giai đoạn BLTTDS 2004 (sửa đổi năm 2011) có hiệu lực. Do đó, nội dung quy định của PLCPGĐ 2012 phù hợp với quy định tại Điều 90 BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), việc trưng cầu giám định chỉ xuất phát “Theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định” (không có trường hợp giám định do Tòa án xét thấy cần thiết).

Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 102 BLTTDS 2015 đã bổ sung thêm trường hợp Thẩm phán xét thấy cần thiết thì có thể ra Quyết định trưng cầu giám định (“Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định”).

Việc tạm ứng chi phí giám định trong trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết được quy định tại khoản 2 Điều 160 BLTTDS 2015 như sau: “Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định”.

BLTTDS 2015 không có quy định cụ thể về thủ tục nộp tiền tạm ứng chi phí giám định trong trường hợp tòa án xét thấy cần thiết tại Điều 102 và Điều 160 BLTTDS 2015. Điều 169 BLTTDS 2015 quy định: “Căn cứ vào quy định của Bộ luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án”.

Tuy nhiên, theo chúng tôi hiện chưa có quy định cụ thể về thủ tục nộp tạm ứng chi phí giám định khi Tòa án xét thấy cần thiết tại Điều 102 và Điều 160 BLTTDS 2015. Do đó, đây cũng là vấn đề thực tiễn áp dụng còn có quan điểm và cách vận dụng khác nhau. Chúng tôi cho rằng cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn để thống nhất trong thực tiễn xét xử.

Thứ hai: Mặc dù văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động giám định còn thiếu, chưa đầy đủ và cụ thể. Về cơ bản, chúng tôi thống nhất với cách xử lý của TAND huyện TT, Tỉnh LA. Theo đó, mặc dù pháp luật chưa có quy định cụ thể nhưng có thể áp dụng tương tự pháp luật liên quan hiện hành về thẩm quyền ban hành quyết định trưng cầu giám định để xác định Tòa án (có thể là Chánh án hoặc Thẩm phán phụ trách vụ án) chính là người thẩm quyền và trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ đối với hoạt động giám định với tổ chức giám định (Hợp đồng dịch vụ).

Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (LGĐTP) và tại khoản 1 Điều 102 BLTTDS 2015, kết luận giám định phát sinh từ một trong hai hình thức: Trưng cầu giám định hoặc Yêu cầu giám định. Trong đó, hình thức “trưng cầu giám định chỉ có thể do Tòa án, người tiến hành tố tụng thực hiện trên cơ sở có yêu cầu trưng cầu giám định của 01 hoặc cả 02 bên đương sự hoặc khi Tòa án xét thấy cần thiết (mà không cần có đương sự nào yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định).Đối với “yêu cầu giám định là quyền của đương sự sau khi đã đề nghị Tòa án, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.

Vậy có thể áp dụng tương tựnếu chủ thể nào trưng cầu giám định hoặc người yêu cầu giám định thì có thẩm quyền ký Hợp đồng dịch vụ.

Khoản 2 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định “Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”. Cụ thể, trong tố tụng dân sự, Cơ quan tiến hành tố tụng gồm có: Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân. Những người tiến hành tố tụng gồm có: Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên (Điều 46 BLTTDS 2015). Nói cách khác đây là những người có quyền sử dụng các nhà chuyên môn (cá nhân, tổ chức) tiến hành giám định để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động giải quyết vụ án dân sự. Do đó, họ sẽ là người ban hành quyết định trưng cầu giám định và ký Hợp đồng dịch vụ.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 160 BLTTDS 2015 đã trích dẫn, “người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định”. Bên  cạnh đó, điểm d khoản 2 Điều 21 LGĐTP 2012, người trưng cầu giám định có nghĩa vụ “Tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi trưng cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định”.

Về thủ tục nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được quy định cụ thể tại Điều 15 Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng 2012 (PLCPGĐ 2012).

Như vậy, căn cứ các quy định trên, trong trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định và được Tòa án chấp nhận hoặc Tòa án xét thấy cần thiết thì Tòa án hay nói cách khác là Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ký Hợp đồng dịch vụ với tổ chức giám định và thanh toán trực tiếp tạm ứng chi phí/chi phí giám định cho tổ chức giám định. Để tòa án có thể chi trả chi phí cho tổ chức giám định, “thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định” theo khoản 2 Điều 160 BLTTDS 2015 và khoản 2 Điều 15 PLCPGĐ 2012. Việc cho phép một bên đương sự trực tiếp ký hợp đồng dịch vụ thực hiện công việc giám định, thanh toán chi phí giám định cho tổ chức giám định và cung cấp tài liệu cho tổ chức giám định, theo chúng tôi, ít nhiều vẫn có thể ảnh hướng đến sự vô tư, khách quan đối với cá nhân, tổ chức thực hiện việc giám định; bởi lẽ, việc cho phép một bên đương sự trực tiếp ký hợp đồng dịch vụ thực hiện công việc giám định, thanh toán chi giám định và cung cấp tài liệu cho tổ chức giám định vô hình trung có thể tạo điều kiện cho đương sự liên hệ với tổ chức giám định hoặc người giám định trong quá trình thực hiện giám định. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sự trung thực, chính xác, khách quan, vô tư của tổ chức giám định thông qua hành vi xúi giục hoặc can thiệp, cản trở việc giám định.

Bàn về vai trò, sự có mặt của người giám định tại phiên tòa sơ thẩm

Khoản 3 Điều 103 BLTTDS 2015 quy định: “Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết”.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 257 BLTTDS 2015 quy định về việc hỏi người giám định: Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định; hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án sau khi được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa”.

Như vậy, BLTTDS 2015 quy định điều kiện cần và đủ để Tòa án triệu tập người giám định đến phiên tòa như sau: (i) Kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật; và (ii) Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết. Ngoài ra, pháp luật quy định khi tiến hành phiên tòa cho phép Kiểm sát viên, đương sự hỏi về những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định… nếu được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

Trong vụ án 2, tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty B đã đưa ra nhiều lập luận chứng minh rằng kết luận giám định của Công ty giám định CL có nhiều sai sót, mâu thuẫn. Công ty B cũng yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố H triệu tập Công ty giám định CL tham dự phiên tòa sơ thẩm để đối chất về các vấn đề còn chưa rõ.

Bản án sơ thẩm cũng ghi nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tham dự phiên tòa rằng: “Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, việc có mặt của Công ty giám định CL là cần thiết, tuy nhiên đã được Tòa án triệu tập rất nhiều lần, nhưng Công ty giám định CL đã không đến Tòa án để trực tiếp trình bày phiên tòa. Do đó, không làm rõ được việc thiệt hại của Công ty A chỉ do duy nhất Công ty B gây ra”.

Tuy nhiên, TAND TP. H vẫn nhận định: “Việc hoãn phiên tòa để triệu tập Công ty giám định CL không phải là điều kiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2, Điều 230 BLTTDS 2015, nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của Công ty B. Vì vậy, HĐXX tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung”.

Về vấn đề này, chúng tôi đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát khi cho rằng người giám định cần có mặt tại phiên tòa để các bên có thể làm rõ kết luận giám định. Việc người giám định không tham dự phiên tòa đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn khi: “không làm rõ được việc thiệt hại của Công ty A chỉ do duy nhất Công ty B gây ra”. Ngoài ra,  Điều 287 BLTTDS 2015 quy định trong giai đoạn xét xử phúc thẩm chỉ có hai loại chứng cứ có thể bổ sung: Những chứng cứ mà tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu đương sự giao nộp nhưng đương sự chưa giao nộp được; Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Do đó, hệ quả tố tụng của việc TAND TP. H không triệu tập Công ty giám định CL tham dự phiên tòa để đối chất với đương sự có thể có thể có rủi ro cấp phúc thẩm/giám đốc thẩm có thể hủy bản án và chuyển hồ sơ vụ án để cấp sơ thẩm/phúc thẩm giải quyết lại do “việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định”.

Hơn nữa, nếu tòa án cấp phúc thẩm triệu tập người giám định tham dự phiên tòa phúc thẩm để đối chất với đương sự, có thể dẫn đến việc xâm phạm nguyên tắc hai cấp xét xử vì trong quá trình đối chất có thể có những vấn đề mới được phát hiện và cấp phúc thẩm sẽ quyết định dựa trên những tình tiết mới đó. Việc này sẽ khiến cho đương sự mất quyền kháng cáo đối với những quyết định dựa trên tình tiết mới đó.

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng khi đương sự có cơ sở để nghi ngờ kết luận giám định và có yêu cầu Tòa án triệu tập người giám định đến phiên tòa thì Tòa án (HĐXX sơ thẩm) nên xem xét theo hướng phải triệu tập người giám định tham dự phiên tòa để đương sự được thực hiện quyền hỏi của mình nhằm bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Việc này cũng nhằm hạn chế trường hợp bản án sơ thẩm bị tòa án cấp phúc thẩm hủy để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để người giám định đối chất và chứng minh kết luận giám định của mình là đúng và có căn cứ khoa học.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong tố tụng dân sự, người giám định trong nhiều vụ án có vai trò then chốt nhằm giúp Tòa án đưa ra phán quyết công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.  Do đó, việc đảm bảo sự khách quan, vô tư của người giám định phải là vấn đề quan trọng hàng đầu. Để đảm bảo việc này, cần hạn chế sự thiết lập những mối quan hệ trực tiếp giữa người giám định và các bên đương sự, nhờ đó mà người giám định mới có thể đưa ra những đánh giá khách quan đảm bảo công bằng cho cả hai bên.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính chính xác của báo cáo giám định, Tòa án cũng cần lựa chọn người giám định có đủ năng lực và kinh nghiệm phù hợp với đối tượng được giám định trong vụ án. Việc này đòi hỏi Tòa án không chỉ xác định đúng phạm vi và đối tượng được trưng cầu giám định mà khi xét thấy cần phải yêu cầu người giám định (ngay cả khi đương sự không có yêu cầu) tham dự phiên tòa để làm rõ những phân tích, kết luận giám định nhằm giúp cho đương sự có cơ hội bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ thông qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa./.

Theo kiemsat.vn

 

Giám định xe ô tô – Ảnh minh họa của CTV

TS. ĐẶNG THANH HOA (Trường Đại học Luật TP. HCM) và LS. NGÔ TỰU ĐỨC (Công ty Luật TNHH YKVN)