Bàn về phạm vi khởi tố vụ án hình sự và nguyên tắc có lợi cho người phạm tội
Bài viết phân tích sự cần thiết mở rộng các tội danh được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại và mối quan hệ với việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội và đề xuất, kiến nghị.
Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự (TTHS), cho nên đối với một số trường hợp hành vi phạm tội xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và trật tự quản lý kinh tế, nếu như khởi tố vụ án hình sự (VAHS), xét ở góc độ lợi ích về mặt xã hội kết quả thu được có thể không lớn, mà ngược lại còn có khả năng gây ra những hậu quả mà bị hại không mong muốn. Vì vậy, TTHS cho phép bị hại hoặc người đại diện của bị hại trong một số trường hợp đặc biệt được lựa chọn cách thức xử lý thông qua quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố VAHS, để họ cân nhắc, quyết định có yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho mình theo trình tự, thủ tục TTHS hay không.
1.Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về các tội danh khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại
– Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 1988
Quy định về khởi tố VAHS theo yêu cầu của người bị hại [1] chính thức được ghi nhận một cách có hệ thống, đầy đủ và toàn diện trong BLTTHS năm 1988. Với quan điểm cho phép người bị hại được quyền yêu cầu khởi tố trong một số trường hợp hành vi phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm không cao, không gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội mà chỉ xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, một số quyền tự do, dân chủ của công dân. Vì vậy, BLTTHS năm 1988 quy định các tội danh [2] được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được liệt kê tại khoản 1 Điều 88 và các tội này được dẫn chiếu đến quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1985. Cụ thể: (1) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (2) Tội hiếp dâm; (3) Tội cưỡng dâm; (4) Tội làm nhục người khác; (5) Tội vu khống; (6) Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh. [3] Ngoài ra, BLTTHS năm 1988 cũng quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người bị hại khi tham gia TTHS nói chung và quyền trình bày lời buộc tội tại phiên toà trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại nói riêng.
BLTTHS năm 1988 là BLTTHS đầu tiên của nước ta ra đời trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đã góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong thời gian thi hành, BLTTHS năm 1988 đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần nhằm đáp ứng với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm của từng thời kỳ. Trong đó, lần sửa đổi, bổ sung thứ nhất vào năm 1990 [4] và lần thứ hai vào năm 1992 [5], thì quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại không được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, đến lần sửa đổi bổ sung thứ ba vào năm 2000 [6], các tội danh khởi tố theo yêu cầu của người bị hại đã có sự thay đổi, đó là tăng về số lượng tội danh [7] được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo khoản 1 các điều được dẫn chiếu đến quy định của BLHS năm 1999. Cụ thể: (1) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; (2) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; (3) Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (4) Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; (5) Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.[8] Phần lớn các tội danh được bổ sung là các tội danh mới quy định trong BLHS năm 1999, hoặc tách ra từ tội danh ghép để phù hợp với khách thể bị xâm phạm, hoặc điều chỉnh tên của điều luật cho hợp lý hơn.
Việc mở rộng thêm các tội danh [9] được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là phù hợp. Bởi vì, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc hành vi gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng được thực hiện với lỗi vô ý, thì tính nguy hiểm cho xã hội của những hành vi này không cao, nếu như so sánh với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
– Quy định của BLTTHS năm 2003
BLTTHS năm 2003 vẫn giữ nguyên các tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại như BLTTHS năm 1988 sửa đổi, bổ sung năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2009 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS (Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/6/2009) đã bãi bỏ tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 131). Mặc dù, tội danh này vẫn còn nằm trong danh sách các tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được liệt kê tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS năm 2003, nhưng nó chỉ còn về mặt danh nghĩa do Điều 131 đã không còn trong BLHS.
– Quy định của BLTTHS năm 2015
BLTTHS năm 2015 cũng không có thay đổi về số lượng điều luật liệt kê được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại so với BLTTHS năm 2003 [10]. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung vào Điều 136 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội [11].
2. Phạm vi khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại
Sau khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực thi hành 01 năm, các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương đã tổng kết và chỉ ra rằng: Phạm vi khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại còn hẹp, chủ yếu về các tội xâm phạm nhân thân. [12] Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và kinh nghiệm của một số nước cho thấy, cần mở rộng các trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại đối với một số loại tội phạm khác [13].
Trước đây, có quan điểm đề nghị mở rộng các vụ án về các tội phạm chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại, ngoài các tội phạm được quy định tại Điều 105 BLTTHS năm 2003 như một số tội phạm khác xâm phạm nhân thân, xâm phạm tài sản, các tội phạm kinh tế. Chẳng hạn như tội vô ý gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe người khác; tội sử dụng trái phép tài sản, tội cho vay lãi nặng, tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, [14]
Đến ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã đề ra chủ trương hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Chính vì vậy, cùng với tiến trình cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013, thì việc hoàn thiện quy định về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại trong TTHS là điều cần thiết nhằm bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong TTHS một cách hiệu quả.
Tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và thực hiện tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, cùng với việc tổng kết từ kết quả thực tiễn cho thấy đối với một số hành vi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, cần được mở rộng phạm vi áp dụng quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại, nhưng vẫn chưa được TTHS ghi nhận như: (1) Tội chiếm giữ trái phép tài sản; (2) Tội sử dụng trái phép tài sản; (3) Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; (4) Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Để làm rõ các tội danh cần mở rộng cho phép khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại. Chúng tôi phân tích, làm rõ thêm một số mặt của yếu tố cấu thành tội phạm để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội danh nêu trên.
– Thứ nhất, tội chiếm giữ trái phép tài sản tại khoản 1 Điều 176 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật. Đây là tội có tính chất chiếm đoạt nhưng ý thức chiếm đoạt có sau khi được giao nhầm hoặc tìm được, bắt được tài sản, di vật, cổ vật. Khi người chiếm giữ trái phép tài sản trả lại tài sản thì hành vi của họ không còn nguy hiểm và không cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự nữa. Tuy nhiên, theo quy định nếu đã khởi tố vụ án, thì mặc dù người phạm tội trả lại tài sản, họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do tội này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
– Thứ hai, tội sử dụng trái phép tài sản tại khoản 1 Điều 177 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật, chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 (Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí) và Điều 220 (Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng) của BLHS. Đây là tội có tính chất vụ lợi, nhằm khai thác giá trị sử dụng của tài sản, nhưng không chiếm đoạt tài sản. Khi người sử dụng trái phép tài sản trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại thì tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã giảm đáng kể và không cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Tuy nhiên, theo quy định thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do tội này không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
– Thứ ba, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc tài sản là di vật, cổ vật. Tội này gây thiệt hại về tài sản nhưng không có tính chất chiếm đoạt hoặc vụ lợi. Khi chủ sở hữu tài sản được bồi thường thiệt hại thì cũng không cần thiết phải xử lý người phạm tội bằng biện pháp hình sự nữa. Tuy nhiên, theo quy định thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do tội này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
– Thứ tư, tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản tại khoản 1 Điều 180 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hành vi vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Tội này tuy gây thiệt hại về tài sản nhưng do lỗi vô ý, không có tính chất chiếm đoạt hoặc vụ lợi. Khi chủ sở hữu tài sản được bồi thường thiệt hại thì cũng không cần thiết phải xử lý người phạm tội bằng biện pháp hình sự nữa. Tuy nhiên, theo quy định thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, do tội này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
Như vậy, cả 04 tội danh nêu trên đều là các tội ít nghiêm trọng và tính chất nguy hiểm cũng thấp hơn các tội phạm khác trong chương các tội xâm phạm sở hữu và đối tượng bị xâm phạm chỉ là tài sản. Chúng tôi cho rằng, đối với những trường hợp này, thông thường bị hại chỉ cần thu hồi lại tài sản hoặc khắc phục hậu quả thì tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội không còn nữa hoặc đã giảm đáng kể, nên không cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Do vậy, cần đưa vào trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại, để có thể chấm dứt việc truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị hại hoặc người đại diện của bị hại rút yêu cầu khởi tố.
Ngoài ra, còn có tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại khoản 1 Điều 225 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đây là hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình nhưng không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Tội này tương tự như tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại khoản 1 Điều 226 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Chúng tôi cho rằng, các tội nêu trên không cần thiết bắt buộc phải xử lý hình sự, mà nên đưa vào trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại, để giao quyền định đoạt việc xử lý người phạm tội cho bị hại hoặc người đại diện của bị hại là phù hợp nhất.
Tuy nhiên, cũng cần loại bỏ tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b và i khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, đó là các hành vi: “Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; Có tính chất côn đồ”. Đây là các trường hợp hành vi có tính nguy hiểm cao cho xã hội, cần có mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ đối với người thực hiện hành vi phạm tội và không chỉ nhằm trừng trị họ mà còn giáo dục họ có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới, đồng thời giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Đề xuất, kiến nghị
Với những phân tích nêu trên, theo chúng tôi trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại điểm c, d, đ, e, g, h, k khoản 1 Điều 134 và khoản 1 các điều 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156, 176, 177, 178, 180, 225 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
3. Mối quan hệ giữa việc mở rộng tội danh được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại với nguyên tắc có lợi cho người phạm tội
Trong lĩnh vực hình sự, về nguyên tắc, điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện. Khi điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Ngược lại, điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.[15]
Theo đó, kể từ khi BLHS đầu tiên năm 1985 ra đời cho đến BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đều dành một điều luật để quy định về hiệu lực của BLHS về thời gian – nguyên tắc áp dụng có lợi cho người phạm tội. Cụ thể: BLHS năm 1985 (Điều 7), Nghị quyết về việc thi hành BLHS được Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 9, thông qua ngày 27/6/1985; BLHS năm 1999 (Điều 7), Nghị quyết số 32/1999/NQ-QH10 ngày 21/12/1999 về việc thi hành BLHS; Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung BLHS, Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS; BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điều 7), Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và về hiệu lực thi hành của BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực TTHS, kể từ BLTTHS từ năm 1988 đến BLTTHS năm 2015, quy định về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại đều không có điều luật quy định tương tự như các BLHS và các Nghị quyết hướng dẫn thi hành BLTTHS [16] cũng không đề cập đến việc áp dụng nguyên tắc hồi tố hay bất hồi tố (nguyên tắc có lợi cho người phạm tội) trong trường hợp khi BLTTHS bãi bỏ hoặc tăng số lượng tội danh được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại. Do vậy, trong khoảng thời gian từ ngày BLTTHS được Quốc hội thông qua cho đến ngày có hiệu lực sẽ không được áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội tương tự như quy định của các BLHS và các Nghị quyết hướng dẫn thi hành BLHS. Cụ thể:
BLTTHS năm 1988 sửa đổi, bổ sung năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 09/6/2000 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2000 đã bổ sung 05 điều luật (11 tội danh) dẫn chiếu đến BLHS năm 1999 được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nhưng BLTTHS không có điều luật quy định áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội trong trường hợp này [17]. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong khoảng thời gian từ 0 giờ 00 phút ngày 09/6/2000 đến trước 0 giờ 00 phút ngày 01/7/2000 nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các tội danh mới được bổ sung, thì người bị hại không có quyền lựa chọn yêu cầu khởi tố hay không yêu cầu khởi tố, cũng như rút yêu cầu khởi tố nếu như trước đó đã có yêu cầu khởi tố. Tuy nhiên, do khoảng thời gian này cũng tương đối ngắn, nên có thể đến thời điểm BLTTHS năm 1988 sửa đổi, bổ sung năm 2000 có hiệu lực, thì người bị hại có thể thực hiện quyền yêu cầu hoặc không yêu cầu khởi tố và tất nhiên dẫn đến hệ quả là vụ án sẽ được đình chỉ, nếu người bị hại không yêu cầu. Điều này cũng xuất phát từ việc BLTTHS không có điều luật riêng quy định hiệu lực về thời gian hoặc quy định trong cùng điều luật về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Cho nên, bị hại, người đại diện của bị hại, bị can, bị cáo nói riêng và người tham gia tố tụng nói chung phải tiếp tục theo đuổi vụ án gây mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của họ cho việc theo đuổi vụ án, thậm chí còn có thể làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và còn gây ra tiếp những tổn hại về tinh thần cho bị hại.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các văn bản luật hầu như đều ấn định ngày 01/01 hoặc 01/7 là ngày có hiệu lực thi hành. Điển hình như: BLHS năm 1999 được Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2000; BLTTHS năm 2003 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2004; Bộ luật dân sự năm 2005 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2006; Bộ luật dân sự năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2017; BLTTHS năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2016 nhưng được lùi hiệu lực thi hành đến ngày 01/01/2018; Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2020;…. Như vậy, khoảng thời gian từ ngày Quốc hội thông qua văn bản luật đến ngày có hiệu lực thi hành ít nhất cũng từ 06 tháng trở lên. Nếu đối chiếu với quy định của BLTTHS về thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố và thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thì vụ án đã được giải quyết xong [18].
Có lẽ xuất phát từ quy định của pháp luật, nên có nhiều quan điểm cho rằng: Chỉ có luật nội dung (BLHS) mới áp dụng nguyên tắc hồi tố và bất hồi tố (nguyên tắc có lợi cho người phạm tội), còn luật hình thức (BLTTHS) không có áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, tức là khi giải quyết vụ án về trình tự, thủ tục tố tụng được áp dụng từ thời điểm BLTTHS bắt đầu có hiệu lực.
Đề xuất, kiến nghị
Theo tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, đó là “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”. Đồng thời, TTHS trao cho bị hại quyền tự quyết và định đoạt, tức là vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại trong một số trường hợp đặc biệt và họ cũng có thể rút lại yêu cầu của mình để chấm dứt tiến trình giải quyết vụ án để có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của bị hại, nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của xã hội và nhiệm vụ của nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, bảo vệ bị hại không chỉ đơn thuần là trừng trị người phạm tội, mà trong một số trường hợp còn phải xem xét đến nguyện vọng của bị hại mong muốn xử lý người phạm tội như thế nào [19]. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cần mở rộng thêm các tội danh được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại được quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 như chúng tôi đã đề xuất ở mục 2. Và khi đó, theo chúng tôi cần bổ sung điều luật quy định về hiệu lực của BLTTHS về thời gian hoặc bổ sung khoản 4 Điều 155 BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thi hành BLTTHS cần bổ sung hướng dẫn về nguyên tắc có lợi cho người phạm tội trong vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại theo hướng:
“- Điều luật được áp dụng đối với trình tự, thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật này là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm Bộ luật này có hiệu lực.
– Điều luật quy định về trình tự, thủ tục tố tụng không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
– Điều luật quy định về trình tự, thủ tục tố tụng có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Kết luận. Quy định về khởi tố VAHS theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn rất quan trọng. Quy định này được ghi nhận lần đầu tiên trong BLTTHS năm 1988 và tiếp tục được bổ sung, phát triển trong BLTTHS năm 2003 và 2015. Đây là quy định có tính chất đặc trưng, thông qua việc cho phép bị hại hoặc người đại diện của bị hại được lựa chọn cách xử lý đối với người gây thiệt hại cho mình. Ngoài ra, quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong TTHS. Trong tương lai, khi BLTTHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung cần xem xét bổ sung các tội danh được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại và quy định, hướng dẫn áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội trong vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại, nhằm đảm bảo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được ghi nhận trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”[20]./.
1.Giai đoạn này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 chưa mở rộng về chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 liệt kê 06 điều luật dẫn chiếu đến Bộ luật hình sự năm 1985 được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Trong đó, có những điều luật trong đó gồm nhiều tội được gộp chung vào một điều luật – các hành vi khách quan thực hiện khác nhau và các điều luật dùng từ “hoặc” hay “dấu phẩy” để phân biệt các hành vi khách quan đó. Chẳng hạn: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 gồm: (1) Tội cố ý gây thương tích; (2) Tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Hoặc tội xâm phạm quyền tác giả, quyền sáng chế, phát minh quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự năm 1985 gồm: (1) Tội xâm phạm quyền tác giả; (2) Tội xâm phạm quyền quyền sáng chế, phát minh. Vì vậy, nếu tính số lượng tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì có đến 09 tội danh.
3.Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988.
4.Luật của Quốc hội số 39-LCT/HĐNN8 ngày 30/6/1990 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
5.Luật số 05-L/CTN ngày 22/12/1992 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
6.Luật số 20/2000/QH10 ngày 09/6/2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
7.Tương tự footnote số 2, khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 sửa đổi, bổ sung năm 2000 liệt kê 11 điều luật dẫn chiếu đến Bộ luật hình sự năm 1999 được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng nếu tính số lượng tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì có đến 18 tội danh.
8.Khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 sửa đổi, bổ sung năm 2000.
9.Tương tự footnote số 2, khoản 1 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 sửa đổi, bổ sung năm 2000 mở rộng thêm 05 điều luật dẫn chiếu đến Bộ luật hình sự năm 1999 được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng nếu tính số lượng tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì có đến 11 tội danh.
10.Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
11. Tương tự footnote số 2, khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuy vẫn giữ nguyên số lượng điều luật được khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại tương tự như các tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhưng nếu tính số lượng tội danh thì tăng thêm 01 tội danh, nên tổng cộng có đến 19 tội danh được khởi tố theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại.
12. Lê Hữu Thể, Đỗ Văn Đương, Nguyễn Thị Thủy – đồng chủ biên (2013), Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc đổi mới thủ tụ tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 305.
13. Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2005), Báo cáo kết quả phối hợp rút kinh nghiệm một năm thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Hà Nội.
14.Lê Hữu Thể, Đỗ Văn Đương, Nguyễn Thị Thủy – đồng chủ biên (2013), Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc đổi mới thủ tụ tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 319.
15.Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
16.(1) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988: Nghị quyết được Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 28/6/1988 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự.
(2) Luật của Quốc hội số 39-LCT/HĐNN8 ngày 30/6/1990 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật số 05-L/CTN ngày 22/12/1992 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật số 20/2000/QH10 ngày 09/6/2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Các Luật sửa đổi, bổ sung này đều không có Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thi hành.
(3) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: Nghị quyết số 24/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự.
(4) Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự.
17. Luật số 20/2000/QH10 ngày 09/6/2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự không có Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thi hành. (Xem thêm footnote số 16)
18. Phan Thành Nhân, Đỗ Thị Nhung (2019), Quy định về rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và quyền được yêu cầu lại – Phân tích, bình luận và kiến nghị, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, Đăng ngày 13/11/2019 [Truy cập ngày 20/11/2019]
19. Khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
20. Khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Thư
13:05 11/01.2025Trả lời