Bàn về Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là quy định phần nào thể hiện sự thận trọng và độc lập của các Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Tuy nhiên quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 vẫn cần có sự hướng dẫn thống nhất trong quá trình thực hiện….
Trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại Điều 280 BLTTHS 2015
Khoản 2 Điều 280 BLTTHS 2015 quy định : “Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ đề điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ”. Đây là một quy định mới mà thực chất là Viện kiểm sát đề nghị rút hồ sơ vụ án đã truy tố. Điều luật không quy định cụ thể về việc giải quyết đề nghị này của Viện kiểm sát. Hồ sơ vụ án đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Tòa án có thể chấp nhận đề nghị trả hồ sơ đề điều tra bổ sung nếu có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này. Tòa án cũng có thể không chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát nếu đề nghị đó không có căn cứ và vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Quy định này theo chúng tôi còn chung chung, rất dễ dẫn đến hiểu là Viện Kiếm sát đề nghị rút hồ sơ vụ án thì Tòa án phải quyết định trả hồ sơ. Trong thực tế, cũng có những trường hợp Viện kiểm sát xin rút hồ sơ vụ án, Tòa án trả hồ sơ và tuy không có gì mới so với hồ sơ đã truy tố nhưng kết quả là Viện kiểm sát đình chỉ vụ án.
Điều luật không quy định trường hợp Viện kiểm sát phát hiện tội danh nặng hơn tội danh mà mình đã truy tố thì đề nghị Tòa án trả hồ sơ để truy tố lại. Do đó, nếu gặp trường hợp này thì Viện kiểm sát đành chờ Tòa án trả hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 298 mà không thể chủ động. Giả sử, Tòa án không đồng nhất quan điểm phải truy tố tội danh nặng hơn thì Viện kiểm sát cũng không có quyền đề nghị rút hồ sơ vụ án.
Khoản 3 Điều này quy định cụ thể: Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát cùng hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Quy định này chỉ đúng trong trường hợp Thẩm phán chủ động ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và không đúng trong trường hợp chấp nhận đề nghị trả hồ sơ của Viện kiểm sát (khoản 2 Điều này). Lẽ ra khoản 3 của điều luật này phải loại trừ trường hợp của khoản 2 Điều này mới chính xác.
Về quy định kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình chỉ vụ án của điều luật này đã được quy định tại khoản 1 Điều 246 rồi, lẽ ra không cần quy định lại trong Điều 280.
Đối với trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án (khoản 3 Điều 280).
Quy định này không thật chính xác vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 6 Điều 252 BLTTHS năm 2015. Tòa án còn có quyền tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nếu như Viện kiểm sát không bổ sung được các yêu cầu điều tra bổ sung, yêu cầu bổ sung chứng cứ của Tòa án. Vì vậy, lẽ ra điều luật này phải quy định là: “Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì Tòa án tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án hoặc tiến hành xét xử vụ án”.
Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án (Điều 246)
Khoản 1 Điều 246 có quy định: “…Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án…”
Bản cáo trạng trước đó là bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố, đã giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 240 BLTTHS 2015 về Thời hạn quyết định việc truy tố. Bản cáo trạng mới thay thế bản cáo trạng đã giao này có nội dung thay đổi cơ bản so với bản cáo trạng đã giao. Vì thế, Viện kiểm sát phải thực hiện việc việc giao lại bản cáo trạng mới để đảm bảo quyền của bị can, của những người tham gia tố tụng khác trong đó có người bào chữa. Tuy nhiên, điều luật lại không quy định cụ thể và rõ ràng về vấn đề này là một sai sót cần phải bổ sung.
Khoản 1 Điều này có quy định: “Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn tới đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án biết”. Theo quy định tại Điều 248 của BLTTHS năm 2015, thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án đối với từng bị can nếu vụ án có nhiều bị can. Nếu kết quả bổ sung dẫn tới việc Viện kiểm sát đình chỉ vụ án với một hoặc một số bị can trong vụ án, thì Viện kiểm sát có phải thông báo cho Tòa án biết về việc đình chỉ bị can không? Chúng tôi cho rằng Viện kiểm sát phải thông báo cho Tòa án biết, tuy nhiên điều luật lại không quy định trường hợp này. Đó là một bất cập cần được sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cụ thể.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận