Bàn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp Tòa án là bị đơn trong vụ án dân sự

Bài viết phân tích, đánh giá quy định của pháp luật tố tụng dân sự về căn cứ chuyển đơn khởi kiện trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ khi Tòa án là bị đơn trong vụ án dân sự, từ đó nêu ra thực trạng của pháp luật tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong những nguyên tắc hiến định [1]. Cụ thể hóa nguyên tắc hiến định này, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 [2] và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 [3] đã dành riêng một điều luật để quy định về nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và mọi hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp khi Tòa án chính là cơ quan bị yêu cầu bồi thường thiệt hại và cũng chính là cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại và tuyên buộc chính mình phải bồi thường hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, không buộc mình phải bồi thường. Điều này không tránh khỏi sự “hoài nghi” của người yêu cầu bồi thường nói riêng và của cả xã hội nói chung về phán quyết của Tòa án khi “Tòa án lại xử chính mình” – người “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đề ra giải pháp hoàn thiện quy định về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp này là điều cần thiết.

1.Quy định của pháp luật

Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ là sự phân định thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ việc dân sự giữa các Tòa án cùng cấp với nhau, được tiến hành trên cơ sở đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án được thuận lợi, nhanh chóng; tiết kiệm chi phí và tạo sự thuận lợi cho các đương sự tham gia tố tụng, tránh sự chồng chéo trong việc thực hiện thẩm quyền giữa các Tòa án cùng cấp.[4
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ bao gồm: Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự và thẩm quyền giải quyết việc dân sự được quy định tại Điều 39 của BLTTDS năm 2015.

Đối với thẩm quyền giải quyết việc dân sự, do có sự khác nhau về đặc điểm, tính chất, quyền và lợi ích được bảo vệ của từng đối tượng người yêu cầu, người bị yêu cầu nên BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể về Tòa án có thẩm quyền giải quyết đối với từng loại yêu cầu cụ thể.

Đối với thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, tố tụng dân sự cũng đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt của đương sự khi cho phép các bên đương sự có quyền thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết. Tuy nhiên, sự thỏa thuận đó không được trái với quy định của BLTTDS về thẩm quyền theo cấp Tòa án. Đối với các tranh chấp có đối tượng [5] tranh chấp là bất động sản thì chỉ có Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự thường ưu tiên xác định là Tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của bị đơn. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của từng lĩnh vực quan hệ pháp luật dân sự mà thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ không chỉ quy định trong BLTTDS mà còn được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành. Theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự [6].
Chính vì chủ thể đặc biệt của các loại án này nên quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 đã không thể tránh khỏi các trường hợp Tòa án nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc hoặc nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở hoặc nơi thiệt hại xảy ra theo yêu cầu của người bị thiệt hại cũng chính là Tòa án bị yêu cầu bồi thường.

Ngày 18/9/2012, TANDTC, VKSNDTC và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP về việc “Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”. Theo Thông tư này, trường hợp TAND cấp huyện là Tòa án có trách nhiệm bồi thường thì TAND cấp huyện đó báo cáo TAND cấp trên trực tiếp để TAND cấp trên lấy vụ án lên giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Hướng dẫn này đã phần nào hạn chế được việc Tòa án vừa là cơ quan xét xử vừa là bị đơn trong vụ án ở Tòa án cấp huyện. Tuy nhiên, hướng dẫn này chưa khắc phục được tình trạng tương tự như trên đối với Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực vào ngày 01/7/2018 vẫn chưa khắc phục được hạn chế của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 như đã phân tích. TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu bồi thường hoặc nơi đặt trụ sở của bị đơn theo lựa chọn của người yêu cầu bồi thường là Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm yêu cầu bồi thường trong trường hợp bị đơn là các cơ quan theo quy định, trong đó bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện. TAND cấp tỉnh nơi cư trú, làm việc của người yêu cầu bồi thường hoặc nơi đặt trụ sở của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo lựa chọn của người yêu cầu bồi thường là Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện [7]. Như vậy, TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh vẫn có thể phải xét xử sơ thẩm, TAND cấp cao vẫn có thể phải xét xử phúc thẩm các vụ án yêu bồi thường thiệt hại mà chính mình là bị đơn.

Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới cũng có quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng, điển hình như:
Ở Anh, mọi vụ kiện dân sự tiến hành chống lại Nhà nước sẽ do Tòa án cấp cao hoặc Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết. Tuy nhiên, có thể chuyển vụ kiện từ Tòa án cấp sơ thẩm lên Tòa án cấp cao hoặc chuyển vụ kiện từ Tòa án cấp cao xuống Tòa án cấp sơ thẩm nếu có đủ điều kiện. Riêng đối với việc chuyển vụ kiện từ Tòa án cấp cao xuống Tòa án cấp sơ thẩm sẽ chỉ được thực hiện với sự chấp thuận của Nhà nước.[8]

Ở Nhật Bản, việc đề nghị đền bù thiệt hại hình sự sẽ được đệ trình lên Toà án ra quyết định “vô tội”.[9]

Ở Hàn Quốc, để xem xét vụ việc có đơn yêu cầu đòi bồi thường kiện Nhà nước hoặc chính quyền địa phương, một Hội đồng Trung ương được thành lập ở Bộ Tư pháp, một Hội đồng Đặc biệt được thành lập ở Bộ Quốc phòng để xem xét đơn yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại do các quân nhân hoặc công chức quốc phòng gây ra cho người khác. Hội đồng Trung ương và Hội đồng Đặc biệt thành lập một Hội đồng cấp Quận huyện theo các điều kiện được quy định tại Sắc luật của Tổng thống. Hội đồng Trung ương, Hội đồng Đặc biệt và Hội đồng cấp Quận huyện được bố trí chỗ làm việc theo quyết định của Bộ trưởng Tư pháp. Mỗi Hội đồng có Chủ tịch chịu trách nhiệm kiểm soát chung.[9]

Ở Trung Quốc, TAND trung cấp trở lên thành lập Hội đồng bồi thường, thành phần gồm ba đến bảy thẩm phán. Hội đồng bồi thường ra quyết định bồi thường, thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Quyết định bồi thường của Hội đồng bồi thường là quyết định có hiệu lực pháp luật, buộc phải thực hiện.[10]

2. Thực tiễn áp dụng

Vụ án thứ nhất: Tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan trong hoạt động tố tụng hình sự, giữa nguyên đơn bà Phan Thị Kim P với bị đơn TAND huyện T, tỉnh Đ.

Ngày 27/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 652/QĐ-TTg về việc giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư và chợ mới thị tứ Trường Xuân (xã T, huyện T, tỉnh Đ) với diện tích thu hồi là 98.536m2. Ủy ban nhân dân tỉnh Đ ban hành Quyết định số 478/QĐ-UB-CH phê duyệt chi tiết khu Trung tâm thương mại xã T, huyện T. Căn cứ vào hồ sơ kỹ thuật, mặc dù ranh giới quy hoạch còn cách đất của gia đình bà Phan Thị Kim P khoảng 55m, nhưng Ủy ban nhân dân huyện T vẫn cưỡng chế thu hồi diện tích 11.200m2, thửa số 18, tờ bản đồ số 11, tại xã TL (xã T) thuộc quyền sử dụng của cha bà là ông Phan Văn B. Bà P đã khiếu nại, phản đối thì bị Công an, Viện Kiểm sát huyện T khởi tố, bắt giam. Sau đó, TAND huyện T xét xử và xử phạt bà P 12 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”. Cho rằng mình bị oan nên bà P đã khiếu nại. Ngày 19/01/2013, Công an huyện T ban hành Quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01. Tại Quyết định tái thẩm số 11/2015/DS-TT ngày 18/11/2015 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Thành phố H đã xác định bà P không phạm tội. Vì vậy, bà P đã nộp đơn khởi kiện đến TAND huyện T yêu cầu TAND huyện T bồi thường thiệt hại do bị kết án oan với số tiền tổng cộng là 2.181.413.900 đồng.

Vụ án sau đó được TAND tỉnh Đ lấy lên để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/DS-ST ngày 13/3/2017, TAND tỉnh Đ đã quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Kim P về bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan trong hoạt động tố tụng hình sự. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 23/7/2017, bà P đã kháng cáo lên TAND cấp cao tại Thành phố H. Ngày 06/11/2017, TAND cấp cao tại Thành phố H đã xét xử phúc thẩm và không chấp nhận kháng cáo của bà P. [11]

Vụ án thứ hai: Tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan trong hoạt động tố tụng hình sự, giữa nguyên đơn bà Nguyễn Ánh M với bị đơn TAND tỉnh C.

Ngày 12/8/2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T, tỉnh C khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Ánh M về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 19/10/2007, TAND tỉnh C xét xử, tuyên phạt bà M 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản”. Sau đó, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Thành phố H xét xử phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh C giải quyết theo thủ tục chung. Ngày 24/02/2010, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh C đình chỉ vụ án. Bà M khởi kiện đến TAND thành phố C, tỉnh C yêu cầu TAND tỉnh C bồi thường số tiền 1.596.000.000 đồng và xin lỗi công khai tại nơi cư trú. Ngày 28/3/2014, TAND thành phố C mở phiên tòa xét xử Tòa án cấp trên trực tiếp của mình với tư cách là bị đơn trong vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại và tuyên buộc TAND tỉnh C phải xin lỗi công khai tại nơi cư trú và bồi thường cho bà M số tiền 386.000.000 đồng. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bà M kháng cáo lên TAND tỉnh C. Ngày 27/8/2014, TAND tỉnh C đã xét xử phúc thẩm khi chính mình vừa là người phán quyết, vừa là bị đơn và đã không chấp nhận kháng cáo của bà M, giữ nguyên bản án sơ thẩm. [12]

3. Kiến nghị hoàn thiện

Một thực trạng đang diễn ra hiện nay đối với các vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đó chính Tòa án là cơ quan bị yêu cầu bồi thường – đó là Tòa án đã, đang và sắp phải tự xử chính mình.

Về mặt lý thuyết, Hội đồng xét xử xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng thực tế, họ cũng chính là người đang công tác tại Tòa án bị yêu cầu bồi thường thiệt hại, họ có thể có mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết với chính người hoặc cơ quan thi hành công vụ gây ra thiệt hại hoặc bị chi phối bởi sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Tòa án bị yêu cầu bồi thường. Mặt khác, Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại lại tuyên buộc chính mình phải bồi thường hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, không buộc mình phải bồi thường. Điều này không tránh khỏi tâm lý “hoài nghi” của người yêu cầu bồi thường nói riêng và của cả xã hội nói chung về phán quyết của Tòa án khi “Tòa án lại xử chính mình” như vụ án thứ hai nêu trên.

Theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 18/9/2012, nếu Tòa án cấp huyện có trách nhiệm bồi thường thì Tòa án cấp huyện phải báo cáo Tòa án cấp tỉnh để lấy vụ án đó lên giải quyết theo thủ tục sơ thẩm [13]. Đây là quy định tiến bộ, đảm bảo sự khách quan, vô tư của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại khi chính Tòa án cấp huyện là cơ quan bị yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, Thông tư này chỉ hướng dẫn đối với vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật khi tiến hành các hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc các trường hợp khác cũng có thể áp dụng tinh thần của Thông tư này như trường hợp vụ án thứ nhất đã nêu. Cho nên, nếu trường hợp Tòa án cấp tỉnh hoặc Tòa án cấp cao cũng chính là cơ quan bị yêu cầu thì chưa có hướng khắc phục. Vậy để đảm bảo sự vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ, tránh sự hoài nghi của chính người yêu cầu và xã hội, thì Tòa án cấp tỉnh hay Tòa án cấp cao sẽ phải báo cáo cho Tòa án cấp nào và Tòa án cấp nào sẽ có thẩm quyền lấy vụ án lên để giải quyết. Trong khi đó, theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND cấp cao không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm [13].

Việc giao vụ án yêu cầu bồi thường mà Tòa án cấp cao là bị đơn cho chính Tòa án cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án cấp cao giải quyết cũng là một bất cập. Vì Tòa án cấp tỉnh cũng sẽ bị chi phối bởi Tòa án cấp trên trực tiếp chính là bị đơn trong vụ án. Do đó cũng có thể không đảm bảo tính khách quan khi đưa ra phán quyết.

Qua tham khảo các quy định của pháp luật một số nước trên thế giới, đối chiếu với tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay – trong giai đoạn tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả [14], tác giả kiến nghị trước hết nên xem xét quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường trong một số trường hợp đặc biệt theo hướng:

– Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết vụ án cũng chính là Tòa án có trách nhiệm bồi thường, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có văn bản báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh để ra quyết định giao cho một Tòa án nhân dân cấp huyện lân cận, thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đó giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

– Trường hợp Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vụ án cũng chính là Tòa án có trách nhiệm bồi thường, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có văn bản báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao để ra quyết định giao cho một Tòa án nhân dân cấp tỉnh lân cận, thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao đó giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

– Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao là Tòa án có trách nhiệm bồi thường, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của người yêu cầu bồi thường có văn bản báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để ra quyết định giao cho một Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao lân cận đó giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Việc phân công một Tòa án khác có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp nêu trên phải dựa trên nguyên tắc có lợi nhất cho người yêu cầu về khoảng cách địa lý.

Kết luận. Thiết nghĩ, pháp luật đều luôn hướng tới sự hoàn thiện để có thể theo kịp sự vận động không ngừng của xã hội và nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân, đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những điểm chưa hợp lý – gây nên sự hoài nghi của xã hội, người yêu cầu bồi thường thiệt hại – Tòa án đó vừa là bị đơn, đồng thời cũng vừa là Tòa án có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm hoặc Tòa án cấp trên trực tiếp vừa là bị đơn, đồng thời cũng vừa là Tòa án giải quyết phúc thẩm. Vì vậy, trước hết cần sớm hoàn thiện quy định về thẩm quyền giải quyết trong trường hợp Tòa án là bị đơn trong vụ án dân sự. Điều này tất yếu dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan để đảm bảo sự thống nhất với nhau như: Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 về thẩm quyền của Tòa án đối với trường hợp đặc thù này. Và trong tương lai xa hơn, các nhà làm luật nước ta cũng nên xem xét hướng đến một mô hình, một thiết chế độc lập như ở Hàn Quốc sẽ đảm bảo được sự độc lập, vô tư, khách quan hơn khi giải quyết các vụ việc mà Tòa án là bị đơn trong vụ án dân sự về bồi thường thiệt hại./.

—-

1.Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
2.Điều 9 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
3.Điều 12 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
4.Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 77.
5.Đối tượng: Là người, vật, hiện tượng mà con người nhằm vào trong suy nghĩ, hành động. (Xem: Viện ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên (2016), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 427).
6.Khoản 1 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.
7.Điều 53 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
8. Lê Thái Phương (2017), Tìm hiểu Luật bồi thường nhà nước của Vương quốc Anh, Trang thông tin về bồi thường nhà nước – Bộ Tư pháp: http://btnn.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=181 [Truy cập ngày 09/10/2019]
9.Điều 6 Luật đền bù hình sự Nhật Bản năm 1950. (http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1237&TabIndex=3&TaiLieuID=2037 [Truy cập ngày 09/10/2019])
10.Điều 10 Luật bồi thường nhà nước Hàn Quốc năm 1967 được sửa đổi, bổ sung năm 2005. (Xem Trang thông tin điện tử Dự thảo online: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1237&TabIndex=3&TaiLieuID=2037 [Truy cập ngày 09/10/2019])
11.Điều 23 Luật Nhà nước bồi thường thiệt hại của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1994. (http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1237&TabIndex=3&TaiLieuID=2040 [Truy cập ngày 09/10/2019])
12.Bản án số 260/2017/DS-PT ngày 06/11/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp dân sự về bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan trong hoạt động tố tụng hình sự”.
13.Duy Nhân (2014), Tòa xử chính mình: Làm sao khách quan?, Trang thông tin điện tử Báo Người lao động: https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/toa-xu-chinh-minh-lam-sao-khach-quan-20140831100205242.htm [Truy cập ngày 09/10/2019]
14. Trong lĩnh vực hình sự, khi vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên thì Bộ luật Tố tụng hình sự giao quyền cho Tòa án cấp tỉnh là Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm (điểm c khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên, trong lĩnh vực dân sự, khi vụ án mà Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cấp cao là bị đơn, thì Tòa án đó lại là cơ quan xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm khi chính mình là bị đơn thì có vẻ chưa phù hợp như đã phân tích. Tuy nhiên, nếu vụ án mà bị cáo là Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp hoặc Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (những người công tác tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp cao, tối cao và đồng thời họ còn có thể giữ các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan đó), thì việc giao cho Tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm, nếu nơi tội phạm được thực hiện đồng thời là nơi họ đã hoặc đang công tác trước khi thực hiện hành vi phạm tội là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét xử trong tố tụng hình sự.
15.Điều 29 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
16.Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương khóa XII).

ThS. ĐỖ THỊ NHUNG (Tòa án nhân dân thị xã Bến Cát, Bình Dương)