.jpg)
Bàn về thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự và “trở ngại khách quan” trong thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Bài viết bàn về thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự và “trở ngại khách quan” trong thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
1. Một số vấn đề chung về thời hiệu và thời hiệu khởi kiện
Pháp luật dân sự qua các lần thay đổi, bổ sung đều quy định khái niệm thời hiệu có nội dung tương tự nhau. Theo quy định tại khoản 1 Điều 149 BLDS 2015 thì thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự. BLDS 2015 không còn liệt kê các loại thời hiệu trong khái niệm nữa mà quy định về các loại thời hiệu với bản chất thời hiệu thông qua cách diễn đạt khái quát tại Điều 150.
BLDS 2015 quy định về thời hiệu đã bổ sung cụ thể hơn so với quy định trong BLDS 2005; nội dung sửa đổi có tính nguyên tắc thể hiện sâu sắc quyền tự định đoạt của chủ thể trong quan hệ dân sự, thể hiện tại Điều 149 BLDS 2015 và khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015, đó là: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Mặt khác, ý nghĩa lớn hơn của quy định này là loại trừ sự can thiệp của cơ quan tố tụng, lấy lý do về thời hiệu đã hết để từ chối giải quyết hay để hủy kết quả xét xử trước đó; bảo đảm sự công bằng, hợp lý đối với chủ thể có quyền quyết định áp dụng hay không áp dụng thời hiệu vì chính chủ thể là người chịu hậu quả phát sinh từ thời hiệu. Nếu hết thời hiệu mà các bên không có yêu cầu Tòa án áp dụng thì Tòa án vẫn giải quyết bình thường.
Trong thực tế, đương sự nắm được quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu là một vấn đề khó. Một số Thẩm phán giải thích quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu cho đương sự và có những Thẩm phán không giải thích cho đương sự. Vì vậy, hậu quả pháp lý trong hai trường hợp này sẽ khác nhau. Nếu Thẩm phán giải thích mà đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 BLTTDS 2015. Nếu Thẩm phán không giải thích và đương sự không biết thì khi người có quyền khởi kiện nộp đơn thì Tòa án vẫn giải quyết bình thường.
Tại Mục 3 Phần IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có vấn đề giải thích cho đương sự về quyền áp dụng thời hiệu như sau: “Theo quy định tại Điều 48, Điều 210, Điều 239 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm phổ biến, giải thích về quyền và nghĩa vụ cho đương sự đối với những trường hợp mà Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, ví dụ quyền và nghĩa vụ của đương sự quy định từ Điều 70 đến Điều 73; khoản 6 Điều 48 của Bộ luật Tố tụng dân sự… Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định trách nhiệm của Thẩm phán về việc phổ biến và giải thích cho đương sự quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu. Mặt khác, khoản 2 Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc...”. Để bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán không giải thích cho đương sự quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 BLDS 2015 thì: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.
Để xã hội phát triển thì phải ổn định được các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động. Những tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực này phải được giải quyết kịp thời, nếu để lâu, mâu thuẫn phát triển, việc giải quyết sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, ngoài việc quy định thời hạn tố tụng, pháp luật còn quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất lớn như thời hạn tố tụng. Trong việc giải quyết các vụ án dân sự, thời hiệu xác định rõ thời hạn mà chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ, bảo đảm cho việc giải quyết các tranh chấp chấp được thuận tiện, đúng đắn.
Hiện nay, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 154, Điều 155, Điều 156 và Điều 157 BLDS 2015, Điều 184, Điều 185 BLTTDS 2015. Ngoài ra, còn được quy định tại Điều 319 Luật Thương mại 2005, Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, … Theo đó, đối với mỗi vụ việc dân sự nói chung, pháp luật đều quy định thời hiệu khởi kiện và thời hiệu khởi kiện được quy định ngắn hay dài trong các trường hợp cụ thể là tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại quan hệ tranh chấp.
Tuy nhiên, do yêu cầu của việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong một số loại vụ việc, Điều 155 BLDS 2015 quy định không áp dụng thời hiệu trong các những trường hợp sau:
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác. Khi bị xâm phạm thì cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ bất kỳ lúc nào. Các quyền nhân thân bao gồm: quyền có họ tên; quyền xác định dân tộc; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, uy tín; quyền đối với bí mật đời tư, quyền kết hôn, quyền ly hôn; quyền có quốc tịch; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do đi lại, cư trú; quyền lao động; quyền tự do sáng tạo, quyền của tác giả đối với tác phẩm; quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp…
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác, chẳng hạn như các tranh chấp liên quan đến kiện đòi tài sản (Điều 166 BLDS 2015).
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Đối với những trường hợp tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì quyền khởi kiện không áp dụng thời hiệu. Đây là quy định mới của BLDS năm 2015 so với BLDS trước đó.
- Trường hợp khác do luật định.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện được thực hiện theo quy định của BLDS năm 2015. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự có thể được tính bắt đầu từ một sự kiện pháp lý khác như thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu bị đe dọa, cưỡng ép tính từ ngày người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép (Điều 132 BLDS 2015), thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế được tính từ thời điểm mở thừa kế (Điều 623 BLDS 2015),…
2. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thực tiễn xét xử đối với vụ án dân sự có yếu tố “trở ngại khách quan” khi tính thời hiệu khởi kiện
Trên thực tế, do những nguyên nhân khác nhau mà việc khởi kiện không thực hiện được trong thời hiệu khởi kiện. Do đó, để đảm bảo quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ; pháp luật quy định khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (Điều 156 BLDS 2015) đối với các trường hợp thời gian bị gián đoạn do xảy ra sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; người có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện; người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết nhưng chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được thì không tính vào thời hiệu khởi kiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào phân tích yếu tố “trở ngại khách quan” không tính vào thời hiệu khởi kiện được nhìn nhận như thế nào dưới gốc độ pháp lý và xuất phát từ thực tiễn xét xử.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS 2015, pháp luật chỉ quy định một cách khái quát “Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình” mà không quy định cụ thể những trường hợp nào được xem là trở ngại khách quan, việc đánh giá yếu tố trở ngại khách quan còn phụ thuộc vào tính chất trong mỗi vụ án dân sự cụ thể và được xem xét, nhận định chủ quan của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng.
Nhìn nhận dưới góc độ nghĩa hẹp thì “những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động” trong trở ngại khách quan có thể hiểu như thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu… làm cho chủ thể được hưởng quyền không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình. Tuy nhiên nếu mở rộng nội hàm ra thì những trở ngại khách quan nào tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết được quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm? Chúng ta cùng tìm hiểu và đánh giá yếu tố “trở ngại khách quan” thông qua vụ án thực tế sau:
Nội dung vụ án: Theo đơn khởi kiện đề ngày 31/8/2020, đơn đề ngày 31/9/2020, cũng như quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn ông A trình bày và yêu cầu Tòa án giải quyết nội dung sau:
Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2015, vợ chồng ông B và bà C có vay cà phê của ông A với số lượng như sau:
- Lần thứ nhất: Ngày 20/09/2015: số lượng 7.272kg.
- Lần thứ hai: Ngày 07/12/2015: số lượng 24.431 kg.
- Lần thứ ba: Ông A không nhớ ngày nhưng giao cà phê tươi đổi cà phê nhân số lượng 8.380kg. Tổng cộng ba lần là 40.083kg.
Ngày 10/05/2016, vợ chồng ông B và bà C đã viết giấy nhận nợ ông A với số tiền 1.140.000.000 đồng, và lãi suất 1%/tháng. Lãi hàng tháng là 11.140.000 đồng và trả vào ngày 10 hàng tháng. Thời hạn trả gốc tháng 02/2017. Đến hạn trả nợ, ông A đã đòi nhiều lần nhưng ông B và bà C chỉ trả được 50.000.000 đồng cấn trừ bằng phân bón và 10.000.000 đồng tiền mặt, tổng cộng đã trả được 60.000.000 đồng.
Ngày 04/7/2016, vợ chồng ông B và bà C có chuyển nhượng thửa đất số 71, tờ bản đồ số 28, diện tích 1130m2, địa chỉ thửa đất: phường T, thành phố X, tỉnh X cho ông A với giá chuyển nhượng là 40.000.000 đồng để cấn trừ vào số nợ trên. Tổng cộng ông B và bà C đã trả được cho ông A số tiền 100.000.000 đồng. Còn nợ số tiền là 1.040.000.000 đồng.
Ngày 31/8/2020, ông A khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố X giải quyết buộc ông B và bà C trả số nợ theo nội dung giấy xác nhận nợ tiền đề ngày 10/05/2016 với số nợ gốc là 1.040.000.000 đồng và lãi suất từ ngày 10/05/2016 đến ngày 10/04/2020 là 488.800.000 đồng. Tổng cộng gốc và lãi đến ngày xét xử sơ thẩm là 11/6/2024 là 1.830.400.000 đồng, trong đó tiền gốc 1.0.40.000.000 đồng, tiền lãi tính đến 11/6/2024 là 790.400.000 đồng.
Trước khi khởi kiện năm 2020, ông A đã làm đơn tố vợ chồng ông B, bà C ra cơ quan Công an vào tháng 3/2017 vì cho rằng họ vi phạm pháp luật hình sự nhưng chưa có kết quả giải quyết thì ngày 31/8/2020 ông A làm đơn khởi kiện ông B, bà C ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Ngày 26/3/2024, bị đơn ông B, bà C có đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu về hợp đồng và cho rằng đối với số tiền lãi đã hết thời hiệu khởi kiện.
Ở đây có hai vấn đề: Đối với yêu cầu đòi nợ số tiền gốc thì sẽ theo quy định tại Điều 155 BLDS 2015 xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu nên sẽ không áp dụng thời hiệu. Đối với yêu cầu tính lãi thì áp dụng quy định về thời hiệu theo quy định tại Điều 429 BLDS 2015. Tại Điều 429 BLDS 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là khoảng thời gian ông A nộp đơn giải quyết tại cơ quan CSĐT để xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không có được xem là “trở ngại khách quan” để tính vào thời hiệu khởi kiện hay không? Sự kiện dẫn tới không tính một khoảng thời gian vào thời hiệu có thể đã xảy ra khi thời hiệu đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc. Hiện nay, việc có nên xem xét khoảng thời gian này như một trở ngại khách quan để trừ vào thời hiệu khởi kiện hay không vẫn còn tồn tại 02 luồng quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong trường hợp nêu trên, khoảng thời gian ông A nộp đơn tại cơ quan CSĐT để xử lý vụ việc có tính chất dân sự trong thủ tục hình sự nhưng sau đó đến ngày 31/8/2020, ông A lại nộp đơn lại để xử lý ở thủ tục dân sự. Do đó, khoảng thời gian xử lý ở thủ tục hình sự (từ giữa năm 2017 đến 15/5/2021) cần được khai thác dưới góc độ quy định về trở ngại khách quan, vì việc vụ án dân sự có yếu tố hình sự hay không cần được cơ quan CSĐT xác minh, làm rõ theo thời hạn tố tụng được quy định tại BLTTHS. Việc xem xét có tồn tại yếu tố hình sự trong vụ án dân sự hay không là cần thiết để tránh bỏ lọt hành vi phạm tội và việc khởi kiện dân sự bị cản trở là do tồn tại yếu tố hình sự trong vụ án dân sự. Do đó, cần xem đây là trở ngại khách quan trong quy định về không tính một khoảng thời gian vào thời hiệu khởi kiện là phù hợp.
Do đó, việc khởi kiện về yêu cầu tính lãi của nguyên đơn theo giấy nhận nợ ngày 10/5/2016 xác định vẫn còn thời hiệu khởi kiện nên việc ông A yêu cầu tính lãi kể từ ngày 10/5/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm là có cơ sở chấp nhận.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Đối với vụ án này, ông A làm đơn khởi kiện 31/8/2020, sau khi Tòa án thụ lý đã ban hành Quyết định yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh X cung cấp các tài liệu, chứng cứ; theo hồ sơ chứng cứ của cơ quan Công an cung cấp thể hiện Quyết định không khởi tố vụ án hình sự ngày 15/5/2021, khi ông A khởi kiện vào ngày 31/8/2020 cũng chưa có kết quả giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh X, từ đó thấy rằng, ông A biết khi nộp đơn tại cơ quan điều tra ông vẫn có quyền nộp đơn tại Tòa án để xem xét giải quyết nhưng ông không thực hiện quyền của mình đúng trong thời hạn luật quy định, vì nguyên đơn tự tạo ra tình huống phải lựa chọn, chờ đợi thì nguyên đơn phải tự chịu trách nhiệm. Khoảng thời gian này không được xem là trở ngại khách quan và thời hiệu khởi kiện không được tính lại.
Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố X vận dụng để giải quyết và xác định việc khởi kiện về yêu cầu tính lãi của nguyên đơn theo giấy nhận nợ ngày 10/5/2016 là hết thời hiệu khởi kiện nên việc ông A yêu cầu tính lãi kể từ ngày 10/5/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm là không có cơ sở chấp nhận.
Khái niệm trở ngại khách quan hiện nay còn khá chung chung và việc đánh giá khoảng thời gian như thế nào để được xem là trở ngại khách quan để không tính vào thời hiệu khởi kiện phải căn cứ vào từng tình huống cụ thể và đánh giá phù hợp của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xác định đúng quan hệ tranh chấp để áp dụng đúng thời hiệu được quy định trong BLDS và việc nhận định chính xác các yếu tố tác động làm cho chủ thể có quyền không thể biết hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trong thời hạn luật định cần được cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá, nhận định khách quan, đa chiều để góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự một cách bình đẳng, công minh và đúng đắn. Đồng thời để việc áp dụng các quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự chính xác và có căn cứ pháp luật, các đương sự phải nhận thức đầy đủ về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nhằm kịp thời thực hiện quyền khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tòa án huyện Thới Lai, Cần Thơ xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Phạm Hoài Hận.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Từ ngày 01/7/2025, Nghị quyết số 02/2025/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực thi hành, bảo đảm áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự
-
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của các Tòa án nhân dân
-
Bình Phước: Tìm nhân chứng là hành khách trên xe khách mang biển kiểm soát 47B–022.22
-
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Sức mạnh của đoàn kết"
-
Từ ngày 01/6/2025 sẽ "hết mẹo" trong sát hạch giấy phép lái xe
Bình luận