Bàn về thông báo về việc kháng nghị trong tố tụng dân sự
Viện kiểm sát thường có văn bản “yêu cầu” Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện thủ tục thông báo về việc kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 279 BLTTDS khi Tòa án đã gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Vậy, yêu cầu này có phù hợp, đúng theo quy định của BLTTDS hay không?
Thủ tục Thông báo về việc kháng nghị đã được quy định tại Điều 61[1] Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989. Quy định này cũng được kế thừa tại Điều 253[2] BLTTDS năm 2004, được sửa đổi bổ sung năm 2011 và hiện nay được quy định tại Điều 281 BLTTDS năm 2015 (BLTTDS). Đây là thủ tục không mới, thậm chí thường xuyên bắt gặp trong quá trình chuyển hồ sơ giải quyết theo thủ tục phúc thẩm của Tòa án. Hiện nay, Viện kiểm sát thường có văn bản “yêu cầu” Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện thủ tục thông báo về việc kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 279[3] BLTTDS khi Tòa án đã gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm, thậm chí cả khi cấp phúc thẩm đã thụ lý vụ án. Thậm chí có văn bản của Viện kiểm sát còn xác định Tòa án vi phạm thủ tục tố tụng và yêu cầu Tòa án thực hiện việc ban hành “Thông báo về việc kháng nghị”. Vậy, yêu cầu này có phù hợp, đúng theo quy định của BLTTDS hay không?
Về thẩm quyền thực hiện thông báo về việc kháng nghị: Điều 281 BLTTDS quy định: “Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị. Người được thông báo về việc kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.” Theo quy định này, khi Viện kiểm sát ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm, Viện kiểm sát phải thực hiện việc “gửi ngay” Quyết định này cho các đương sự có liên quan đến kháng nghị. Khi đó, các thủ tục mà Tòa án cấp sơ thẩm phải thực hiện là: xem xét kháng nghị có quá thời hạn hay không theo quy định tại Điều 280 BLTTDS, nếu quá thời hạn thì yêu cầu Viện kiểm sát giải thích, nêu rõ lí do; xác định nội dung nào của bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, nội dung nào chưa được thi hành theo quy định tại Điều 282 BLTTDS; hướng dẫn các đương sự có liên quan đến kháng nghị gửi văn bản nêu ý kiến của mình tới Tòa án cấp phúc thẩm trong trường hợp họ gửi tới Tòa án cấp sơ thẩm – nếu có để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 281 BLTTDS. Đặc biệt, theo Điều 283 thì: “Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày…”. Từ việc phân tích quy định nêu trên, tác giả cho rằng: Thực hiện việc thông báo về việc kháng nghị là nhiệm vụ và thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị. Tòa án hoàn toàn không có trách nhiệm phải thực hiện việc thông báo về việc kháng nghị.
Hình thức của việc thông báo về việc kháng nghị (Thông báo, công văn, quyết định…) không được quy định một cách rõ ràng trong BLTTDS và các văn bản hướng dẫn. Điều 281 BLTTDS quy định về việc thông báo kháng nghị nhưng không nêu rõ hình thức, nội dung, gửi cho ai. Điều 14, 15, 16 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT- VKSNDTC TANDTC ngày 31/8/2016 về việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS không có quy định nào về việc Tòa án thực hiện thông báo về việc kháng nghị. Đồng thời, các biểu mẫu quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự chỉ có biểu mẫu Thông báo về việc kháng cáo[4], hoàn toàn không có mẫu Thông báo về việc kháng nghị. Ngay cả việc hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS cũng không có quy định cũng như biểu mẫu về việc Tòa án thực hiện việc thông báo kháng nghị.
Theo tác giả thì thông báo về việc kháng nghị được hiểu theo tinh thần xuyên suốt về tố tụng dân sự nói chung, Điều 281 BLTTDS nói riêng. Bởi vì, khi nhận được Quyết định kháng nghị, đương sự thực hiện quyền tố tụng của mình bằng việc gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm; đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm có nhiệm vụ gửi hồ sơ vụ án bị kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn luật định. Hơn nữa, các nội dung trong Quyết định kháng nghị đã thể hiện rõ lí do, căn cứ mà bản án, quyết định bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Quyết định này cũng được Viện kiểm sát gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm, các đương sự có liên quan đến kháng nghị nên không cần thiết Tòa án phải ban hành văn bản để thông báo bản án, quyết định đó bị kháng nghị nữa.
Từ phân tích trên, tác giả cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm không ban hành thông báo về việc kháng nghị khi nhận được Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà gửi hồ sơ vụ án đến Tòa án cấp phúc thẩm là có căn cứ, đúng quy định của BLTTDS. Ý kiến cho rằng việc Tòa án không ban hành văn bản “Thông báo về việc kháng nghị” là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 279 BLTTDS và yêu cầu Tòa án thực hiện là không cần thiết, chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Trên đây là quan điểm của tác giả về thủ tục Thông báo về việc kháng nghị, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ bạn đọc để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất.
Xét xử vụ án dân sự tại TAND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh – Ảnh: VKSNDBN
[1] Điều 61. Thông báo việc kháng cáo, kháng nghị; thời hạn gửi hồ sơ cho Toà án cấp phúc thẩm.
1- Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo việc kháng cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng cáo và tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung. Viện kiểm sát gửi bản kháng nghị cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị, tổ chức xã hội để khởi vụ án vì lợi ích chung.
2- Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có người kháng cáo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.
Nếu người kháng cáo không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm hoặc nếu chỉ có kháng nghị của Viện kiểm sát, thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.
[2] Điều 253. Thông báo về việc kháng nghị
- Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị.
- Người được thông báo về việc kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.
[3] Khoản 2 Điều 279 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 283 của Bộ luật này”
[4] Mẫu số 62-DS
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận