Bàn về tính khách quan, hợp pháp của chứng cứ do người bào chữa thu thập trong vụ án hình sự

Chứng cứ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng để chứng minh có hay không hành vi phạm tội, ai là người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả bàn luận về tính khách quan và tính hợp pháp của chứng cứ do người bào chữa thu thập.   

1. Quy định của pháp luật về chứng cứ do người bào chữa thu thập và những điểm bất cập

Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án”. Với quy định này, quyền thu thập chứng cứ hiện nay đã được mở rộng thêm cho một số chủ thể trong đó có người bào chữa[1]. Theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa được thể hiện ở 02 nhóm chính đó là: Gặp, tiến hành ghi nhận lời khai, lời trình bày của người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Trong trường hợp không tự mình thu thập được thì người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ[2].

Bên cạnh đó, Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cũng đã đề cập đến quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật của người bào chữa và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án khi xem xét, đánh giá, sử dụng chứng cứ do người bào chữa cung cấp, cũng như các thủ tục, quá trình tiếp nhận các chứng cứ, tài liệu (Điều 15). Các quy định này đã khẳng định vai trò và vị thế của người bào chữa khi tham gia vào giải quyết vụ án hình sự.

Trong thực tiễn, để bảo đảm lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử và các tài liệu đồ vật khác do người bào chữa thu thập dùng làm chứng cứ để chứng minh trong vụ án hình sự phải bảo đảm các thuộc tính gồm: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Tuy nhiên, thực tiễn thu thập chứng cứ ngoài tính liên quan là đương nhiên thì vẫn còn một số vấn đề bất cập liên quan đến tính khách quan và tính hợp pháp. Điều này dẫn đến lời khai, lời trình bày hoặc dữ liệu điện tử, tài liệu, đồ vật mà người bào chữa thu thập được, nhưng khi giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì không được sử dụng để làm chứng cứ, cụ thể:

- Chứng cứ có nguồn từ lời khai, lời trình bày còn gọi là chứng cứ gián tiếp hoặc chứng cứ phi vật chất. Đây là một trong những nguồn chứng cứ mà người bào chữa cần phải thận trọng trong quá trình tiến hành thu thập. Bởi lẽ, tính khách quan của nguồn chứng cứ này phụ thuộc rất lớn vào trình độ hiểu biết và khả năng nhận thức của mỗi cá nhân và đặc biệt nếu để tình cảm cá nhân lấn át vào trong lời khai, lời trình bày thì nguồn chứng cứ này đã vi phạm tính khách quan. Qua nghiên cứu thực tiễn các vụ án hình sự có người bào chữa tham gia, tác giả đồng quan điểm với một số nhà khoa học khi cho cho rằng, việc ghi nhận lời khai, lời trình bày của người bào chữa đa phần tập trung chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ bào chữa sao cho có lợi cho thân chủ, tránh việc hỏi bất lợi cho thân chủ[3]. Ngoài ra, trong quá trình thu thập lời khai, lời trình bày của người bào chữa, trong nội dung của câu hỏi và câu trả lời chưa thể hiện tính khách quan khi chưa có các nội dung kiểm tra tính chính xác của các thông tin thu thập được và không thể hiện rõ vì sao họ biết được những thông tin đó. Đồng thời, thiếu các câu hỏi về mối quan hệ giữa người trình bày với những người tham gia tố tụng khác. Đây chính là một trong những nguyên nhân cho thấy tính khách quan của lời khai, lời trình bày chưa được thể hiện rõ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lời khai, lời trình bày do người bào chữa thu thập và tiến hành giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhưng không được sử dụng làm chứng cứ do đã có nhưng vi phạm như: Không mời người đại diện tham gia khi ghi nhận lời khai của người dưới 18 tuổi, người bị nhược điểm về thể chất và tâm thần; người bào chữa đặt những câu hỏi mang tính chất định hướng khai báo[4]…

- Chứng cứ phải được thu thập từ những nguồn mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định[5] và tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, theo tác giả, không phải tất cả các nguồn của chứng cứ được quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự người bào chữa đều thu thập được. Căn cứ vào khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật, người bào chữa chỉ có thể thu thập chứng cứ từ các nguồn là: Lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử và các tài liệu đồ vật khác mà không đủ khả năng, điều kiện cũng như trình tự, thủ tục pháp lý để thu thập chứng cứ có nguồn là vật chứng. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, luật sư có khả năng tiến hành thu thập chứng cứ là “vật chứng”[6]. Tác giả không đồng tình với quan điểm này, bởi vì, khi thu thập vật chứng để bảo đảm tính hợp pháp phải có đầy đủ trình tự, thủ tục rất chặt chẽ gồm: Lập biên bản ghi nhận, trong biên bản phải mô tả đặc điểm, có người chứng kiến và kiểm sát viên, điều tra viên ký vào biên bản..., về vấn đề này thì người bào chữa không thể tự mình tiến hành được. Do đó, trong thực tiễn, người bào chữa chỉ thu thập dưới dạng là đồ vật, trong trường hợp người bào chữa cho rằng đó là vật chứng thì chỉ có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập thì mới bảo đảm được tính hợp pháp của chứng cứ.

- Ngoài ra, thực tiễn trong giai đoạn điều tra, một số luật sư thu thập được tài liệu, đồ vật nhưng vì nhiều lý do[7], không giao cho cơ quan có thẩm quyền mà đợi đến giai đoạn xét xử mới cung cấp, bổ sung chứng cứ dẫn đến tài liệu đồ vật đó không được xác định là chứng cứ của vụ án. Ví dụ: Trong vụ án Hứa Thị Phấn[8], Luật sư giao nộp cho Hội đồng xét xử 01 USB thu thập từ tháng 4/2017 nhưng đến tháng 5/2018, khi vụ án được xét xử 06 ngày thì Luật sư mới đưa ra. Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cho rằng, USB do Luật sư cung cấp không được thu thập đúng theo trình tự tố tụng về thời gian. Ngoài ra, Viện kiểm sát còn cho rằng USB này không có chức năng ghi âm, từ đó đặt vấn đề về nguồn gốc và tính chính xác của tập tin ghi âm chứa bên trong. Vì vậy, USB được giao nộp không được xác định là chứng cứ của vụ án. Tòa án cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều có phán quyết không công nhận giá trị của chứng cứ là USB chứa đoạn ghi âm nội dung trao đổi giữa bị cáo Hứa Thị Phấn và một số lãnh đạo của Công ty Phương Trang (cùng 48 trang chép nội dung trao đổi này) do không có căn cứ xác định nguồn gốc của chứng cứ. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ các yếu tố sau:

+ Người bào chữa chưa thực sự tin tưởng vào cơ quan có thẩm quyền ở các giai đoạn của tố tụng hình sự và xem vụ án hình sự đang tham gia bào chữa như một cuộc đấu lý và đấu trí, muốn tạo một điều bất ngờ mà đã quên đi lợi ích của thân chủ. Rõ ràng, trong trường hợp nêu trên, nếu người bào chữa giao USB và các tài liệu trong giai đoạn điều tra hoặc truy tố thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đủ thời gian để xác định các thuộc tính của chứng cứ và quyết định có sử dụng nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử này hay không.

+ Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể hóa về thời gian buộc phải giao chứng cứ mà người bào chữa thu thập được cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng thời, thiếu quy định “nếu không kịp thời gian nộp” lời trình bày, tài liệu, dữ liệu điện tử, đồ vật thu thập được tương thích với các giai đoạn tiến hành tố tụng thì không được sử dụng làm chứng cứ. Bên cạnh đó, quy định tại khoản 2 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự chưa xác định vấn đề giao nộp chứng cứ của người bào chữa là nghĩa vụ hay là quyền. Nếu là quyền thì người bào chữa giao nộp chứng cứ vào thời điểm nào là tùy họ, miễn sao có lợi cho thân chủ và bản thân người bào chữa hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng. Chính vấn đề này đã dẫn đến trong thực tiễn, nhiều đồ vật, tài liệu, lời trình bày được người bào chữa trình trước Hội đồng xét xử nhưng không được xác định là đó chứng cứ.

- Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể hóa về trình tự, thủ tục, hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa. Do đó, đã gây khó khăn cho hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa và quá trình kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ do người bào chữa cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đây có thể nói là một khoảng trống có thể dẫn đến sự chưa minh bạch, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, khi mà hai chức năng buộc tội và bào chữa thường có sự xung đột lẫn nhau.

2. Một số kiến nghị

Với những điểm còn bất cập trong quy định của pháp luật, dẫn đến những khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật về hoạt động thu thập chứng cứ của người bào chữa. Tác giả kiến nghị một số nội dung sau đây nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ của người bào chữa, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cụ thể:

Một là, khi người bào chữa tiến hành thu thập chứng cứ là lời khai, lời trình bày cần phải bảo đảm tính khách quan của chứng cứ. Do đó, trong biên bản ghi nhận lời khai, lời trình bày cần phải có những câu hỏi kiểm tra lại tính khách quan của lời khai, lời trình bày. Trong từng nội dung câu hỏi, câu trả lời phải có sự liên kết và đặc biệt phải làm rõ lý do vì sao họ biết được những nội dung thông tin đó. Các câu hỏi đặt ra phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng đối tượng. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về quá trình ghi nhận lời khai, lời trình bày do người bào chữa tiến hành. Tuy nhiên, người bào chữa hoàn toàn có thể tham khảo nội dung này ở Điều 183 (hỏi cung bị can), Điều 186 (lấy lời khai người làm chứng) Bộ luật Tố tụng hình sự để hoàn chỉnh cho mình một bộ khung hỏi và đáp khi tiến hành ghi lời khai, lời trình bày. Ngoài ra, còn có thể sử dụng thêm các phương tiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong suốt quá trình làm việc nhằm hỗ trợ cũng như bảo đảm tính khách quan, tính hợp pháp của chứng cứ.

Hai là, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục người bào chữa thu thập chứng cứ để bảo đảm tính hợp pháp. Cần cụ thể hóa khoản 2 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng người bào chữa khi thu thập chứng cứ ở giai đoạn tố tụng nào thì phải khẩn trương, kịp thời bàn giao ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp không thực hiện đúng thì không được sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bổ sung nghĩa vụ của người bào chữa tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng, người bào chữa có nghĩa vụ kịp thời giao ngay tài liệu, chứng cứ thu thập cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tương ứng với các giai đoạn tiến hành tố tụng. Sửa đổi, bổ sung Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự về đánh giá chứng cứ cần quy định rõ hơn trách nhiệm của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm trong việc xem xét, đánh giá mọi chứng cứ không chỉ do người tiến hành tố tụng thu thập mà cả chứng cứ do người bào chữa thu thập một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án.

Ba là, người bào chữa cần tự mình nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nắm vững các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, có thể áp dụng pháp luật một cách chính xác trong các tình huống cụ thể. Trong hoạt động thu thập chứng cứ cần có quan điểm khách quan, toàn diện, đầy đủ, tránh những suy nghĩ tiêu cực, không lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lạm quyền.

 

 Theo https://tcdcpl.moj.gov.vn

Luật sư tại một phiên tòa hình sự - Ảnh: MH
 
[1]. Điểm h khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[2]. Khoản 3 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[3]. Luật sư Nguyễn Thành Công, Võ Hồng Sơn, “Thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư với nguồn chứng cứ là lời khai, lời trình bày”, Hội thảo Thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư trong vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, ngày 01/10/2021.
[4]. Nguyễn Hữu, “Đánh giá của cơ quan, người tiến hành tố tụng về hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư trong vụ án hình sự”, Hội thảo Thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư trong vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, ngày 01/10/2021.

[5]. Xem Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[6]. Nguyễn Thanh Thảo Nhi, Trần Văn Linh, “Thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư với nguồn chứng cứ là vật chứng”, Hội thảo Thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư trong vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, ngày 01/10/2021.

[7]. Luật sư Nguyễn Việt Quốc, “Thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư đối với nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử”, Hội thảo Thực trạng hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư trong vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, ngày 01/10/2021.

[8]. Quốc Chiến (2018), “Viện kiểm sát không chấp nhận điều tra “nhân vật bí ẩn” vụ án Hứa Thị Phấn”, https://nld.com.vn/phap-luat/vks-khong-chap-nhan-dieu-tra-nhanvat-bi-an-vu-an-hua-thi-phan-20180528160755841.htm, truy cập ngày 20/5/2021.

TS. TRỊNH DUY THUYÊN (Trường Đại học Cảnh sát nhân dân)