Bàn về tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong tội gây rối trật tự công cộng
Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS 2015) đã quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…. thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là một trong những tình tiết cấu thành tội gây rối trật tự công cộng. Chỉ người nào có hành vi gây rối trật tự công cộng mà “gâ yảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thì mới phạm tội gây rối trật tự công cộng, còn không “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thì không phạm tội. Trong thực tiễn, việc nhận thức thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” còn có nhiều quan điểm khác nhau, điều này gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Bàn về vấn đề này, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:
Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS 1999) quy định về tội gây rối trật tự công cộng tại Điều 245 quy định tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” là tình tiết định tội. Nay, BLHS 2015 quy định tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là tình tiết định tội của tội gây rối trật tự công cộng, đây là quy định hoàn toàn mới. So sánh giữa hai tình tiết này, chúng ta thấy tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” của tội gây rối trật tự công cộng trong BLHS 1999 nó bao hàm cả yếu tố hậu quả về vật chất và hậu quả phi vật chất. Còn tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong BLHS 2015 dường như chỉ có hậu quả về phi vật chất. Có ý kiến cho rằng, vậy “gây hậu quả nghiêm trọng” trong BLHS 1999 và “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” BLHS 2015 thì tình tiết nào được coi là nặng hơn, tình tiết nào được coi là nhẹ hơn để áp dụng nguyên tắc có lợi khi chúng ta xử lý tội phạm này xảy ra trước ngày BLHS2015 có hiệu lực thi hành?
Về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” trong BLHS 1999, tại tiểu mục 5.1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn:
“5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:
a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d. Chết người;
đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên….
Như vậy, tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” trong BLHS 1999 đã được hướng dẫn và được áp dụng trong thực tiễn, không có vướng mắc bất cập gì. Còn đối với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong BLHS 2015 đến nay chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thi hành gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc đấu tranh xử lý các đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng. Thực tế có vụ án, hai nhóm đối tượng có hành vi mang theo hung khí, khi gặp nhau trên đường phố đã có hành vi đuổi đánh nhau, trong lúc đuổi đánh nhau đã dùng hung khí đập làm hư hỏng các xe mô tô, kết luận định giá tài sản trị giá 20 triệu đồng. Tài liệu, chứng cứ không xác định được đối tượng nào đã trực tiếp đập phá xe mô tô nên không đủ căn cứ để khởi tố bị can về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên đã đủ căn cứ xác định các đối tượng có hành vi đuổi, đánh nhau gây mất trật tự trên đường phố. Theo Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của các đối tượng đã gây hậu quả nghiêm trọng vì đã gây “Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên”. Tuy nhiên, hậu quả này không được coi là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” để khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS 2015.
Theo quan điểm của chúng tôi, tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra, là hậu quả phi vật chất. Tại tiểu mục 5.1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định: “Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội…” Như vậy, theo quy định tại Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đã được hướng dẫn, nó có tính chất, mức độ như “hậu quả nghiêm trọng” hay nói cách khác “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” chính là “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đến nay chưa có văn bản nào bãi bỏ Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, vì vậy chúng ta vẫn áp dụng tiểu mục 5.1 của Nghị quyết 02/2003 hướng dẫn về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 245 BLHS 1999 để giải quyết các vụ án gây rối trật tự công cộng với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại Điều 318 BLHS 2015. Tuy nhiên đây chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, thiết nghĩ liên ngành Tư pháp Trung ương cần có văn bản hướng dẫn rõ, cụ thể tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015 để các cơ quan tư pháp áp dụng thống nhất trong thực tiễn./.
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận