Bàn về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” hiện vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, không thống nhất trong việc áp dụng.

Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. Để có thể quyết định một mức hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì cần hiểu rõ và đảm bảo việc áp dụng mang tính trừng phạt, răn đe nhưng đồng thời mang tính giáo dục, cảm hóa đối với người phạm tội. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng vẫn còn có nhiều cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất trong thực tiễn. Đơn cử như vụ án sau:

Ngày 01/3/2020, Phạm Văn A bị TAND tuyên phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS và xử phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng kể từ ngày 01/3/2020. Đến ngày 01/7/2020, Phạm Văn A dùng dao chém anh Lâm Hoàng H gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 05%. Vấn đề đặt ra là khi xem xét, định tội danh đối với Phạm Văn A thì có áp dụng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” hay không?

BLHS năm 2015 quy định 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 và 15 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 52. Cùng với đó là các điều kiện khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; hậu quả pháp lý khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại Điều 54 BLHS. Quy định này thể hiện tính chất nhân đạo của pháp luật, mang tính giáo dục trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà vẫn thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật và có tác dụng răn đe cao. Mục đích của việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội.

Trở lại vụ án trên, khi xử lý hành vi của Phạm Văn A về tội cố ý gây thương tích thì phát sinh vấn đề là có áp dụng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với A hay không? Do hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng tình tiết này.

Quan điểm thứ nhất: A được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Bởi tình tiết “phạm tội lần đầu” phải được hiểu như hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018, tức là “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Trước đó chưa phạm tội lần nào; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.

Quan điểm thứ hai: Trên cơ sở Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”. Do đó, A không thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” nên không được hưởng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS.

Ngày 24/4/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện có hướng dẫn tình tiết phạm tội lần đầu quy định tại Điều 2 như sau: Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây “d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.”. Vấn đề đặt ra là khái niệm không có án tích được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS quy định:

Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Người thực hiện hành vi phạm tội bị kết án, sau khi chấp hành xong hình phạt của bản án phải trải qua thời gian quy định trên để được xem xét xóa án tích theo quy định. Tại khoản 2 Điều 69 quy định “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 70 quy định “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích”. Tại Chương XII những quy định đối người dưới 18 tuổi phạm tội của BLHS cũng quy định tại Điều 107 “Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích,…”. Với quy định trên, khi một người thỏa mãn các điều kiện để được xóa án tích theo quy định thì người này được coi như chưa bị kết án và khi có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích. Từ đó có thể khẳng định khi một người được xác định là không có án tích thì khi thực hiện hành vi phạm tội được coi là phạm tội lần đầu theo đúng tinh thần hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2018.

Người viết nhận thấy rằng tuy Nghị quyết số 01/2018 có phạm vi điều chỉnh là tha tù trước thời hạn có điều kiện nhưng cụm từ “phạm tội lần đầu” quy định trong các Điều luật của Bộ luật Hình sự có nội hàm và tính chất giống nhau và khi áp dụng quy định này sẽ có lợi cho bị can, bị cáo. Mặc dù, Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp có nêu “Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu” lại mâu thuẫn với quy định phạm tội lần đầu theo Nghị quyết số 01/2018.

Có thể thấy rằng, trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 do có nhận thức khác nhau trong quá trình áp dụng nên TANDTC ban hành Công văn số 01/2017 để hướng dẫn tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như trên. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì Công văn của TANDTC không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà lại có nội dung hướng dẫn BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 hết hiêu lực thi hành trên thực tế.

Tuy nhiên, không phải một người được coi là không có án tích thì những lần phạm tội bị kết án trước đó sẽ không được xem xét khi xử lý ở các lần phạm tội sau, đây sẽ là tình tiết có nhân thân không tốt khi xem xét cho bị cáo hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018.

Với những phân tích nêu trên, người viết đồng tình với quan điểm thứ cho rằng trong vụ án cụ thể này, A sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu và đương nhiên là thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Trên đây là quan điểm người viết, rất mong được sự trao đổi của quý độc giả.

 

TAND tỉnh Đắk Lăk xét xử vụ án hình sự – Ảnh: Thanh Tùng

 

ĐẶNG DUY THANH (Viện kiểm sát nhân dân thị xã Cai Lậy, Tiền Giang)