Bàn về tội hủy hoại tài sản là di vật, cổ vật
Trong thực tiễn, việc xử lý tội hủy hoại di vật, cổ vật còn có những nhận thức khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu một vụ án cụ thể trao đổi nhằm hoàn thiện các chế định về pháp luật; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử.
Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử. Tuy nhiên, vấn đề xâm hại di tích hiện vẫn còn diễn ra, do nhiều nguyên nhân như nhận thức hạn chế, do buông lỏng quản lý, đặc biệt pháp luật hình sự xử lý đối với hành vi xâm hại di tích tuy có bổ sung một số hành vi như hủy hoại di tích nhưng còn chung chung chưa có hướng dẫn cụ thể.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) có bổ sung điểm đ khoản 1 về tội hủy hoại đó là, “hủy hoại di vật, cổ vật”. Điều 345 BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể:
“1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.
Như vậy, BLHS năm 2015 đã dự liệu những hành vi xâm hại di tích và quy định tội danh, hình phạt rất chặt chẽ. Đồng thời Luật di sản văn hóa năm 2013 và các văn bản hướng dẫn cũng đã đưa ra khái niệm như thế nào là “Di sản văn hóa vất thể, Di tích lịch sử, Danh lam thắng cảnh, Di vật, cổ vật, Bảo vật quốc gia, bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Tuy nhiên, trong thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng xâm hại di tích vẫn còn có những nhận thức khác nhau như thế nào là “cổ vật”, “như thế nào là hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt”?
Tác giả đưa ra một vụ án để bạn đọc cùng tham khảo để hoàn thiện các quy định về tội xâm phạm di tích lịch sử:
Ngày 14/02/2018, Nguyễn Xuân T có hành vi hủy hoại nhà thờ A là hạng mục di tích lịch sử nằm trong khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt gây thiệt hại 30.000.000 đồng. Hạng mục nhà thờ A đã được bảo tồn, sửa chữa, trung tu lại nhiều lần nên không còn nguyên trạng như ban đầu.
Qua vụ án nêu trên, hiện nay đang có nhiều ý kiến trái chiều không thống nhất về tội danh cụ thể:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, hành của Nguyễn Xuân T đã đủ yếu tố cấu thành tội “hủy hoại tài sản” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015, đó là “hủy hoại tài sản là di vật”.
Ý kiến thứ hai cho rằng, hành vi của Nguyễn Xuân T đã đủ yếu tố cấu thành tội “vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm” quy định tại khoản 2 Điều 345 BLHS năm 2015, với lập luận đó là, Nguyễn Văn T đã hủy hoại tài sản là nhà thờ A là di tích lịch sử nằm trong khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, Nguyễn Xuân T đã có hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Ý kiến thứ ba cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn T có dấu hiệu của tội “vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh” quy định tại khoản 1 Điều 345 BLHS năm 2015, nhưng do tài sản Nguyễn Văn T hủy hoại chỉ thiệt hại 30.000.000 đồng, nên không đủ định lượng cấu thành tội phạm nên chỉ xử lý hành chính là phù hợp.
Tác giả cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn T cần phải khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội “hủy hoại tài sản” theo điểm đ khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015 với những lý do sau:
Di tích lịch sử cần được hiểu là công trình xây dựng và di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Như vậy, nhà thờ A là một hiện vật lâu đời nên đã xuống cấp. Do vậy, Nhà nước phải tôn tạo, trùng tu, sửa chữa lại nhằm bảo tồn di tích lịch sử nên không còn nguyên trạng như ban đầu; như vậy, không còn là yếu tố gốc. Ngoài ra, nhà thờ A chỉ là một trong những hạng mục nhỏ nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt đã được công nhận.
Đối với hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử như ý kiến thứ hai cần phải hiểu là: Phải là di vật, cổ vật đang còn nguyên trạng chưa được tôn tạo, trung tu, sữa chữa nếu mà làm hư hỏng thì không thể khôi phục lại được như ban đầu thì mới được coi là hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử. Ví dụ: Trong một khu di tích chỉ có một hạng mục duy nhất nếu mà hủy hoại, hoặc làm thay đổi yếu tố gốc thì mới là đối tượng điều chỉnh của tội “vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm”. Nhưng trong trường hợp này, nhà thờ A chỉ là một hạng mục nhỏ nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt nên không thể lập luận rằng Nguyễn Xuân T đã làm thay đổi yếu tố gốc.
Đối với ý kiến thứ ba, hành vi của Nguyễn Văn T có dấu hiệu của tội “vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh” quy định tại khoản 1 Điều 345 BLHS năm 2015, nhưng do tài sản Nguyễn Văn T hủy hoại chỉ thiệt hại 30.000.000 đồng, nên không đủ định lượng cấu thành tội phạm mà chỉ xử lý hành chính là không đúng. Bởi lẽ, hành vi của Nguyễn Văn T đã có hành vi hủy hoại nhà thờ A gây thiệt hại 30.000.000 đồng đã được BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung thêm điểm đ khoản 1 Điều 178 đó là, “hủy hoại di vật, cổ vật”. Còn đối với hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa thuộc cấp tỉnh thì mới quy định, định lượng thiệt hại là từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, ở đây hành vi của Nguyễn Văn T là hủy hoại nhà thờ A nằm trong khu di tích Quốc gia đăc biệt mà trị giá thiệt hại là 30.000.000 đồng thuộc đối tượng điều chỉnh của điểm đ khoản 1 Điều 178 BLHS năm 2015. Nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “hủy hoại tài sản”.
Từ những vướng mắc nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sớm ban hành văn bản hướng dẫn điểm đ khoản 1 Điều 178 và Điều 345 BLHS năm 2015 để xác định rõ như thế nào là hủy hoại cổ vật, di vật, như thế nào là hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt. Từ đó có cơ sở vững chắc để xử lý các hành vi “ hủy hoại, vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh” quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 178 và Điều 345 BLHS năm 2015, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội./.
Theo kiemsat.vn
(Chùa Ông ở Cần Thơ – Ảnh: Nguyễn Phan Khiêm)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận