Báo chí và Tòa án – Mối tương tác bền vững
Báo chí và Tòa án có mối quan hệ đặc thù, sự hợp tác tích cực, mối tương tác thường xuyên giữa hai bên sẽ mang lại cho bạn đọc những tác phẩm báo chí về hoạt động xét xử của Tòa án ngày càng sinh động, hấp dẫn và khách quan…
Tòa án – đề tài hấp dẫn
Tòa án là một lĩnh vực thường xuyên thu hút sự quan tâm của nhân dân, của dư luận xã hội và báo chí. Bởi lẽ, hoạt động xét xử của Tòa án liên quan chặt chẽ đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Các loại vụ án, từ dân sự, hình sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình… chứa đựng trong đó biết bao vấn đề đáng quan tâm, những chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Do đó, nhiều báo có chuyên trang, chuyên mục về pháp luật, về hoạt động xét xử của Tòa án, có phóng viên pháp đình chuyên trách mảng Tòa án.
Trong thời gian qua, không chỉ các vụ án hình sự lớn như vụ án đánh bạc ngàn tỉ qua mạng Internet, vụ OceanBank, vụ Vũ Nhôm, Út Trọc, Trịnh Xuân Thanh … mà cả những vụ án dân sự, như vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên, vụ đại chiến giữa Grab và Vinasun cũng là những điểm nóng quan tâm của báo chí.
Không chỉ nhiều phóng viên báo chí đến đưa tin tại phiên tòa, mà nhiều vụ án thu hút rất đông nhân dân đến dự khán, có trường hợp Tòa án phải lắp thêm màn hình ngoài hội trường, thậm chí xét xử lưu động tại sân vận động để phục vụ nhân dân theo dõi phiên tòa.
Đó cũng là đặc thù của Tòa án so với các cơ quan quyền lực nhà nước khác. Tuyệt đại đa số các cơ quan nhà nước khác làm việc trong phòng làm việc, nếu có làm việc với công dân, tổ chức, cá nhân khác thì cũng trong phạm vi hẹp, trong khi hoạt động xét xử, hoạt động chủ yếu của Tòa án, luôn luôn diễn ra công khai (trừ một số trường hợp xử kín theo luật định) trước đông đảo quần chúng nhân dân và các cơ quan báo chí theo dõi, đưa tin.
Ngoài mục tiêu xét xử, giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật, hoạt động xét xử của Tòa án còn có một mục đích khác, đó là thông qua hoạt động xét xử để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, nhiều cơ quan báo chí tham gia tác nghiệp tại Tòa án là giúp cho mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa
Tòa án và sự giám sát của nhân dân thông qua báo chí
Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong hoạt động mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, trong đó có hệ thống Toà án. Thông qua truyền thông, công chúng sẽ biết được về các hoạt động của hệ thống Toà án, hiểu biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, để từ đó tôn trọng, tâm phục, khẩu phục đối với mỗi phán quyết của Tòa án, tạo ra niềm tin vào công lý. Ai cũng hiểu rằng, số người đọc báo, xem báo phản ánh về phiên tòa cao gấp nhiều lần số người dân trực tiếp tham dự phiên tòa.
Chính vì vậy, báo chí – mặc dù không phải là phương tiện duy nhất – nhưng “đóng vai trò quan trọng, là nguồn tin tức và bình luận chủ yếu gây ảnh hưởng lớn nhất đối với các tầng lớp nhân dân về hệ thống Tòa án”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình từng nói như vậy.
Giám sát là một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của truyền thông đại chúng. Ở các nước phương Tây, chức năng này được đề cao với đầy đủ hành lang pháp lý, cho nên báo chí và truyền thông đại chúng được coi như nhánh quyền lực thứ tư, ở khía cạnh nào đó có thể nói giám sát cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Phản biện xã hội có thể được hiểu là cách thức (hay phương thức) thể hiện, huy động nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của đông đảo nhân dân vào việc góp ý kiến hoàn thiện các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, trong quá trình giải quyết các vấn đề lớn, liên quan đến sự phát triển của cộng đồng. Ở Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII của Đảng đã ghi nhận, khẳng định báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận, nhận thức của Đảng về vai trò xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.
Giám sát xã hội của báo chí, truyền thông đại chúng là giám sát chủ yếu bằng tai mắt của nhân dân, giám sát bằng dư luận xã hội. Đó là quá trình giám sát mọi nơi, mọi lúc. Chức năng giám sát xã hội của báo chí, truyền thông đại chúng trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách, luật pháp là để kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương khích lệ và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời cũng để sớm phát hiện những “trục trặc”, những nơi làm dở, làm sai, những nơi vi phạm chủ trương, chính sách và luật pháp để đấu tranh.
Vai trò và sức mạnh giám sát xã hội của truyền thông đại chúng trước hết là xã hội hóa những việc tốt và những sai phạm của các tổ chức hoặc cá nhân nào đó để khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hoặc chỉ trích, tạo áp lực dư luận và buộc các cơ quan công quyền giải quyết, giải thích và giải đáp trước nhân dân, trước công luận.
Do đó, sự giám sát của báo chí đối với hoạt động xét xử của Tòa án có ý nghĩa thiết thực, góp phần biểu dương những Thẩm phán, những phiên tòa xét xử thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật, và ngược lại kịp thời phản ánh những bất cập, sai sót để Tòa án điều chỉnh kịp thời.
Quan hệ giữa báo chí và Tòa án là quan hệ hai chiều tương tác với nhau
Hợp tác và tương tác
Như vậy, quan hệ giữa báo chí và Tòa án là quan hệ hai chiều tương tác với nhau. Báo chí cần Tòa án tạo điều kiện thuận lợi trong tác nghiệp; cung cấp thông tin về hoạt động của Tòa án, về những vụ án, phiên tòa dư luận quan tâm; tiếp thu, xử lý những vấn đề bất cập, thậm chí tiêu cực mà báo chí phản ánh.
Tòa án cũng cần ở báo chí sự hợp tác, phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động của Tòa án, để qua đó tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao hơn.
Để phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phản ánh hoạt động xét xử, phổ biến, giáo dục pháp luật thì mối quan hệ giữa Toà án và truyền thông phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định như: Toà án phải minh bạch, công khai các hoạt động theo quy định của pháp luật; Toà án phải có trách nhiệm và những biện pháp thích hợp để cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về các hoạt động của mình cho các cơ quan truyền thông, khi nhận được đề nghị cung cấp thông tin.
Ngược lại, về phía cơ quan báo chí cũng phải phản ánh các hoạt động của Tòa án theo đúng nguyên tắc hoạt động của báo chí là trung thực, khách quan, không định kiến, thiên vị.
Tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí cử các phóng viên am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm pháp đình theo dõi hoạt động của Tòa án, nên các tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, được bạn đọc quan tâm, đánh giá cao.
Ngược lại, cũng không ít cơ quan báo chí cử phóng viên không có kiến thức pháp luật, ít hiểu biết về Tòa án theo dõi lĩnh vực rất khó này, dẫn đến những sai lầm trong phản ánh, phóng viên tự kết án trong bài báo, cá biệt có những bài báo sử dụng sai cả những thuật ngữ pháp lý thông dụng. Một hiện tượng vẫn xảy ra đây đó là phóng viên báo chí có mục đích bênh vực một bên nào đó trong vụ án, dẫn đến viết bài phản ánh thiếu khách quan, nặng định kiến, phần nào khiến dư luận hiểu không đúng về Tòa án.
Về phía Tòa án đôi khi cũng có những định kiến cho rằng báo chí đến Tòa án chủ yếu phản ánh các vấn đề tiêu cực, với cái nhìn soi mói thiếu tích cực, dẫn đến không muốn hợp tác với báo chí, né tránh hoặc miễn cưỡng hợp tác, gây ức chế cho cả hai bên. Cả hai thái độ đó đều không phù hợp.
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mong sao sự hợp tác, mối tương tác qua lại giữa Tòa án và báo chí ngày càng hiệu quả, báo chí có nhiều tác phẩm phản ánh trung thực, khách quan, hấp dẫn mang tính xây dựng cao với hệ thống Tòa án nhân dân.
Phóng viên theo dõi phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – Ảnh: Mai Đỉnh
Theo CLXH
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận