Các bộ, ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí

Ngày 13/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa.

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Tổng Biên tập Báo Nhân dân - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Nha Trang Hồ Văn Mừng.

Dự Hội nghị còn có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo Việt Nam trên cả nước.

 

Quang cảnh tại Hội nghị 

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, trong những năm qua, Báo chí cách mạng đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội; truyền tải tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; kịp thời phát hiện, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn; cung cấp nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác hoàn thiện lý luận, hoạch định chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.

“Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đi đầu trong việc lan toả thông tin chính thống, hình ảnh một Việt Nam an toàn, ổn định, hoà bình, hữu nghị, phát triển, góp phần thực hiện thành công đường lối, chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín đất nước” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam - ngôi nhà chung của giới báo chí cả nước - phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp “chấn chỉnh” những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.

Theo Phó Thủ tướng, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương tiện truyền thông, dẫn đến xu thế truyền thông hội tụ và thông tin đa phương tiện; sự nổi lên của công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng. Trong bối cảnh đó, báo chí muốn phát triển được phải chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức.

Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức; nghiên cứu, cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi...

Về nhiệm vụ của báo chí trong năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi gắm: Hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Các cấp hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, báo chí cũng cần thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.

Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số; đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành "món ăn tinh thần hằng ngày" không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí. Đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để giúp các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.

Các bộ, ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ, chủ động phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý có phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; có các chuyên đề, nghiên cứu rất hệ thống, đồng bộ, đưa ra những mô hình, cách làm hay, nhân rộng những cơ chế, chính sách mới, thậm chí đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc.

 

 

TRẦN TÚ