Báo Công Lý, nhớ thuở ban đầu…
Thời gian trôi đi thật nhanh, mới ngày nào còn bỡ ngỡ với việc chuẩn bị và xuất bản báo Công Lý, tờ báo đầu tiên của TANDTC, mà nay đã tròn 22 năm. Nhân sinh nhật của báo, 25/9/2023 xin chia sẻ một vài kỷ niệm về thuở ban đầu “hồ dễ mấy ai quên ấy”…
Những dấu mốc
Ngày 25/9/2001, TANDTC ban hành Quyết định số 216/QĐ-TCCB về việc thành lập Báo Công Lý. Đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của báo chí ngành Tòa án lúc bấy giờ.
Ngược dòng thời gian, ngày 15/1/1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn gay go, quyết liệt, nội san Tư pháp, tiền thân của Tạp chí Tòa án nhân dân ngày nay xuất bản số đầu tiên.
Tổng biên tập Trịnh Hồng Dương chụp ảnh lưu niệm với tập thể Tạp chí nhân ngày 21/6/1998
Hiến pháp năm 1959 ra đời, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được công bố (1960), Tập san trở thành cơ quan của TANDTC, để hướng dẫn nghiệp vụ xét xử cho các Tòa án địa phương.
Đến năm 1990, yêu cầu công tác nghiên cứu khoa học pháp lý, nhất là việc nghiên cứu giải quyết những vấn đề phức tạp do thực tiễn xét xử đặt ra và yêu cầu của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhân dân, bảo đảm cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống trở nên cấp thiết, Tập san được Bộ Thông tin cấp giấy phép thành Tạp chí Tòa án nhân dân, bắt đầu từ số 1/1990, do TS Trịnh Hồng Dương, Phó Chánh án TANDTC làm Tổng biên tập.
Quả thật, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TS Trịnh Hồng Dương, một chuyên gia sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, Tạp chí Tòa án nhân dân đã bước sang một giai đoạn mới phát triển đặc biệt về nội dung, thật sự là cơ quan chỉ đạo việc vận dụng đường lối xét xử và hướng dẫn nghiệp vụ của TANDTC.
Trong không khí sôi nổi của công cuộc Đổi mới, năm 1994, Tạp chí có thêm ấn phẩm Người bảo vệ công lý, phát hành 2 kỳ/tháng. Từ một Tạp chí chuyên ngành chỉ có vài cán bộ, bán nguyệt san Người bảo vệ công lý đã mang đến cho Tạp chí một sức sống mới, với trụ sở là tòa nhà 48 A phố Lý Thường Kiệt, gần chợ 19/12. Tôi về công tác ở Tạp chí trong giai đoạn này với nhiệm vụ chính là trình bày, theo dõi in ấn một số Tạp chí và hai số Người bảo vệ công lý trong mỗi tháng. Người bảo vệ công lý có nội dung mang tính chất báo, nên rất nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, vụ việc nóng hổi được phản ánh, thu hút thêm nhiều cộng tác viên và bạn đọc.
Nghĩ lại giai đoạn này, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì được làm báo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng biên tập là TS Trịnh Hồng Dương, một người thầy mà chúng tôi rất kính trọng và quý mến.
Ra báo Công Lý
Theo quy hoạch báo chí, mỗi bộ ngành có một tạp chí và một tờ báo, vì thế TANDTC có Tạp chí Tòa án nhân dân và một tờ báo lấy tên là Công Lý, để ghi nhớ tiền thân của báo là bán nguyệt san Người bảo vệ công lý. Năm 2001, tập thể Tạp chí vừa bảo đảm hoạt động bình thường, vừa chuẩn bị cho sự ra đời của báo Công Lý.
Những người ở lại Tạp chí có Trần Xuân Thư, Vũ Thúy Hòa và chị Ngô Thị Huê, Trịnh Thanh Huyền… thuộc nhóm trị sự. Những người sang báo Công Lý có Tổng biên tập Nguyễn Gia Cương và các biên tập viên, phóng viên Lê Phúc Hỷ, Đoàn Xuân Trường, Nguyễn Phan Khiêm, Bùi Xuân Thao... Cuộc thi tuyển phóng viên, nhân viên được tiến hành, lựa chọn được một lực lượng nhân sự mới khá hùng hậu, có những người đã có kinh nghiệm làm báo hoặc công tác khác như Nguyễn Trung Kiên, Trần Anh Tú, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Tiến Bình; còn lại đa số là sinh viên báo chí và luật mới ra trường như Trần Trọng An, Nguyễn Thị Hải Yến, Lê Hoàng, Hoàng Hạnh Nguyên…; bộ phận đọc bông, trình bày báo Tạ Quỳnh Mai, Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Thị Thu… Sau đó có thêm Tô Lan Phương, Trần Minh Giang, Cao Tỉnh. Ở Văn phòng phía Nam có chị Doãn Thị Ngân, anh Nguyễn Quang Vĩnh, rồi sau có Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Quang Trung…
Bước sang năm 2002, báo Công Lý xuất bản số đầu tiên, góp mặt với làng báo. Báo Công Lý không chỉ phát hành trong ngành Tòa án mà phát hành rộng rãi ra các sạp báo.
Tập thể báo Công Lý giao lưu với Tòa án Cẩm Phả, Quảng Ninh
Các phóng viên được chia thành nhóm, mỗi nhóm do một biên tập viên phụ trách. Trần Trọng An và Nguyễn Hải Yến do tôi phụ trách, ba anh em làm việc vui vẻ và ăn ý. Có một kỷ niệm nhỏ vui vui là khi đó bộ phim Mảnh đất lắm người nhiều ma phát trên VTV như một hiện tượng văn hóa, nổi bật là nhân vật Chu Văn Quềnh do diễn viên Hán Văn Tình thủ vai. Hải Yến đề xuất là có bài phỏng vấn diễn viên Hán Văn Tình, khi đó rất hot. Vậy là ba anh em vào khu tập thể Văn công ở Mai Dịch hỏi thăm nhà Hán Văn Tình. Đến nơi thì anh Tình nói đang vội, sắp đi công việc, nên chỉ tiếp được một lát, vậy mà cuộc nói chuyện kéo dài hàng giờ, chúng tôi làm được một bài báo khá hay. Nếu tác giả đề tên ba người thì quá dài, vậy là ký tắt là Nhóm KAY (Khiêm, An, Yến). Đơn giản thế thôi nhưng khi báo ra cũng có nhiều ý kiến suy luận cái bút danh ấy khá bất ngờ, thú vị.
Báo Công Lý ra đời trong một giai đoạn có thể nói là thời kỳ hoàng kim, sôi động của báo chí, các sạp báo muôn màu muôn vẻ luôn thu hút bạn đọc với nhiều vấn đề, vụ án nóng hổi, tạo nên một không khí dân chủ rất mới mẻ.
Những ngày sôi động
Trong các kỳ họp Quốc hội, các phóng viên khi đó rất dễ dàng gặp các đại biểu Quốc hội, các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương để phỏng vấn về những vấn đề dư luận quan tâm, khiến cho báo chí những ngày họp Quốc hội rất hấp dẫn.
Trong những ngày theo dõi Quốc hội như thế, có lần đi tìm tư liệu viết bài về Chánh án TANDTC đầu tiên Phạm Văn Bạch, tôi đã gặp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, để xác minh một tấm hình Chánh án Phạm Văn Bạch tiếp khách quốc tế, mà người phiên dịch ngồi giữa chắc là ông Nguyễn Đình Lộc. Cầm tấm ảnh đen trắng, ông Lộc nhận ra ngay buổi Chánh án Phạm Văn Bạch tiếp Chánh án Liên Xô, ông chia sẻ với tôi rất nhiều thông tin, kỷ niệm tốt đẹp về cụ Bạch để sau đó tôi viết được một chân dung cụ Phạm Văn Bạch tương đối đầy đủ. Bài đã đăng báo Công Lý hồi đó và mới đây tôi in vào cuốn sách Đi tìm công lý.
Một kỷ niệm nhỏ khác liên quan đến các kỳ họp Quốc hội là tôi nhận được thông tin trong phiên tòa xét xử một vụ án hình sự ở Thuận Thành, Bắc Ninh, bị cáo và một số đối tượng xông lên tấn công hội đồng xét xử, cướp hồ sơ vụ án nhưng cơ quan chức năng không khởi tố vụ án, vụ việc có dấu hiệu chìm xuồng. Nghe tin này tôi thấy không thể bỏ qua, không thể dung túng một hành vi coi thường Tòa án, xúc phạm Hội đồng xét xử như vậy, nên tôi về Tòa án Thuận Thành xác minh.
Hôm sau tôi tìm gặp Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, khi đó là ông Nguyễn Thế Thảo, ở hành lang hội trường Quốc hội để trao đổi. Ông Bí thư Bắc Ninh nói, anh em báo cáo là không xác định được đối tượng đã tấn công hội đồng xét xử nên không khởi tố vụ án. Tôi nói rằng, dấu hiệu tội phạm rất rõ ràng, muốn xác định được những người đã vi phạm pháp luật thì phải khởi tố vụ án để điều tra, khi xác định rõ đối tượng thì khởi tố bị can, nếu không khởi tố vụ án thì không thể xác định được người đã gây án… Ông Nguyễn Thế Thảo nói, vậy thì họp xong tôi về chỉ đạo việc này luôn.
Hôm sau lại gặp nhau ở Hội trường Quốc hội trong giờ giải lao, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết đã họp gấp và chỉ đạo khởi tố vụ án đúng quy định của pháp luật, thông tin này được đăng báo Công Lý và sau đó vụ án được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.
Hay một kỷ niệm khác không thể nào quên, hồi đó tôi đi công tác Cà Mau, cùng đi có anh Quang Vĩnh, văn phòng phía Nam. Chúng tôi xuống xã Khánh An huyện U Minh, vì nghe nói ở đây có một khu tái định cư bị bỏ quên. Đến nơi, quả là một xóm nghèo xơ xác, nhiều hộ có căn nhà như túp lều nhỏ, có nhà chưa có đủ vách xung quanh, dù chỉ là vách bằng lá dừa nước…
Một cây cầu tràm gập ghềnh bắc qua con rạch, nhìn khá nên thơ nên chúng tôi vào chụp hình, mới nhận thấy đây là cầu bắc vào một điểm trường. Hỏi thầy giáo phụ trách thì được biết không có tiền để làm cầu, mà lãnh đạo xã cũng chưa từng có ai đến điểm trường này. Vậy là tôi quyết tâm vận động để xây tặng thầy trò ở đây cây cầu bê tông, mà họ nói phải tốn 25 triệu đồng.
Tôi về xin được 30 triệu, dư tiền xây cầu và đủ để láng sân xi măng; đồng thời xin được tiền để mua tặng mỗi hộ dân ở khu tái định cư một túi gạo, ít thực phẩm thiết yếu. Tôi nói với Huỳnh Văn Út, cán bộ Tòa án tỉnh Cà Mau phụ trách giúp khâu mua hàng rằng nhất định phải có bánh trung thu và đèn ông sao, vì hôm dự kiến đến trao là gần Tết Trung thu.
Hôm đó, anh Quang Vĩnh và tôi nhân danh báo Công Lý xuống trao tặng. Tòa án Cà Mau có thêm quà và vận động được mấy ngân hàng ủng hộ thêm tập vở, bánh kẹo cho trẻ em nên một đoàn 8 xe ô tô xuống Khánh An, làm náo động cả xóm nghèo. Đài truyền hình của Cà Mau cũng có mặt. Sau khi nhờ anh Sáu Ký, Chánh án Cà Mau đại diện trao 30 triệu đồng và quà cho học sinh, chúng tôi cùng nhau trao quà cho bà con và các cháu nhỏ. Thương nhất là nhiều cháu chưa từng nhìn thấy đèn ông sao, có cháu hỏi rằng đốt đèn cầy như thế nào. Nhìn các cháu hân hoan, chúng tôi thấy thật vui sướng.
Cây cầu mới
Dịp 20/11 năm đó, cây cầu được khánh thành, nhà trường mời vào nhưng tôi không có điều kiện để đi, họ gửi cho mấy tấm hình, như một kỷ niệm đẹp đẽ.
Nhắc mình cẩn trọng
Khi đó báo Công lý có nhiều chuyên mục, trong thiết kế, cứ hai trang có một chuyên mục nhỏ, ngắn gọn, hình như là các mục Bút bi, Suy ngẫm và Sổ tay phóng viên. Tôi phụ trách mục Sổ tay phóng viên, ở góc trên trang 9, chính giữa tờ báo, trong chuyên mục lớn Pháp luật và cuộc sống. Mục này tôi ký bút danh Lâm Uyên.
Lựa chọn cách thể hiện là hai nhân vật, một ông sếp rất nguyên tắc, tốt bụng nhưng hơi giáo điều và một cô nhân viên đáo để, trò chuyện với nhau về một vấn đề thời sự nào đó. Vì đề tài rất rộng, bàn đủ các lĩnh vực nên tôi viết thoải mái, thu hút được nhiều bạn đọc quan tâm.
Tôi giữ chuyên mục này từ năm 2002 đến 2016, liên tục không có số nào không có bài, dù có bài phải viết ở một quán nét trên đường từ Bình Phước lên Tây Nguyên hay ở thị trấn nhỏ Thới Bình của tỉnh Cà Mau.
Phóng viên Nguyễn Trung Thành có lần đi công tác ở Tòa án huyện Điện Biên Đông, gọi điện để tôi nói chuyện với chị Phó Chánh án thích chuyên mục này, với những tình cảm quý mến.
Một lần phóng viên Trần Minh Giang về công tác tại Tòa án tỉnh Nam Định gọi điện cho tôi nói, anh Lương Hồng Minh, Chánh án Nam Định muốn nói chuyện với “chị Lâm Uyên”… Bên kia đầu dây, Chánh án Nam Định vui vẻ nói: Tôi rất thích “mục Lâm Uyên”, nhận được báo Công Lý là tôi phải đọc mục ấy đầu tiên. Tôi cứ nghĩ Lâm Uyên là tên phụ nữ, rất mong có dịp được gặp. Hôm nay mới biết Lâm Uyên là bút danh của Nguyễn Phan Khiêm…
Anh Minh chia sẻ rằng, anh nói với anh em trong cơ quan, Lâm Uyên có lẽ là Rừng sâu, muốn nói đến sự uyên thâm như rừng, không biết có phải thế không?!
Tôi cám ơn anh Minh và xin thưa lại rằng, tôi không dám đặt bút danh với ý như thế, thật ra đây là nguyên tắc tôi tự nhắc mình. Người xưa có câu: “Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lý bạc băng”, có nghĩa là: Luôn thận trọng như đi bên cạnh vực sâu, như dẫm lên băng mỏng. Làm báo là một nghề nguy hiểm, nên mỗi khi viết bài phải tự nhắc mình hết sức cẩn trọng…
**
Cùng với sự phát triển của Internet và công nghệ, báo chí ngày nay đã phát triển mạnh mẽ, nghĩ lại hoạt động báo chí hồi đó, thấy như chuyện cổ tích. Với thuận lợi là cơ quan của TANDTC, được lãnh đạo quan tâm sâu sát; với bề dày hơn 20 năm và đội ngũ nhân sự hùng hậu, giỏi nghề, chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng báo Công Lý bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, phát triển tương xứng với tiềm năng của tờ báo, đưa mơ ước của chúng tôi, những người làm báo Công Lý thuở ban đầu đơn sơ, mộc mạc ấy, đi xa hơn, thành công hơn, đóng góp được nhiều hơn cho tiến bộ xã hội cũng như sự phát triển của hệ thống TAND...
Bìa báo Công Lý số kỷ niệm tuổi 22
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận