Bảo đảm hiệu quả quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội
Bài viết này đánh giá việc triển khai thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, từ đó, đưa ra các giải pháp để thực hiện quyền này trong thực tiễn được hiệu quả.
1. Quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, quyền tiếp cận thông tin cũng ngày càng phát triển và trở thành cơ sở của nền dân chủ, là công cụ hữu hiệu cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nếu như năm 1990 mới chỉ có 13 quốc gia trên thế giới ban hành Luật Tiếp cận thông tin, thì đến năm 2009, có 86 quốc gia ban hành Luật Tiếp cận thông tin và hiện nay đã có khoảng 100 quốc gia ban hành Luật này. Theo Tony Mendel, chuyên gia quốc tế về quyền tiếp cận thông tin thì xu hướng ngày càng có nhiều luật về tự do thông tin được ban hành bởi quan điểm phổ biến trên thế giới hiện nay là các cơ quan công quyền nắm giữ thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là vì lợi ích công cộng[1].
Hiện nay, thuật ngữ “người yếu thế” được coi là một thuật ngữ pháp lý nhưng vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về nhóm đối tượng này trong xã hội. Hiểu một cách đơn giản, người thuộc đối tượng yếu thế là người bị hạn chế một phần năng lực tự nhiên hoặc do những yếu tố xã hội quy định khiến họ bị đánh giá thấp về địa vị trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện và năng lực có sẵn như nhau. Theo đó, pháp luật quốc tế đã ghi nhận quyền con người của một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội bao gồm: Phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người đồng tính, lưỡng tĩnh và chuyển giới, người tị nạn… Tương tự như pháp luật quốc tế, pháp luật của Việt Nam cũng ghi nhận những nhóm yếu thế gồm trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Bên cạnh đó, do yếu tố đặc thù về kinh tế - xã hội, pháp luật Việt Nam cũng quy định thêm một số nhóm người khác gọi chung là nhóm những người sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do nghèo đói, bệnh tật và tác động của môi trường.
Cũng giống như các chủ thể khác trong xã hội, nhóm đối tượng yếu thế tại Việt Nam được quyền tiếp cận các thông tin của cơ quan nhà nước, chỉ trừ những thông tin không được tiếp cận theo quy định tại Điều 6 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Riêng đối với người mất năng lực hành vi dân sự, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ và người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã quy định về phạm vi quyền tiếp cận thông tin theo cách liệt kê những thông tin không được tiếp cận và tiếp cận có điều kiện. Việc quy định này khá phù hợp, tương thích với pháp luật của các quốc gia trên thế giới, đó là những thông tin về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội. Việc quy định này nhằm khẳng định rõ quyền tiếp cận thông tin, đồng thời, cũng giới hạn phạm vi tiếp cận thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Như vậy, có thể thấy, về cơ bản thì quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế cũng giống như quyền tiếp cận thông tin của các công dân khác trong xã hội, pháp luật không có sự phân biệt, đối xử giữa các chủ thể này trong xã hội.
2. Đánh giá chung về quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế hiện nay
Nhìn chung, pháp luật của Việt Nam đã có những quy định về bảo đảm quyền được tiếp cận của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như của toàn xã hội đối với người yếu thế. Chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về bảo đảm quyền của nhóm đối tượng yếu thế nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền con người, thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích của nhóm đối tượng yếu thế, giải quyết tình trạng xâm phạm đến quyền của những đối tượng này trong xã hội đã được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, các quy định về quyền tiếp cận thông tin trong Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã trở thành khung pháp lý cơ bản trong việc thúc đẩy thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, nhóm đối tượng yếu thế càng được quan tâm hơn trên nhiều phương diện, được nâng cao hơn về đời sống vật chất cũng như tinh thần nên các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế đã tương đối bám sát nhu cầu của thực tiễn của nhóm đối tượng này trong thực tiễn. Thông qua các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế, Nhà nước đã rất chú trọng đến quyền được tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng này, đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải thực hiện việc công khai các thông tin trong hoạt động của mình. Thông qua đạo luật này, đã giúp cho người dân nhận thức rõ được sự quan trọng của thông tin và quyền tiếp cận thông tin trong đời sống, để mọi người dân nói chung và nhóm đối tượng yếu thế nói riêng có cơ hội bình đẳng như nhau trong việc tìm kiếm các nguồn thông tin trong xã hội.
Mặc dù, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về quyền tiếp cận thông tin, tuy nhiên, nhóm đối tượng yếu thế khi thực hiện quyền này trong thực tiễn vẫn còn những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, nhóm đối tượng yếu thế được quy định tại nhiều đạo luật khác nhau nên không tránh khỏi có những quy định chưa thống nhất, thời điểm hiệu lực pháp lý khác nhau, từ đó, việc triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho nhóm đối tượng yếu thế cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và các văn bản hướng dẫn Luật này chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, mà chỉ quy định chung đối tượng tiếp cận thông tin là công dân.
Thứ hai, hiện nay, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin, tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo kết quả khảo sát do Trung tâm Tư vấn hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật Thành phố Hà Nội thực hiện cho thấy, 85% người khuyết tật chưa biết đến quyền tiếp cận thông tin và chỉ 23% người khuyết tật được đáp ứng về thông tin, trong khi nhu cầu của nhóm đối tượng này lên đến 92%. Ngoài ra, một khảo sát của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam được thực hiện tại 05 xã thuộc các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên và Bắc Kạn cũng cho thấy, mặc dù người dân tộc thiều số ở 05 xã đều hài lòng với các thông tin liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội, tuy nhiên, họ lại ít hài lòng với các thông tin về luật pháp, chính sách và các vấn đề xã hội vì các thông tin này không được cung cấp đầy đủ, chính xác và thường xuyên; đặc biệt, các thông tin về tình hình phát triển kinh tế, các chương trình cho vay, khuyến nông cũng không được cập nhật thường xuyên do chính quyền địa phương cung cấp mới chỉ mang tính một chiều và hạn chế về hình thức truyền tải, do đó, chưa đạt hiệu quả cao[2].
Thứ ba, tại nhiều địa phương, đặc biệt là địa phương ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí để phục vụ việc tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế vẫn còn rất hạn chế. Chủ yếu là ở cấp xã chưa được kết nối mạng internet hoặc có kết nối nhưng mạng không ổn định, chưa được bố trí các trang thiết bị cần thiết như máy in, máy photocopy… để phục vụ cho hoạt động cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều cũng là một trong những khó khăn, trở ngại trong việc cung cấp thông tin qua hệ thống mạng điện tử.
3. Giải pháp tăng cường cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế
Xuất phát từ hạn chế về quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường cơ chế bảo đảm quyền này trong thực tiễn hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật nói chung và các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế nói riêng.
Như đã phân tích ở trên, đối tượng yếu thế bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người đồng tính, lưỡng tĩnh và chuyển giới, người tị nạn… Tuy nhiên, hiện nay, theo các văn bản quy phạm quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 thì mới chỉ có những quy định chung về việc cung cấp thông tin cho người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, còn những người yếu thế khác như người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới, người tị nạn… lại chưa được quy định. Ngoài ra, hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định về quyền chuyển đổi giới tính. Do đó, khi một người chuyển giới ở Việt Nam muốn yêu cầu tiếp cận thông tin từ các cơ quan nhà nước thì đều gặp phải rào cản vì hình dáng bên ngoài của họ không tương ứng với giới tính của họ, có nghĩa là, nhận định giới tính pháp lý là nam hay nữ trên các giấy tờ chính thức chưa được công nhận. Chính điều này là nguy cơ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong xã hội với nhóm đối tượng yếu thế. Mặc dù, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”, tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể, chi tiết về quyền chuyển đổi giới tính. Do đó, việc nghiên cứu, ban hành các quy định pháp luật về quyền chuyển đổi giới tính sẽ góp phần giúp cho người chuyển giới được thực hiện các quyền của mình trong thực tiễn, trong đó, có quyền tiếp cận thông tin.
Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng quy trình cung cấp thông tin đơn giản, ngắn gọn và hiệu quả.
Trên thực tế, nhóm đối tượng yếu thế có những hạn chế nhất định trong việc hiểu các quy định của pháp luật, do đó, cần nghiên cứu xây dựng một quy trình cung cấp thông tin nhanh chóng, đơn giản, hợp lý. Việc quy định thông tin được cung cấp nhanh chóng, đúng thời hạn là một yêu cầu quan trọng, bởi sự trì hoãn cung cấp thông tin có khả năng gây ra tổn thất đến lợi ích của nhóm đối tượng yếu thế khi có yêu cầu. Việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội sẽ góp phần tăng lòng tin của họ đối với cơ quan nhà nước nói chung nhưng đồng thời, điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với chủ thể đặc biệt này trong xã hội. Việc nhóm đối tượng yếu thế được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin sẽ giúp họ chủ động hơn trong quá trình tham gia các hoạt động của xã hội, đây cũng là cơ sở để họ đóng góp, xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế.
Để nâng cao chất lượng của việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời hạn chế việc các cơ quan, tổ chức quản lý thông tin từ chối việc cung cấp thông tin hoặc cung cấp không kịp thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế đánh giá và giám sát việc thực thi quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hiện nay, việc thành lập một ủy ban thông tin độc lập chuyên trách thực hiện chức năng giám sát việc thực thi quyền tiếp cận thông tin là cơ chế rất hữu hiệu được áp dụng để thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc cung cấp thông tin của các chủ thể trong xã hội. Đồng thời, cũng cần nâng cao hiệu quả giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện cung cấp thông tin cho nhóm đối tượng yếu thế.
Thứ tư, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin trong các cơ quan nhà nước.
Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế xóa bỏ rào cản về thông tin, khuyến khích sự đầu tư, phát triển hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dành cho nhóm đối tượng yếu thế nói chung trong xã hội. Trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, các cơ quan nhà nước cần chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp nhanh gọn, đầy đủ, chính xác thông tin mà công dân yêu cầu trên các Cổng/Trang thông tin điện tử, website, email; các cơ sở dữ liệu điện tử; nghiên cứu, ứng dụng các tiện ích của các mạng xã hội, các cổng cung cấp dịch vụ trực tuyến để đăng tải danh mục các thông tin phải được công khai, cung cấp, trả lời trực tuyến thông tin; đăng tải thông tin lên cơ sở dữ liệu thông tin do cơ quan mình tạo ra dưới dạng số hóa bằng các định dạng phổ biến để người dân có thể sử dụng một cách nhanh gọn và thuận tiện. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống thông tin điện tử nhằm công khai các thông tin phù hợp với nhóm đối tượng yếu thế, từ đó, nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận thông tin bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này sẽ góp phần tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin cho nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội và góp phần giúp cho mọi hoạt động của Nhà nước đều trở nên công khai và minh bạch.
Thứ năm, nâng cao nhận thức của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội về quyền tiếp cận thông tin.
Hiện nay, trình độ dân trí cũng như ý thức của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội về quyền tiếp cận thông tin vẫn còn hạn chế, nhiều người có tâm lý e ngại việc tiếp xúc với vói các cơ quan nhà nước, do đó, tự bản thân họ đã hạn chế quyền của bản thân. Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tiếp cận thông tin. Một trong những giải pháp được khuyến nghị là việc xây dựng các chương trình giảng dạy trong môi trường học đường để giúp cho học sinh, sinh viên tiếp cận được những kiến thức về quyền tiếp cận thông tin, từ đó, sẽ nhân rộng việc triển khai thực hiện trong toàn xã hội. Đặc biệt, cần chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương chưa có sự phát triển, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại các địa phương này, cần thường xuyên cải cách giáo dục, phổ cập giáo dục, tổ chức các buổi thực hành cho cả học sinh, sinh viên. Các cơ quan nhà nước cần xác định nhiệm vụ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tế để người dân nói chung và nhóm đối tượng yếu thế nói riêng biết và hiểu được quyền tiếp cận thông tin của mình.
Thứ sáu, đổi mới về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Để quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế được bảo đảm thực hiện hiệu quả trong thực tiễn thì đội ngũ cán bộ, công chức cần có sự đổi mới trong tư duy cũng như nhận thức trong quá trình thực thi công vụ. Bảo đảm cơ chế thực hiện cho các cấp chính quyền, nhân dân tham gia tích cực vào thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin không chỉ là nghĩa vụ mà còn là hành động bảo vệ lợi ích của các chủ thể trong xã hội. Các cấp chính quyền cần thường xuyên thực hiện chế độ tiếp xúc nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, để từ đó có thể đáp ứng được mong muốn của họ. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần chủ động công khai thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt, cần có thiết chế độc lập để xem xét, giải quyết việc từ chối cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước. Công dân chỉ dễ dàng tiếp cận thông tin khi các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy nhân dân làm mục tiêu để phục vụ, khi đó, các thông tin sẽ được minh bạch, công khai, cung cấp nhanh chóng và đầy đủ. Nhà nước cũng cần có các cơ chế tiếp nhận, phản hồi các ý kiến của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội một cách hiệu quả và thực chất, để từ đó, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Theo tcdcpl.vn
Trao quà cho phụ nữ, người già, học sinh Khmer nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn nhân Tết Chol Chnam Thmay - Ảnh: Ngô Chuẩn
[1]. Tài liệu Hội thảo quốc tế xây dựng Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam do Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Anh tổ chức tại Hà Nội, ngày 06 - 07/5/2009.
[2]. Khanh Lê, Tăng cường quyền tiếp cận thông tin cho đối tượng yếu thế, https://daklak24h.com.vn/xa-hoi/35346/tang-cuong-quyen-tiep-can-thong-tin-cho-doi-tuong-yeu-the.html, truy cập ngày 10/8/2022.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Ngành Tòa án nhân dân “Đoàn kết, Trách nhiệm, Kỷ cương, Liêm chính, Đổi mới, Vượt khó, Hiệu quả”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận