Bảo đảm quyền tiếp cận công lý tại Việt Nam góc nhìn từ vai trò của Tòa án trong bối cảnh chuyển đổi số

Bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án trong bảo đảm quyền tiếp cận công lý tại Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Tiếp cận công lý trở thành thước đo của nền dân chủ đất nước, sự vững mạnh của nền tư pháp quốc gia. Tòa án là cơ quan tư pháp, đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc bảo vệ và thực hiện quyền tiếp cận công lý. Tại Việt Nam, thực trạng bảo đảm quyền tiếp cận công lý tại Tòa án còn nhiều bất cập. Việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý tại Tòa án là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

2. Khái quát về quyền tiếp cận công lý và vai trò của Tòa án trong bối cảnh chuyển đổi số

Con người trong mọi thời đại đều khao khát, hướng tới công lý, công bằng, bình đẳng, tự do và sự đúng đắn trong mọi quan hệ xã hội. “Công lý là những lẽ đúng đắn được thừa nhận chung trong xã hội, làm cơ sở cho việc phán xét, xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong những mối quan hệ nhất định. Hay nói một cách ngắn gọn, công lý là những lẽ chung đúng đắn”[1]. Quyền tiếp cận công lý thể hiện sự khát vọng của con người về công lý, là khả năng tiếp cận công lý của con người được xác lập trên cơ sở các quy tắc xã hội, các chuẩn mực đạo đức, trong đó các quy định pháp luật và thiết chế thực thi bảo vệ công lý có vị trí đặc biệt quan trọng.

Luật nhân quyền quốc tế bảo đảm cho mọi người khả năng tìm kiếm công bằng thông qua bất cứ một cơ chế nào, thay vì chỉ thông qua những thiết chế tư pháp chính thống, do vậy tiếp cận công lý còn được hiểu là khả năng mọi người có thể tìm kiếm và đạt được lẽ phải, quyền lợi chính đáng bị xâm phạm thông qua các cơ chế tư pháp chính thống hoặc không chính thống phù hợp với quy định của luật quốc tế về nhân quyền[2]. Dù cách tiếp cận hiện đại này mở ra các cơ hội chủ động cho việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người thông qua nhiều cơ chế, phương thức khác nhau để giải quyết các tranh chấp, tuy nhiên trong phạm vi một quốc gia, hiệu quả nhất của tiếp cận công lý là tìm kiếm sự công bằng, khắc phục sự bất công thông qua thiết chế quyền lực của nhà nước, đặc biệt là thiết chế tư pháp - Tòa án.

Theo GS.TSKH. Đào Trí Úc[3], nội dung của quyền tiếp cận công lý thể hiện ở việc bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản về tố tụng đã được luật nhân quyền quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận, trước hết là quyền được xét xử, xét xử kịp thời và quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án. Thông qua hoạt động xét xử không chỉ cung cấp tri thức pháp luật cho những người tham gia tố tụng tư pháp mà còn hướng dẫn họ cách thức thực hành pháp luật. Hoạt động xét xử trở thành một trong những hình thức tuyên truyền và giáo dục pháp luật hữu hiệu trong đời sống xã hội.

Hiện nay, nhiều quan điểm giải thích khái niệm chuyển đổi số khác nhau. Giải thích một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất thì chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Tại Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số được ghi nhận theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số”.

Chuyển đổi số gắn liền với sự ra đời và phát triển các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain... Chuyển đổi số còn được gắn liền với mạng internet, mạng máy tính,… khi cuộc sống của con người được đưa dần lên không gian mạng. Vấn đề xây dựng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu đang được quan tâm mạnh mẽ. Trong xu thế ấy, Tòa án - nơi bảo vệ công lý tiến hành số hóa với mục tiêu tạo điều kiện để quyền tiếp cận công lý được bảo đảm một cách tối ưu nhất với sự xuất hiện của Tố tụng điện tử, Tòa án điện tử...

Trong bối cảnh hội nhập sâu sắc và nhu cầu xây dựng thể chế tố tụng điện tử cũng như sự phát triển công nghệ số trong vài năm gần đây, việc thúc đẩy quyền tiếp cận công lý đóng vai trò thiết thực và phù hợp với xã hội hiện đại. Việc này một mặt đảm bảo cho cá nhân, tổ chức dễ dàng thực hiện quyền tiếp cận công lý hơn, mặt khác giúp cho hoạt động của Tòa án được giảm tải và nâng cao trải nghiệm dịch vụ công. “Đại dịch COVID-19 chính là một “cú hích” thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thủ tục tố tụng ở các quốc gia diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn, mặc dù quá trình này đã được khởi động ngay từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước”[4].

3. Thực trạng pháp luật về vai trò của Tòa án bảo đảm quyền tiếp cận công lý trong bối cảnh chuyển đổi số

Hiến pháp năm 2013 coi bảo vệ công lý là một nhiệm vụ của Tòa án. Ngoài ra, Hiến pháp đã ghi nhận các nội dung của quyền tiếp cận công lý, bao gồm bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); quyền được tiếp cận thông tin (Điều 25); quyền được xét xử công bằng, công khai, nhanh chóng bởi Toà án (Điều 31). Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng đã cụ thể hóa vai trò, vị trí của Tòa án tại Điều 2. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam còn có các quy định cụ thể về hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế tiếp cận công lý tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Vai trò của Tòa án được nhấn mạnh cả trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Pháp luật tố tụng bao gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã cụ thể về thẩm quyền giải quyết, vai trò của cán bộ công chức của Tòa án, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng…

Năm 2023, các Tòa án đã giải quyết 540.490 vụ việc các loại trên tổng số 606.209 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 89,16%; so với năm 2022, số giải quyết tăng 35.809 vụ việc. Chất lượng xét xử được bảo đảm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt 0,89%, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra…Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã xét xử 94.161 vụ án hình sự với tổng số 176.040 bị cáo, đạt 98% về số vụ và 96,35% về số bị cáo, vượt 10% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao… Các Tòa án đã giải quyết 408.070 vụ việc dân sự trong tổng số 468.828 vụ việc thụ lý, đạt tỷ lệ 87,04%, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đã hòa giải thành 80.490 vụ việc, đạt tỷ lệ 20,7%, góp phần giải quyết nhanh các tranh chấp, củng cố khối đoàn kết trong nhân dân… Công tác giải quyết án hành chính được tăng cường. Mặc dù số lượng các vụ án hành chính thụ lý tăng 416 vụ so với năm 2022, nhưng các Tòa án đã giải quyết được 9.130 vụ trên tổng số 12.162 vụ thụ lý, đạt tỷ lệ 75,07%, vượt 15,07% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra và tăng 2,47% so với năm trước. Tính đến ngày 30/9/2023, không có vụ án để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan… Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, đúng pháp luật; đã giải quyết được 9.144 đơn/vụ trong tổng số 14.471 đơn/vụ thụ lý; đạt tỷ lệ 63,19%, vượt 3,19% chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra[5].

Khi tiến hành khảo sát để công bố chỉ số công lý tại Việt Nam năm 2015, các doanh nhân, người dân có công việc làm ăn kinh doanh, được phỏng vấn về các yếu tố “có thể ảnh hưởng tới quyết định nhờ Tòa án giải quyết tranh chấp” liên quan đến công việc làm ăn, buôn bán của họ với bạn hàng và đối tác. Các phản hồi cho thấy quan ngại hàng đầu là về “thủ tục giải quyết tại tòa phức tạp, mất nhiều thời gian” (40%), quan ngại về sự công tâm của Thẩm phán và cán bộ Tòa án (34%), và chi phí cho luật sư (33%)[6]. Hiện nay, chỉ số công lý tại Việt Nam lần đầu tiên được công bố vào năm 2013, lần tiếp theo là 2016. “Chỉ số công lý” đánh giá về chỉ số pháp quyền (rule of law) của 142 quốc gia trên thế giới dựa trên 08 yếu tố cơ bản: Quyền lực giới hạn, liêm chính, nhà nước mở, đảm bảo quyền cơ bản, an ninh trật tự, thực thi pháp luật, công lý trong lĩnh vực dân sự và công lý trong lĩnh vực hình sự; Việt Nam xếp hạng 87/142, trong các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương; xếp 11/15, đứng sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á[7].

Trong bối cảnh chuyển đổi số, các quy định về bảo đảm quyền tiếp cận công lý, đặc biệt tại tòa án được chú trọng thông qua một số thủ tục tố tụng được thực hiện trực tuyến. Ngày 30/12/2016, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế khá chậm. Sau gần 02 năm từ khi ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP, ngày 22/10/2018, TANDTC mới công bố chính thức việc đưa vào hoạt động hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử và đăng ký trực tuyến cấp sao, trích lục bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án. Hệ thống này được áp dụng thí điểm tại một số địa phương từ tháng 11/2018, theo Quyết định số 189/QĐ-TANDTC ngày 9/10/2018 của Chánh án TANDTC, các Tòa án gốm TANDCC tại Hà Nội, TAND hai cấp tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ áp dụng thí điểm hệ thống việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, thời hạn thí điểm đến hết tháng 1/2019. Tính đến tháng 12/2018, chỉ có duy nhất 01 đơn khởi kiện được gửi bằng phương tiện điện tử tới TAND thành phố Hải Phòng nhưng đơn không tiếp nhận được do lỗi về chữ ký số[8].

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, quá trình chuyển đổi số hoạt động tố tụng mới được đẩy mạnh hơn. Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành ngày 15/12/2021, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thí điểm các phiên tòa trực tuyến tại các TAND trong cả nước. Tuy nhiên, so với các quốc gia trên thế giới, quá trình chuyển đổi số hoạt động tố tụng ở Việt Nam diễn ra chậm hơn, quy mô nhỏ hơn.

Ngày 15/3/2022, TANDTC ban hành Kế hoạch số 49/KH-TANDTC triển khai phần mềm trợ lý ảo cho Thẩm phán. Mục tiêu đưa Trợ lý ảo làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán tra cứu nhanh các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật cho các tình huống pháp lý cụ thể, quy định pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo; Góp phần bảo đảm việc áp dụng đúng, thống nhất pháp luật; Giúp cho phần mềm Trợ lý ảo ngày càng thông minh hơn thông qua quá trình sử dụng, đóng góp ý kiến của các Thẩm phán Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay phần mềm trợ lý ảo chỉ mới được sử dụng dành cho cán bộ, công chức ngành Tòa án mà chưa mở rộng đối tượng sử dụng đến toàn thể người dân.

4.Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vai trò của Tòa án bảo đảm quyền tiếp cận công lý trong bối cảnh chuyển đổi số

Từ thực trạng pháp luật Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định và nâng cao hiệu quả thực hiện bảo đảm quyền tiếp cận công lý tại Tòa án như sau:

Thứ nhất, thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, đặc biệt là pháp luật tố tụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử của hệ thống Tòa án. Các ấn phẩm về trình tự, thủ tục khởi kiện, quyền và nghĩa vụ của đương sự cần được thiết kế một cách sinh động, dễ hiểu, đăng tải công khai hoặc in ấn đế phát tận tay cho người dân khi đến Tòa án. Đặc biệt, cần chọn lọc và truyền thông nội dung các phiên xét xử để người dân có góc nhìn thực tế nhằm đạt hiệu cao hơn trong giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, việc truyền thông các phiên tòa thực tế phải đảm bảo các quyền bí mật cá nhân, quyền riêng tư của những người tham gia tố tụng, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và gia đình. 

Thứ hai, sớm đưa phần mềm trợ lý ảo của Tòa án đi vào cuộc sống, để người dân có thể tra cứu các văn bản pháp luật, có được các đoán định tư pháp từ vụ việc của bản thân, thực hiện các thủ tục tố tụng bằng hình thức trực tuyến. Điều này nên được ưu tiên phát triển để công dân có nguồn tư liệu tham khảo chính thống và đầy đủ về các vấn đề pháp lý, nghĩa vụ bị xung đột xung quanh cuộc sống của họ. Với việc đẩy mạnh công cụ trợ lý ảo tòa án, người dân sẽ có cơ hội tiếp xúc và bảo đảm quyền lợi tố tụng của họ một cách tốt nhất, giảm thiểu lượng công việc đối với cán bộ, công chức tòa án.

Thứ ba, cần công khai minh bạch các thủ tục, quy trình xử lý các đơn thư tại Tòa án. Đối với hệ thống Tòa án, công khai mẫu đơn, thủ tục tố tụng trong giải quyết các tranh chấp tại các trụ sở là một yêu cầu bắt buộc. Thực tế hiện nay, không ít Tòa án cấp  huyện, cấp tỉnh không niêm yết các thông tin này. Đối với việc cung cấp thông tin, hồ sơ vụ việc hay đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo có thể hệ thống hóa thông qua phương thức điện tử.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính đã được tiến hành hoàn toàn bằng phương thức trực tuyến trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, chữ ký số, sim ký số chính chủ hoặc tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm khắc phục sự rườm rà, phức tạp của thủ tục hành chính. Tòa án có thể căn cứ vào các cơ sở dữ liệu này để xác thực chủ thể và chấp nhận hồ sơ nộp trực tuyến. Đối với hoạt động phản hồi đơn thư, hướng dẫn quy trình tố tụng có thể phản hồi qua thư điện tử đăng ký của người dân bằng thư điện tử hệ thống của Tòa án nơi có thẩm quyền thụ lý nhằm bảo đảm thời hạn giải quyết và nhanh chóng.

Thứ năm, đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội cần hoàn thiện các quy định về trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền tham gia tố tụng của họ. Chẳng hạn, cần bổ sung quy định về hình thức thông báo nội dung của các văn bản tố tụng dành cho người khuyết tật như thông tin được thể hiện bằng các phương pháp khác nhau như: ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi, truyền tải nội dung bằng video và âm thanh, các website thiết kế dành cho người khuyết tật có thể truy cập được. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc hỗ trợ người khuyết tật để có thể hiểu được nội dung thông báo và thông tin bằng cách hỗ trợ thông dịch viên, hướng dẫn viên và các hình thức hỗ trợ khác.

5. Kết luận

Tiếp cận công lý được coi là thước đo bảo đảm công bằng và bình đẳng của mọi người dân trong một xã hội. Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý tại Việt Nam. Mặc dù đã có những thành tựu đáng ghi nhận trong việc giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của công dân, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Bài viết đã nêu ra thực trạng pháp luật Việt Nam và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, tăng cường bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân trong bối cảnh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

 

 

PHẠM HÀ HẢI (TAQS khu vực thủ đô Hà Nội), LƯU QUANG ANH (Tòa Hình sự, TAND Tp Hà Nội), BÙI LÊ HIẾU (Sinh viên lớp D khóa 5, Học viện Tòa án)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đào Trí Úc, Bản chất, đặc điểm và các nguyên tắc chủ đạo của quyền tư pháp, Bài đăng trong sách: Cải cách tư pháp vì một nền tư pháp liêm chính, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội,  năm 2014

 [2] Nguyễn Bích Thảo, Trí tuệ nhân tạo và tiếp cận công lý, Sách Trí tuệ nhân tạo với pháp luật và quyền con người, Nxb Tư pháp, Hà Nội, năm 2019, tr.71-83.

[3] Vũ Công Giao (2009), Tiếp cận công lý và các nguyên lý của Nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học 25, tr. 189 -190

[4] Trần Mộng Bình, Quyền tiếp cận công lý của người khuyết tật ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Bình Dương – Tập 5, số 2/2022.

[5] Nguyễn Văn Quân, Một số tác động của trí tuệ nhân tạo tới nghề luật, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (388), tháng 6/2019.

[6] Nguyễn Bích Thảo, Xây dựng thể chế tố tụng điện tử ở một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.

[7] Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chỉ số Công lý năm 2015 hướng đến một nền tư pháp vì dân, Báo cáo nghiên cứu, năm 2016.

[8] Trần Trí Dũng, Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2019.

[9] Nguyễn Hưng Quang, Nguyễn Tiến Lập, Trần Thanh Huyền, Những thực tiễn tốt về thực hiện thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Tòa án, https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND144866, truy cập 30/11/2023.

 

[1] Trần Trí Dũng, Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2019, Tr. 32.

[2] Vũ Công Giao (2009), Tiếp cận công lý và các nguyên lý của Nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN, Luật học 25, tr. 189-190.

[3] Đào Trí Úc, Bản chất, đặc điểm và các nguyên tắc chủ đạo của quyền tư pháp. Bài đăng trong sách: Cải cách tư pháp vì một nền tư pháp liêm chính, Nxb ĐHQGHN, năm 2014, tr. 32.

[4] Nguyễn Bích Thảo (2023), Xây dựng thể chế tố tụng điện tử ở một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.

[5]  Nguyễn Hòa Bình, Dấu ấn của hệ thống Tòa án năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, https://tapchitoaan.vn/dau-an-cua-he-thong-toa-an-nam-2023%C2%A0va-nhiem-vu-trong-tam-trong-thoi-gian-toi9973.html,  truy cập ngày 31/7/2024.

[6] Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chỉ số Công lý năm 2015 hướng đến một nền tư pháp vì dân, Báo cáo nghiên cứu, năm 2016, tr.27

[7] Word Justice Project, Chỉ số pháp quyền của Việt Nam,  https://worldjusticeproject.org/rule-of-law-index/country/2023/Vietnam, truy cập ngày 01/12/2023.

[8] Nguyễn Hưng Quang, Nguyễn Tiến Lập, Trần Thanh Huyền, Những thực tiễn tốt về thực hiện thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Tòa án, https://vnlawfind.com.vn/wp-content/uploads/2020/07/UNDP_PresenTòa ántion-on-Good-Practices-in-Court-for-Integrity_VN_21Jul20.pdf, truy cập 30/11/2023.

Tòa án tỉnh Nghệ An  xét xử  lưu động vụ án mua bán trái phép chất ma tuý- Ảnh: Hoài Chung