Bảo hiểm kèm khoản vay - Hiểu thế nào cho đúng?

Đại dịch cCovid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thậm chí phá sản. Tỉ lệ lao động thất nghiệp gia tăng kéo theo nhu cầu vay tiêu dùng, vốn kinh doanh càng lớn. Hình thức cho vay cầm cố tài sản “nở rộ” theo nhu cầu, kéo theo nhiều rủi ro tín dụng mà nhiều khách hàng chưa lường trước được.

Rất nhiều lao động thất nghiệp, khó khăn trong việc duy trì các khoản chi tiêu hằng ngày nói riêng cũng như tài chính nói chung dẫn đến nhu cầu vay vốn tiêu dùng tăng cao. Tỉ lệ thuận với đó, các hình thức cho vay tiền “mọc lên như nấm sau mưa”, đặc biệt là hình thức cho vay cầm cố tài sản kèm theo đó là vô vàn những rủi ro về tín dụng mà khách hàng khó có thể lường trước được trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để giải quyết bài toán về rủi ro trong quá trình vay vốn đối với các giao dịch cho vay bằng cầm cố tài sản, các sản phẩm bảo hiểm khoản vay kèm theo ra đời như một công cụ đắc lực hỗ trợ các bên trong trường hợp  bên đi vay gặp phải rủi ro tài chính, con người không lường trước được. Hiện nay, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường khuyến khích khách hàng mua hai loại sản phẩm bảo hiểm kèm khoản vay là bảo hiểm cho khoản vay và bảo hiểm cho tài sản cầm cố để giảm rủi ro không đáng có cho bản thân và gia đình.

Trước tiên, bàn về bảo hiểm cho khoản vay, loại sản phẩm bảo hiểm này ra đời với mục đích bảo đảm an toàn cho khoản vay, là hình thức bảo hiểm cho trường hợp người đi vay mất khả năng trả nợ khi gặp rủi ro tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn. 

Khi bên đi vay bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, nghĩa vụ trả nợ của bên đi vay không chấm dứt mà tiếp tục tồn tại cho đến khi bên đi vay trả hết nợ cho bên cho vay. Thậm chí, trường hợp bên đi vay không may tử vong, nghĩa vụ trả nợ sẽ chuyển sang cho những người thừa kế của bên đi vạy trong phạm vi di sản thừa kế. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 8 Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015, “các khoản nợ đối với cá nhân, pháp nhân” là một trong những nghĩa vụ tài sản liên quan đến thừa kế cần được thanh toán.

Như vậy, bảo hiểm cho khoản vay sẽ là công cụ hữu hiệu để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho khách hàng và gia đình khách hàng khi khách hàng không may tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Khi xảy ra các sự kiện như vậy, công ty bảo hiểm sẽ thay mặt khách hàng để thanh toán các khoản nợ của khách hàng cho bên cho vay.

Tiếp theo, đối với bảo hiểm cho tài sản cầm cố, đây là loại sản phẩm bảo hiểm mà sự kiện bảo hiểm xảy ra khi tài sản cầm cố bị mất cắp hoặc bị hư hại đạt đến một tỷ lệ nhất định (thường là 70-80%). Thực tế hiện nay, để thuận tiện cho khách hàng, các công ty cầm đồ sẽ giữ lại bản gốc giấy chứng nhận quyền sở hữu xe cầm cố và cho khách hàng mượn lại xe để sử dụng. Thỏa thuận này được ghi rõ trong hợp đồng cầm cố và hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Trong quá trình khách hàng mượn lại tài sản cầm cố để sử dụng, rủi ro mất cắp hoặc hư hại đối với tài sản cầm cố hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, bảo hiểm cho tài sản cầm cố sẽ phát huy tác dụng. Số tiền bảo hiểm của bảo hiểm cho tài sản cầm cố thường bằng với giá trị khoản vay của khách hàng. Khi phát sinh sự kiện bảo hiểm, trong phạm vi số tiền bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ thay mặt khách hàng thanh toán cho công ty cầm đồ số tiền mà khách hàng còn nợ. Trường hợp số tiền khách hàng còn nợ nhỏ hơn số tiền bảo hiểm, khách hàng sẽ được nhận khoản chênh lệch đó. Đây thực sự là khoản cứu cánh cho khách hàng và các công ty cho vay.

Pháp luật hiện hành không có quy định nào về việc cấm kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm kèm theo các khoản vay, thậm chí khách hàng còn được khuyến khích tham gia bảo hiểm khoản vay khi đi vay vì những lợi ích mà nó đem lại, đặc biệt đối với những khoản vay dài hạn và có yếu tố rủi ro cao. Việc mua các sản phẩm bảo hiểm kèm theo khoản vay hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên. Với nhu cầu vay vốn thông qua việc cầm cố tài sản ngày càng cao hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm khoản vay ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình với tư cách là một công cụ tài chính phòng ngừa, rủi ro hiệu quả và hợp pháp nhằm giảm thiểu các tổn thất, chuyển giao rủi ro, giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng và gia đình khách hàng trong trường hợp tài sản cầm cố không thể được thu hồi để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Tuy nhiên, thực tế đôi khi khách hàng chưa nhận được sự giải thích rõ ràng về lợi ích của các sản phẩm bảo hiểm kèm theo khoản vay, dẫn đến những trường hợp khách hàng chưa hiểu rõ về sản phẩm mà vẫn phải chi trả một khoản tiền để mua bảo hiểm. Việc phải mua một sản phẩm khi chưa nhận được thông tin rõ ràng gây tâm lý khó hiểu, bức xúc cho khách hàng, từ đó hiểu sai về ý nghĩa của bảo hiểm kèm theo khoản vay. Vì vậy, khách hàng cần được tư vấn rõ để hiểu rằng việc mua bảo hiểm kèm theo khoản vay cầm cố tài sản mang lại không chỉ sự yên tâm cho chính khách hàng và gia đình khách hàng khi thực hiện hợp đồng cầm cố mà còn nhận được lợi ích thực tế khi xảy ra sự cố trong cuộc sống khiến khách hàng lâm vào tình trạng không thể trả được nợ.

QC