Bảo hiểm xã hội Việt Nam : Vượt nhiều chỉ tiêu
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2019, có 2 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch được giao. Theo đó, cả nước có 533.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 113% kế hoạch giao; 85,29 triệu người tham gia BHYT (đạt 100,15% kế hoạch giao).
Các chỉ tiêu còn lại cũng đạt ở mức cao, xấp xỉ với kế hoạch được giao. Trong đó, cả nước có khoảng 15,065 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 99,6% so với kế hoạch giao; khoảng 13,193 triệu người tham gia BHTN, đạt 99,7% kế hoạch giao.
Về số thu, toàn ngành đã thu BHXH, BHYT, BHTN được số tiền 322.316 tỷ đồng (đạt 89,6% kế hoạch giao). Trong đó, thu BHXH là 218.687 tỷ đồng, thu BHTN là 15.522 tỷ đồng, thu BHYT là 87.576 tỷ đồng. Tổng số nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) đạt khoảng 7.286 tỷ đồng, bằng 2,03% so với kế hoạch thu được giao năm 2019. Toàn Ngành cũng đã giải quyết 107.440 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 775.543 người hưởng trợ cấp 1 lần; 9.876.261 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; thanh toán chi phí KCB BHYT khoảng 167,828 triệu lượt người; phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết 878.418 người hưởng chế độ BHTN.
Để đạt được kết quả tích cực nêu trên, toàn ngành BHXH đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), triển khai giao dịch điện tử đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như: tổ chức bộ phận “Một cửa” tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện; vận hành có hiệu quả hệ thống “Một cửa điện tử”…
Trong tháng 11/2019, BHXH Việt Nam đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua trục dữ liệu quốc gia phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi…
Trong tháng 12, BHXH Việt Nam tập trung quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm 2019 được Chính phủ giao; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT; rà soát, xử lý dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng, hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử, quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ…
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản, quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương để triển khai trong toàn Ngành Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Tập trung hướng dẫn, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH các tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các giải pháp để đảm bảo cân bằng tỷ lệ giữa phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Đặc biệt, đối với địa phương chưa đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện. Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng yêu cầu BHXH các tỉnh cần đẩy mạnh phối hợp với Bưu điện để tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao tỷ lệ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận