Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số
Cách mạng công nghệ số đang làm cho thế giới thay đổi từng ngày. Xã hội nói chung và trẻ em nói riêng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức: Cơ hội được khai thác, tiếp nhận thông tin và tri thức vô tận; thách thức của việc dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh và nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trong thế giới công nghệ số.
Chính vì vậy, chủ đề của Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018 là “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.
Nguy cơ trẻ bị xâm hại trong thế giới công nghệ số
Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2017 với chủ đề “Trẻ em trong thế giới công nghệ số” của UNICEF cho thấy, Internet làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến
Theo UNICEF, không thể phủ nhận rằng công nghệ số đã thay đổi đời sống và cơ hội sống của thế hệ trẻ nhất. Nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát cho mọi người, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau – đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực khó khăn và khó tiếp cận.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng ghi nhận sự hiện diện khắp nơi của các thiết bị di động khiến việc truy cập trực tuyến của trẻ em ít được giám sát hơn và do đó tiềm năng rủi ro cao hơn. Các mạng kỹ thuật số như các trang web đen và các tiền tệ kỹ thuật số tạo điều kiện cho các hình thức bóc lột và lạm dụng tồi tệ nhất diễn ra, bao gồm nạn buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em “theo đơn đặt hàng”.
Theo số liệu thống kê của Microsoft, mỗi ngày có đến 270.000 hình ảnh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em được đưa lên Internet. Trước tình hình cấp thiết đó, Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng thông qua việc ban hành và thực thi hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phòng ngừa, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em… Các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin cũng có quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Một cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu với hơn 10.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 tại 25 quốc gia do UNICEF thực hiện vào năm 2016 cho thấy 72% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi 15-24 sử dụng Internet. Thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam đề cao sự an toàn trực tuyến và nhận thức được những nguy cơ của Internet với 74% tin rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến.
Luật có nhưng thiếu chế tài xử phạt
Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã quy định rõ về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo Nghị định 56, cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan.
Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Nghị định quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em.
Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em…
Tại Hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng diễn ra mới đây tại Ninh Bình, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH, cho biết, mặc dù Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định khá rõ và cụ thể các quyền, biện pháp hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhưng hiện nay việc xử phạt vẫn chưa được thực hiện do thiếu các thông tư, hướng dẫn cụ thể. Nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng Internet hàng ngày. Thực tế ngày càng có nhiều trẻ em nghiện game, nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng xã hội.
Hiện Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo dự thảo, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên hoặc của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ sẽ bị phạt tiền lên tới 50 triệu đồng và buộc phải xin lỗi khi có yêu cầu.
Các hành vi như: Đưa thông tin cá nhân của trẻ em lên mạng mà không có sử đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em; không thực hiện yêu cầu xóa bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi có yêu cầu; không xây dựng hoặc sử dụng, phổ biến phần mềm, công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…. đều sẽ bị xử phạt theo dự thảo nghị định.
Đặc biệt, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng nhưng không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Thậm chí, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng hình phat bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 3-6 tháng.
Đối với các hành vi vi phạm quy định về cấm cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em cũng bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Theo UNCEF, để bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số, cần tạo điều kiện cho tất cả trẻ em truy cập vào nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao; bảo vệ trẻ em khỏi những tổn hại trực tuyến như lạm dụng, bóc lột, buôn người, bắt nạt trực tuyến và tiếp xúc với các tư liệu không phù hợp; bảo vệ sự riêng tư và danh tính của trẻ em. UNCEF cho rằng, cần dạy kỹ năng công nghệ số để trẻ có thông tin, được tham gia và an toàn trên mạng; nâng cao chuẩn mực và thực tiễn đạo đức giúp bảo vệ và mang lại lợi ích cho trẻ em…
Còn theo ông Đặng Hoa Nam, bố mẹ, gia đình cần có những kiến thức nhất định và có ý thức trong việc đưa thông tin, hình ảnh của trẻ lên mạng.
Ngoài ra cũng cần hướng dẫn và kiểm soát, cho phép trẻ được sử dụng công cụ công nghệ nào, sử dụng mạng xã hội ra sao, xem những trang web nào…
Khi thấy những trang mạng có nội dung xấu, lừa đảo cần thông báo, phản ánh với các cơ quan chức năng để được ngăn chặn kịp thời.
Đồng thời cần có những “liều vắc-xin” để bảo vệ con em mình trên mạng xã hội, trang bị cho chính mình và con em mình các kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng để làm sao trở thành công dân của thế giới số.
Luật gia Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và công tác xã hội (CODES) nhấn mạnh 4 vai trò trong bảo vệ trẻ.
Đối với trẻ em, không nên nói chuyện với người lạ trên internet; không nên cung cấp cho người khác thông tin cá nhân, gia đình, các địa chỉ, điện thoại, mối quan hệ, các hoạt động cá nhân, hình ảnh, video, tên tuổi… tất cả những thông tin thuộc về cá nhân khác; không nên để cho người khác biết mình đang ở đâu đó một mình, tâm trạng tồi tệ. Cần hỏi ý kiến của phụ huynh/người lớn đối với những lời đề nghị kèm theo lợi ích từ bạn bè trên mạng. Nên biết rõ những mối quan hệ trên mạng.
Đối với phụ huynh, nên cài đặt “chế độ trẻ em” trên các thiết bị có truy cập internet; không nên chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, tình trạng gia đình, con cái, họ tên, các địa chỉ, điện thoại, các mối quan hệ, hoàn cảnh… một cách công khai trên internet. Hỗ trợ, giám sát việc truy cập internet của con cái tránh khỏi các nguy hiểm do các tương tác trên môi trường mạng mang lại.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cần tăng cường việc đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em tốt hơn. Xác minh độ tuổi truy cập vào các trang dịch vụ chỉ dành cho người lớn. Có những hành động can thiệp kịp thời đối với các hoạt động khiêu dâm trẻ em trên mạng qua các dịch vụ video/hình ảnh trực tuyến.
Đối với nhà nước, cần ban hành các hướng dẫn bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em một cách toàn diện hơn, không chỉ là bảo vệ trên mạng.
Theo Tiengchuong.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Bình luận