Bất cập trong quy định của BLTTHS 2015 về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Sau khi nghiên cứu quy định tại Điều 272 BLTTHS 2015 và bài viết của Ths Đỗ Ngọc Bình (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội) đăng ngày 17/3/2020, tôi nhận thấy còn có những bất cập trong quy định của pháp luật trong xác định thẩm quyền của TAQS.
Đối với tình huống: “Nguyễn Quốc K điều khiển xe ô tô tải rẽ phải đi vào đường nhánh, K đã không nhường đường cho xe mô tô biển kiểm soát 27D1-115.26 nên xảy ra va chạm, gây tai nạn. Hậu quả Hoàng Văn Q là quân nhân bị gãy xương bàn chân trái, tỷ lệ thương tích 31%; Đỗ Hữu M, không phải là quân nhân, bị chấn thương sọ não nặng được đưa đi cấp cứu và tử vong ngày 28/9/2019 tại Bệnh viện” tác giả đã nhận định thẩm quyền thuộc TAQS vì Nguyễn Quốc K đã gây ra thiệt hại cho quân nhân Hoàng Văn Q (bị gãy xương bàn chân trái, tỷ lệ thương tích 31%). Do đó, Nguyễn Quốc K đã gây thiệt hại đến sức khỏe của quân nhân tại ngũ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015.
Căn cứ khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015 quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.”.
Như vậy, nhận định trên của tác giả là hoàn toàn phù hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015. Tuy nhiên, tôi xin đưa ra một số ví dụ giả định sau để làm rõ việc áp dụng quy định này:
Ví dụ 1: K lái xe ô tô, không nhường đường nên gây tai nạn khiến quân nhân Q bị thương tật 31%. Trường hợp này, mặc dù có thiệt hại xảy ra cho quân nhân nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAQS vì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 260 BLHS hiện hành thì tỷ lệ tổn thương cơ thể phải từ 61% trở lên mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ví dụ 2: K lái xe ô tô, không nhường đường nên gây tai nạn khiến M (không phải là quân nhân) bị chết, quân nhân Q bị thương tật 1%. Trường hợp này tương tự với tình huống, thẩm quyền thuộc TAQS theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015. Tuy nhiên ví dụ này nhấn mạnh thiệt hại đối với quân nhân là rất thấp (1%).
Ví dụ 3: K lái xe ô tô, không nhường đường nên gây tai nạn khiến M (không phải là quân nhân) bị chết, va xe vào tường của đơn vị Quân đội gây thiệt hại về tài sản 500 nghìn đồng. Trường hợp này, hành vi của K đã gây thiệt hại đến tài sản của Quân đội nên cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAQS theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015. Tuy nhiên ví dụ này nhấn mạnh thiệt hại đối với Quân đội là rất thấp (500 nghìn đồng), trong khi đó cấu thành tội phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS hiện hành có mức thấp nhất là 100 triệu đồng.
Chúng ta nhận thấy rằng, tinh thần pháp luật tại Điều 272 BLTTHS 2015 là trao cho TAQS thẩm quyền xét xử những quân nhân vi phạm pháp luật hình sự; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quân đội để nhằm mục đích tăng cường sự răn đe, giáo dục pháp luật, bảo vệ và xây dựng môi trường kỷ luật trong quân đội ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, qua 3 ví dụ giả định trên thì trong trường hợp thiệt hại đối với quân nhân, đơn vị Quân đội là rất nhỏ thì việc TAQS xét xử chưa thực sự đạt hiệu quả theo tinh thần đó.
Do vậy, quy định tại Điều 272 BLTTHS 2015 theo hướng chỉ cần có thiệt hại xảy ra trên thực tế đối với các đối tượng được nêu (quân nhân, đơn vị quân đội…) thì thẩm quyền thuộc TAQS là chưa hoàn toàn phù hợp. Thiết nghĩ, cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể về mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra đối với quy định tại Điều 272 BLTTHS.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi sau khi nghiên cứu quy định tại Điều 272 BLTTHS 2015 và các bài viết liên quan. Xin được trao đổi với quý bạn đọc./.
Một phiên tòa của TAQS QK 7 – Ảnh: TTXVN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận