Bất cập trong quy định về di chúc miệng và kiến nghị hoàn thiện

Di chúc miệng đã từ lâu được ghi nhận trong cổ luật Việt Nam và đến thời điểm hiện nay Bộ luật Dân sự 2015 cũng ghi nhận ở Điều 629 và Điều 630. Tuy nhiên, di chúc miệng vẫn còn một số điểm hạn chế. Bài viết sẽ phân tích và đề xuất kiến nghị hoàn thiện những điểm hạn chế trong quy định về di chúc miệng.

1. Dẫn nhập

Trước khi chết, một cá nhân được quyền tự do định đoạt, thể hiện ý chí về việc chuyển giao tài sản của mình cho chủ thể khác. Hình thức chứa đựng ý nguyện, mong muốn đó được khoa học pháp lý gọi là di chúc[2]. Theo Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), di chúc là “sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết[3], với hình thức có thể là bằng văn bản hoặc di chúc miệng (di chúc bằng lời nói). Trong cổ luật, hình thức di chúc miệng đã từng được nhắc đến với tên gọi như di lệnh, di ngôn, hay lệnh. Điều 388 Bộ luật Hồng Đức đề cập đến di lệnh của cha mẹ như sau: “Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em chị em tự chia nhau, thì lấy một phần hai mươi số ruộng đất làm phần hương hoả, giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau. [...] Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư, thì phải theo đúng, trái thì phải mất phần mình”.

Hiện nay, di chúc miệng là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của cá nhân về việc chuyển tài sản của mình của người khác sau khi chết[4], được quy định tại các Điều 629, 630 BLDS. Mặc dù đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, thực tế việc lập và thực hiện di chúc miệng hiện còn gặp nhiều khó khăn. Bài viết sẽ phân tích những điểm bất cập của quy định về di chúc miệng trong BLDS và đề xuất phương hướng hoàn thiện. 

2. Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện 

2.1. Người làm chứng di chúc miệng rơi vào trường hợp không được làm người làm chứng

Để di chúc miệng được coi là hợp pháp, một trong những điều kiện đó là người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Như vậy, sự có mặt của người làm chứng có vai trò quan trọng ngay từ bước đầu hình thành nên di chúc của người để lại di chúc miệng, nếu không có người làm chứng tại thời điểm di chúc miệng thì di chúc miệng mãi chỉ là những lời nói vô nghĩa. Chẳng hạn như trường hợp trong Bản án số 14/2006/DSPT ngày 15/02/2006 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh[5]: bà Hương (trung tá công an) và bà Lang (tổ trưởng dân phố) là hai người được nhờ làm chứng cho việc ông Nam lập di chúc miệng trước khi chết và Toà án phúc thẩm đã công nhận tính hợp pháp của di chúc này. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nguời làm chứng di chúc miệng lại rơi vào những đối tượng không được làm chứng theo quy định.

Điều 632 BLDS quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau: (i) người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; (ii) người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; (iii) người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS, người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; nếu xét theo khía cạnh quy mô gia đình hạt nhân (gồm hai thế hệ: vợ, chồng và con chung, loại hình gia đình chiếm số lượng không nhỏ hiện nay) thì tất cả các thành viên đều là người thừa kế theo pháp luật của nhau, vì vậy nếu có một thành viên để lại di chúc thì toàn bộ gia đình đều không thể là người làm chứng.

Như vậy là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người để lại di chúc miệng không thể là người làm chứng cho việc lập di chúc đó; nhưng thực tế vẫn có trường hợp người thừa kế lại là người chứng kiến di chúc miệng. Chẳng hạn, trong Quyết định số 11/2007/DS-GĐT ngày 05/4/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC[6], bà Tư trước khi chết có để lại trăng trối, được ba người là anh Tư (cháu bà Tư, người được cho là người thừa kế theo “di chúc miệng” của bà), ông Bảy (chồng bà Tư) và con ông Bảy làm chứng. Nếu theo quy định trên, ít nhất hai trong số ba người này (ông Bảy, con ông Bảy với tư cách là người thừa kế theo pháp luật của bà Tư) đều không thể làm chứng cho di chúc miệng của bà Tư và do đó di chúc miệng đó không hợp pháp. Trường hợp này thật sự là đáng tiếc vì nếu có căn cứ khác xác định lời trăng trối của bà Tư đúng là ý chí đích thực của bà thì vô hình trung việc không công nhận di chúc miệng đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thừa kế theo di chúc của bà Tư.

Những trường hợp tương tự như bà Tư không hiếm gặp trên thực tế. Trong lúc tính mạng đang bị cái chết đe doạ, một người nhiều khả năng chỉ có người thân là người trong gia đình bên cạnh, như vợ chồng, con cái… chẳng hạn như khi bệnh trở nặng tại nhà, tại bệnh viện mà không còn đường cứu chữa, người đang trong tình trạng “hấp hối” hầu như chỉ có thể nói vài lời cuối cùng với người thân đang túc trực bên mình. Hoàn cảnh ấy đôi khi khó có thể đòi hỏi gia đình đi tìm “người ngoài” để làm chứng, hoặc thậm chí gia đình cũng không hề biết đến quy định về điều kiện của người làm chứng di chúc hay quy định về di chúc miệng phải có người làm chứng. Như vậy là nếu người đang bị cái chết đe doạ kịp trăng trối, để lại lời di chúc bằng miệng thì ngoài những người thân trong gia đình không còn ai để làm chứng nên bất đắc dĩ họ phải trở thành người làm chứng và việc này đã vô tình vi phạm Điều 632 BLDS.

Cũng có thể xảy ra trường hợp một người gặp tai nạn trong chuyến đi cùng gia đình (chỉ gồm vợ, chồng và con) và chỉ kịp nhắn nhủ vài lời, khi đó không có một ai khác ngoài những người trong gia đình biết và ghi nhận lời dặn dò đó và điều này cũng vô tình vi phạm Điều 632 BLDS vì các thành viên gia đình hai thế hệ đều là người thừa kế theo pháp luật của nhau. Kể cả khi sau khi người chết trăng trối, người thân không thể làm chứng nhưng có chứng kiến việc để lại di chúc tiến hành thuật lại ý chí của người chết cho người khác là người làm chứng hợp pháp nghe và ghi chép lại thì cũng không phù hợp với quy định của BLDS, càng không bảo đảm đúng ý chí của người chết. Vì “lời nói gió bay” và nhất là người nói ra điều đó đã chết nên dễ bị người khác bóp méo[7], khó có thể giữ đúng nguyên bản của nó, trong khi đây lại là lời nói có hệ quả pháp lý tác động đến chủ thể khác.

Từ bất cập trên, nhóm tác giả kiến nghị: (i) Viện dẫn điều luật về điều kiện của người làm chứng di chúc (Điều 632 BLDS) vào trong quy định về hiệu lực của di chúc miệng (khoản 5 Điều 630 BLDS), cụ thể “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Người làm chứng cho di chúc miệng phải tuân theo quy định tại Điều 632 của Bộ luật này”. Sự bổ sung này giúp làm rõ tiêu chuẩn về người làm chứng một cách minh thị tại quy định về di chúc miệng, tránh trường hợp chỉ quan tâm quy định cụ thể về di chúc miệng mà bỏ sót những quy định liên quan.

(ii) Tăng cường công tác phổ biến pháp luật thừa kế nói chung và quy định về di chúc miệng đến từng hộ gia đình, trong từng tổ dân phố để nâng cao hiểu biết của người dân về hình thức di chúc đặc biệt này, hạn chế những trường hợp đáng tiếc như trường hợp của bà Tư nêu trên. Việc phổ biến có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, như loa phát thanh, bảng tin khu phố, tổ chức họp tổ dân phố, phổ biến tại các cuộc họp của Chi bộ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tại địa phương, tư vấn pháp luật tận nhà cho hộ dân có nhu cầu… nhưng cần phải bảo đảm hiệu quả trong việc tiếp cận được những đối tượng “thật sự cần thiết” như những gia đình có người lớn tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc các bệnh khác…

(iii) Nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng các thiết bị có chức năng thu âm, thu hình trong việc hỗ trợ người làm chứng khi làm chứng di chúc miệng. Cụ thể, nếu rơi vào trường hợp người làm chứng di chúc miệng lại là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người để lại di chúc, họ có thể một mặt vẫn thực hiện vai trò của người làm chứng theo quy định của BLDS, mặt khác dùng thiết bị thu âm, thu hình để ghi âm, ghi hình lại quá trình lập di chúc miệng, từ giai đoạn người bị đe doạ tính mạng thể hiện ý chí đến giai đoạn người làm chứng hoàn thành việc ký tên, điểm chỉ. Sự chính xác, tính trung thực của tài liệu ghi âm, ghi hình này do người làm chứng chịu trách nhiệm và họ có trách nhiệm chứng minh tính trung thực, nguồn gốc xuất xứ của những tài liệu này khi được Toà án yêu cầu. Trường hợp này, cần sửa đổi, bổ sung Điều 632 BLDS ngoại lệ đối với người làm chứng di chúc miệng có thể là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người chết và có sử dụng thiết bị thu âm, thu hình khi làm chứng di chúc miệng.

2.2. Việc xác nhận ý chí của người chết trong di chúc miệng gặp khó khăn

Ý chí của người quá cố chỉ có thể xác định rõ ràng khi ý chí đó được thể hiện một cách minh thị nhưng đối với di chúc miệng việc xác định dường như rất khó khăn, bởi lẽ di chúc miệng chỉ được luật cho phép khi tính mạng bị cái chết đe dọa mà không thể lập được di chúc bằng văn bản, vậy có thể hiểu di chúc miệng chỉ được lập khi đáp ứng điều kiện “tính mạng bị cái chết đe doạ” và “không thể lập được di chúc bằng văn bản”. Thêm vào đó, tại khoản 5 Điều 630 BLDS, di chúc miệng còn phải đáp ứng thêm điều kiện là lập “trước hai người làm chứng” và “người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ”. Theo quan điểm của nhóm tác giả, điều kiện tại khoản 5 Điều 630 BLDS là bất khả thi, vì có nhiều trường hợp người làm chứng không ghi lại ý chí người chết ngay tại thời điểm họ thể hiện ý chí cuối cùng, mà việc ghi chép được tiến hành trong vòng năm ngày làm việc sau đó (thời hạn để công chứng, chứng thực di chúc miệng theo khoản 5 Điều 630 BLDS); BLDS cũng không cụ thể hoá “ngay sau khi” được hiểu như thế nào, ngay lập tức lúc người chết nói lời trăng trối hay chỉ cần sau thời điểm đó và trong thời hạn năm ngày làm việc?

Đối với trường hợp ghi chép trong thời hạn vừa nêu, theo lý thuyết đường cong lãng quên Ebbinghaus, khả năng ghi nhớ là 100% tại thời điểm học bất kỳ thông tin cụ thể nào. Tuy nhiên, nó giảm nhanh chóng xuống 40% trong những ngày đầu tiên. Sau đó, tốc độ duy trì trí nhớ lại chậm lại[8]. Như vậy, khả năng người làm chứng ghi nhớ hết những nội dung của di chúc miệng và chuyển hoá chúng vào văn bản giảm đi theo từng ngày và điều này làm cho tính chính xác của di chúc miệng được ghi chép vài ngày sau khi người chết di chúc không được bảo đảm. Do đó, việc nhớ một cách chi tiết lại ý chí mà người quá cố di chúc miệng là điều không thể; hơn nữa, việc nhớ và ghi chép lại di chúc miệng lại càng khó khăn trong trường hợp cả hai người làm chứng lại có sự mâu thuẫn nhau trong trí nhớ.

Thêm vào đó, sự khách quan của người làm chứng cũng không thực sự khả thi nếu trong trường hợp cả hai người làm chứng thông đồng để thay đổi nội dung di chúc, bởi lẽ ở khoản 5 Điều 630 BLDS 2015 chỉ đề cập công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực “xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”, công chứng viên và cơ quan có thẩm quyền chứng thực chỉ kiểm tra đó có phải là chữ ký của người làm chứng ghi chép lại nội dung di chúc miệng hay không chứ không thể kiểm tra nội dung di chúc miệng có đúng với ý chí của người quá cố hay không, vì công chứng viên và cơ quan có thẩm quyền chứng thực không có cơ sở để đối chiếu xác minh ý chí người quá cố.

Để xác định ý chí của người quá cố lập di chúc miệng, trong thực tiễn xét xử Tòa án tại Bản án số 14/2006/DSPT ngày 15/02/2006 của Toà phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu trên còn xác định ý chí của người thân thích, cụ thể như sau: “Tại phiên Tòa sơ thẩm, Linh cùng các nhân chứng đã xuất trình bản thảo do bà  Lang viết nhưng cấp sơ thẩm nhận định rất đơn giản là chưa đủ căn cứ để xác định là bản chính, không đưa ra lập luận chặt chẽ để bác bỏ chứng cứ, không chú ý đến nhân thân, tư cách của người làm chứng, không quan tâm đến bản tường trình của ông Trung tại bút lục số 189: “[…] nội dung của di chúc ngày 6/2/2002 là hoàn toàn phù hợp với ý chí của ba tôi lúc còn sống””. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Linh và bà Tỵ đối với di chúc miệng của ông Nam, Toà phúc thẩm đã xác định lời khai ông Trung là con của ông Nam để kết luận di chúc miệng có phù hợp với ý nguyện cuối cùng của ông Nam hay không. Theo nhóm tác giả, hướng xét xử này rất thuyết phục bởi lẽ những người thân thích với người quá cố ít nhiều sẽ nghe được những lời tâm sự, những ước mong của họ khi họ không còn trên đời và việc xác định ý chí của người quá cố thông qua người thân thích cũng là điều chấp nhận được. Nhóm tác giả đề xuất bổ sung phương thức xác minh ý chí người quá cố trong di chúc miệng bằng lời khai của những người thân thích và xem đó là một “chứng cứ” trong việc xác định ý chí của người chết trong di chúc miệng.

2.3. Kinh nghiệm pháp luật nước ngoài về di chúc miệng

So sánh với các quy định của Luật Thừa kế Trung Quốc 1985 tại Điều 17, ngoài ghi nhận di chúc miệng, pháp luật thừa kế của Trung Quốc còn ghi nhận di chúc chưa được pháp luật thừa kế Việt Nam ghi nhận đó là di chúc được ghi lại trong băng âm thanh hay video với ít nhất hai người làm chứng[9]. Theo nhóm tác giả, quy định này khá hay mà pháp luật của chúng ta nên học hỏi, bởi lẽ trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, việc thu âm hay ghi hình là chuyện hết sức bình thường[10], chúng ta nên ứng dụng những thành tựu của công nghệ vào pháp luật để pháp luật không bị lạc hậu so với sự phát triển của xã hội và điều này cũng đã được nhóm tác giả nêu ở kiến nghị (iii) ở phần trên.

Việc vận dụng các thiết bị, công nghệ ghi âm, ghi hình là cần thiết trong việc xác định ý chí của người quá cố, bởi như đã phân tích, việc ghi nhớ lâu của người làm chứng là bất khả thi, đôi khi giữa những người làm chứng còn xảy ra mâu thuẫn về trí nhớ của mình; thêm vào đó là sự khách quan trong nội dung ghi chép của di chúc miệng là khó có thể bảo đảm được. Do đó, sử dụng thiết bị, công nghệ ghi âm, ghi hình là cách đảm bảo chính xác ý chí của người quá cố. Tuy nhiên, việc sử dụng các công nghệ ghi âm, ghi hình cũng phải rõ ràng và dự liệu các trường hợp ghi âm, ghi hình xâm phạm đến ý chí của người lập di chúc. Giải pháp tốt nhất là nhà làm luật cần nghiên cứu áp dụng ghi âm, ghi hình trong xác định ý chí của người lập di chúc về các trường hợp không được sử dụng ghi âm, ghi hình, về điều kiện chất lượng âm thanh, video, … như đã đề cập ở phần trên.

Chúng ta cũng có thể tham khảo kinh nghiệm về tính hợp pháp của di chúc miệng ở Thái Lan - quốc gia có nhiều nét tương đồng về điều kiện văn hoá, xã hội với nước ta. Điều 1663 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan[11] có quy định về vai trò của cơ quan nhà nước trong quá trình hình thành di chúc miệng hợp pháp, theo đó, người lập di chúc miệng cũng phải rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt (đang có nguy hiểm chết người đến nơi, hoặc trong thời gian chiến tranh hoặc dịch bệnh, một người bị ngăn trở trong việc lập di chúc của mình dưới bất kỳ dạng nào khác trong số những hình thức đã quy định); trên cơ sở đó họ thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng có mặt cùng một lúc. Những người làm chứng này phải trình diện ngay trước một cơ quan nhà nước gọi là Kromakarn Amphoe và khai rõ trước người đó những việc định đoạt mà người lập di chúc đã tuyên bố bằng miệng với họ, cũng như ngày tháng, nơi và hoàn cảnh đặc biệt khi di chúc đó được lập; Kromakarn Amphoe sẽ là chủ thể ghi nhận lại lời khai của những người làm chứng và người làm chứng cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản ghi nhận đó.

Pháp luật dân sự Việt Nam có thể ghi nhận điều kiện để di chúc miệng được coi là hợp pháp trên cơ sở tham khảo pháp luật dân sự Thái Lan nêu trên, theo đó, trường hợp những người làm chứng có mặt tại thời điểm một người thể hiện ý chí cuối cùng mà có điều kiện tiếp cận công chứng viên, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực khác ngay sau khi người chết thể hiện ý chí cuối cùng thì phải đến ngay một trong những cơ quan này để họ ghi nhận ý chí cuối cùng đó, đồng thời ghi nhận thời gian, địa điểm và hoàn cảnh lập di chúc miệng. Sau khi Công chứng viên, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực ghi nhận di chúc miệng, những người làm chứng ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản đó. Lúc này, không chỉ chữ ký, điểm chỉ của người làm chứng được công chứng, chứng thực mà cả nội dung di chúc cũng như việc người làm chứng ký, điểm chỉ cũng có cơ sở rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp người làm chứng không thể tiếp cận các cơ quan công chứng, chứng thực nêu trên thì người làm chứng tiến hành việc ghi chép và công chứng, chứng thực di chúc miệng như quy định hiện hành tại Điều 629, 630 BLDS 2015.

Theo pháp luật thừa kế của bang New South Wales (Úc) không có quy định về di chúc miệng, tuy nhiên Đạo luật Thừa kế 2006 có ghi nhận di chúc bằng ghi âm, ghi hình. Theo Điều 6[12], một di chúc sẽ có hiệu lực nếu như: được lập thành văn bản và có chữ ký của người lập di chúc hoặc bởi một số người khác trước sự chứng kiến ​​và chỉ đạo của người lập di chúc; và chữ ký do người lập di chúc lập hoặc thừa nhận với sự có mặt của 2 người làm chứng trở lên có mặt đồng thời; và ít nhất 2 người trong số những người làm chứng chứng thực và ký tên vào di chúc trước sự có mặt của người lập di chúc.

Tuy nhiên, Điều 8 của đạo luật này cho phép Toà án loại trừ những điều kiện như trên ở Điều 6, theo đó Tòa án có thể chấp nhận một “tài liệu” (document) “có mục đích nêu rõ ý định lập di chúc của người quá cố”, với điều kiện Tòa án thấy rằng người quá cố dự định “tài liệu” đó để tạo thành một phần di chúc của họ (hoặc thay đổi hoặc thu hồi Di chúc của họ). Và định nghĩa về cụm từ “tài liệu” được đạo luật giải thích 1987 tại Điều 21 định nghĩa theo đó “tài liệu” này không cần phải thể hiện dưới hình thức văn bản. Chúng bao gồm bất kỳ thứ gì có chứa “dấu hiệu, hình, biểu tượng” có ý nghĩa, bất kỳ thứ gì như  “âm thanh, hình ảnh hoặc chữ viết” hoặc “bản đồ, kế hoạch, bản vẽ hoặc ảnh chụp”[13].

Thực tiễn xét xử ở bang NSW, Toà án cũng đã chấp nhận di chúc bằng ghi âm, ghi hình. Re Estate of Wai Fun Chan Deceased [2015] NSWSC 1107[14] là trường hợp đầu tiên Tòa án tối cao NSW chấp nhận di chúc dưới hình thức ghi âm, ghi hình.

Người quá cố đã để lại di chúc chính thức được viết và ký tên vào ngày 6 tháng 3 năm 2012. Hai ngày sau, cô ấy thực hiện một bản ghi DVD trong đó cô ấy đưa ra những ý định lập di chúc khác với những ý định trong di chúc chính thức của mình. Cô ấy không thể quay lại văn phòng công chứng để sửa đổi di chúc đã viết của mình. Cô đã được cảnh báo rằng đoạn video có thể không có giá trị pháp lý.

Tòa án cho rằng di chúc là một “tài liệu” theo Điều 8 của Đạo luật Thừa kế 2006, vì đĩa DVD chứa “âm thanh, hình ảnh hoặc chữ viết”. Đoạn video đã được thừa nhận là một bản viết tắt (sửa đổi/bổ sung) cho di chúc chính thức ngày 6 tháng 3 năm 2012 của cô ấy.

Theo tác giả, việc ghi nhận di chúc miệng dưới hình thức ghi âm, ghi hình là rất cần thiết khi một người đang trong tình trạng không thể nhanh chóng cầm bút viết những lời cuối cùng vào giấy tờ mà chỉ có điện thoại hoặc những thiết bị thông minh kế bên. Sẽ có ý kiến cho rằng, việc ghi nhận di chúc dưới hình thức này sẽ dễ xảy ra những tiêu cực không đáng có, tuy nhiên theo quan điểm của tác giả, chấp nhận di chúc bằng hình thức ghi âm, ghi hình nhưng vẫn sẽ đặt ra một số điều kiện để xác thực đoạn ghi âm, ghi hình đó có phải do chính ý chí người quá cố không và điều này chúng ta nên trao cho đội ngũ Toà án xác định hoặc di chúc bằng ghi âm, ghi hình chỉ được xem là yếu tố phụ khi người làm chứng ghi âm, ghi hình lại những lời nói của người quá cố để ghi lại thành văn bản và sau thời gian luật định người làm chứng sẽ nộp cả đoạn ghi âm, ghi hình đó kèm theo văn bản cho cơ quan có thẩm quyền là phù hợp nhất.

3. Kết luận

Như vậy, việc quy định di chúc miệng là điều hợp lý, phù hợp với truyền thống pháp lý từ xa xưa cũng đã ghi nhận di chúc miệng. Tuy nhiên, những quy định về di chúc miệng trong BLDS đặt ra những điều kiện chặt chẽ nhằm bảo đảm ý chí của người quá cố là hợp lý và cần thiết, nhưng nếu xét cụ thể điều kiện để bảo đảm di chúc miệng có hiệu lực pháp luật thì vẫn còn nhiều điều kiện quá khắt khe[15] và thực tiễn áp dụng cũng không thống nhất. Do đó, trong tương lai hy vọng sẽ có sự sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng cởi mở hơn nhưng vẫn bảo đảm tính xác thực ý chí của người quá cố, hoặc sẽ có án lệ thuyết phục về vấn đề này.

 

Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà, Thái Bình xét xử vụ tranh chấp thừa kế - Ảnh: Thu Giang

 

[1]Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

[2] Phạm Thị Thi, “Một số vấn đề về chế định thừa kế theo di chúc trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6, 2017, tr. 33.

[3] Điều 624 BLDS 2015.

[4] Đỗ Nguyễn Ngọc Bích, Hình thức di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự, Khoá luận tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 22.

[5] Tham khảo Đỗ Văn Đại (2019), Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (xuất bản lần thứ tư), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 580 – 582.

[6] Xem thêm Đỗ Văn Đại (2019), Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (xuất bản lần thứ tư), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 589, 590, 597.

[7] Đỗ Văn Đại (2019), Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (xuất bản lần thứ tư), Nxb. Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 597.

[8] Acabiz, Đường cong lãng quên, https://acabiz.vn/blog/duong-cong-lang-quen-ebbinghaus-la-gi, truy cập ngày 26/02/2022.

[9] Article 17: “A will made in the form of a sound-recording shall be witnessed by two or more witnesses” (Tạm dịch: Một di chúc được xác lập dưới hình thức của một băng ghi âm thanh phải được làm chứng bởi hai hoặc nhiều người làm chứng), https://colnuovo.unipv.it/matdida/LawSuccessionPRC.pdf, 26/2/2022.

[10] Lê Mai Chi (2019), Hình thức của di chúc, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr. 74.

[11] ประมวลกฎหมายแพ่งและพาณิชย์ (The Thailand Civil and Commercial Code), https://www.samuiforsale.com/law-texts/thailand-civil-code-part-1.html, truy cập ngày 26/02/2022.

[12] https://legislation.nsw.gov.au/view/whole/html/inforce/current/act-2006-080#statusinformation

[13] https://legislation.nsw.gov.au/view/html/inforce/current/act-1987-015#sec.21

[14] http://www.familylawexpress.com.au/family-law-decisions/inheritance/wills/re-estate-of-wai-fun-chan-deceased-2015-nswsc-1107/

[15] Nguyễn Thanh Thư, Hình thức di chúc miệng, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 02 (132), 2020, tr. 31.

NGUYỄN HOÀNG BÁ HUY - MẠCH HỒNG PHƯƠNG (Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)