Bất cập trong quy định về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và một số kiến nghị hoàn thiện

Tội phạm ma túy hiện nay diễn biến vẫn rất phức tạp, công tác phòng chống, điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là khi xem xét tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, còn có những vướng mắc.

1. Quy định của BLHS năm 2015 về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy

Tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 256 BLHS năm 2015, so với quy định tại Điều 198 BLHS 1999 thì nhà làm luật đã có những sửa đổi, bổ sung nhất định, ở một số tình tiết định khung như “phạm tội 02 lần trở lên” thay cho “phạm tội nhiều lần”; “đối với 02 người trở lên” thay cho “đối với nhiều người”; “đối với người dưới 16 tuổi” thay cho “đối với trẻ em”.

Cụ thể, tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 256 BLHS 2015 như sau:

Khoản 1: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của BLHS. Trong đó, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi của người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vẫn cho họ mượn hoặc thuê địa điểm đó để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ về sử dụng chất ma túy.

 “Có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” là trường hợp người có địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc do mình quản lý, biết người khác (không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của mình) là đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không cho họ thuê, mượn địa điểm, nhưng lại để mặc cho họ hai lần sử dụng trái phép chất ma túy trở lên hoặc để mặc cho nhiều người sử dụng trái phép chất ma túy.

Khoản 2: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi thuộc các trường hợp sau:

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” được hiểu là người phạm tội đã dựa vào chức vụ, quyền hạn mà mình được đảm nhiệm để thực hiện hành vi phạm tội.

- Phạm tội 02 lần trở lên, được hiểu là đã có từ 02 lần phạm tội trở lên (hai lần chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy trở lên) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Đối với người dưới 16 tuổi, được hiểu là hành vi phạm tội trong đó người phạm tội đã chứa chấp người dưới 16 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy.

- Đối với 02 người trở lên, được hiểu là trong một lần phạm tội, người phạm tội đã thực hiện tội phạm đối với từ hai người trở lên (ví dụ: Trong một lần phạm tội chứa chấp từ hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma túy).

- Tái phạm nguy hiểm, được hiểu là người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 256 BLHS hoặc trường hợp người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 256 BLHS.

Khoản 3: Hình phạt bổ sung, trong từng trường hợp, khi phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. Bất cập

BLHS năm 2015 đã có hiệu lực pháp luật hơn 03 năm, tuy nhiên, hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành BLHS năm 2015 đối với một số tội hiện còn chưa được ban hành, trong đó có tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, với tình hình tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên việc xử lý đối với nhóm tội này hiện nay là hết sức khó khăn, có nhiều vướng mắc và nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng như vấn đề áp dụng pháp luật, về hiệu lực của các văn bản hướng dẫn… Nhiều cơ quan vẫn vận dụng hệ thống các văn bản hướng dẫn BLHS năm 1999 để xử lý đối với loại tội phạm này, từ đó dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:

Thứ nhất, điểm c khoản 2 Điều 256 BLHS năm 2015 quy định: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: ... d) Đối với 02 người trở lên;”.

Theo tác giả, quy định này về mặt câu chữ và kỹ thuật lập pháp có điểm chưa phù hợp, vì chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý đối với 2 người trở lên không giống như đối với các trường hợp phạm tội “Đối với 2 người trở lên” như trong các tội danh khác của BLHS (Ví dụ: Điều 133. Tội đe dọa giết người: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Đối với 02 người trở lên”). Vì đối với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì người sử dụng ma tuý không phải là bị hại trong vụ án, nhiều trường hợp xác định họ là người phạm tội (mua bán, tàng trữ trái phép ma túy...). Mặt khác, dấu hiệu định khung này chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Thứ hai, về khái niệm chất ma túy vẫn được quy định rải rác trong nhiều văn bản như Luật Phòng, chống ma túy, Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng chương xviii "các tội phạm về ma túy" của BLHS năm 1999 mà chưa có một quy định nào khái quát được toàn bộ và nêu ra thế là là “chất ma túy” thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, mà nó cần phải đủ những yếu tố nhất định như: chất, trọng lượng, thể tích, hàm lượng, mới trở thành đối tượng tác động của tội phạm ma túy. Do đó, cần phải có một khái niệm chung, khái quát được những yếu tố của “chất ma túy” thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hình sự, chứ không phải là khái niệm “chất ma túy” dùng chung trong tất cả lĩnh vực y khoa, khoa học, pháp luật...và cần được quy định thành một điều luật riêng trong chương Các tội phạm về ma túy của BLHS.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện

3.1. Hoàn thiện pháp luật

Một là, tác giả kiến nghị cần xây dựng lại điểm này theo hai hướng sau:

Phương án 1: Sửa đổi tình tiết “Đối với 02 người trở lên” thành tình tiết “chứa chấp việc sử dụng ma túy trong cùng một thời điểm, cùng một lần với 02 người trở lên” là tình tiết định khung tăng nặng theo điểm c, khoản 2.

Phương án 2: Gộp hai tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” và phạm tội “đối với 02 người trở lên” thành tình tiết "phạm tội từ 02 lần trở lên đối với cùng 01 người hoặc đối với từ 02 người trở lên" tương tự như cách quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS năm 1999 trước đây.

Hai là: Bổ sung khái niệm chất ma túy trong nhóm tội phạm ma túy:

Từ sự phân tích nêu trên, tác giả nhận thấy cần thiết phải xây dựng Điều luật riêng trong chương tội phạm về ma túy để đưa ra khái niệm về chất ma túy, như sau:

Điều...: Khái niệm chất ma túy

Chất ma túy mà Bộ luật này điều chỉnh là các chất gây nghiện, chất hướng thần nằm trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ ban hành ở dạng tự nhiên hoặc dạng tổng hợp, có trọng lượng, thể tích, hàm lượng nhất định theo quy định của pháp luật[1].

Thứ ba, điểm a khoản 2 Điều 256 quy định các tình tiết định khung tăng nặng: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn...”, tuy nhiên trong thực tế hầu như không có trường hợp nào không lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi phạm tội mà đối tượng lợi dụng nghề nghiệp của mình để thực hiện phạm tội. Đó là trường hợp người phạm tội đã sử dụng nghề nghiệp của mình để thuận tiện cho việc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và cũng dễ dàng che giấu tội phạm, như: Mở quán kinh doanh karake hoặc nhà nghỉ lợi dụng việc này để cho thuê cho mượn địa điểm nhằm chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy mà không ai biết, không ai kiểm tra. Đây là hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn bình thường.

Do vậy, theo tác giả để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, nhà làm luật nên bổ sung vào cấu thành tội phạm khoản 2 tình tiết định khung tăng nặng “Lợi dụng nghề nghiệp để phạm tội”.

3.2. Ban hành văn bản hướng dẫn tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy

Hiện nay, đối với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, cơ quan tiến hành tố tụng đang tham khảo, áp dụng 2 văn bản chính trong việc giải quyết vụ án là Thông tư liên tịch Số: 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015; Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP Ngày 24/12/2007; Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/3/2001 Hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 BLHS năm 1999. Tuy nhiên các văn bản này đều là văn bản hướng dẫn BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), trong khi đó hiện nay BLHS năm 1999 đã bị thay thế bằng BLHS năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018) do đó, trong thời gian tới, theo tác giả cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn trong đó có thể có các nội dung sau:

Thứ nhất, quy phạm hóa hướng dẫn tại Công văn số 02/2021/TANDTC –PC ngày 02/8/2021 về nội dung giải đáp số 6 phần hình sự (đã được trình bày bên trên) bởi Công văn giải đáp của TANDTC không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó đây chỉ là văn bản hướng dẫn trong nội bộ hệ thống Tòa án, dẫn đến trường hợp có thể không thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Do đó, trong thời gian tới, để việc áp dụng được thống nhất, thể hiện vai trò của Tòa án trong áp dụng, thống nhất pháp luật, Hội đồng thẩm phán TANDTC cần ghi nhận nội dung trên thành quy phạm trong Nghị quyết hướng dẫn về việc xét xử các tội phạm ma túy nói chung và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng.

 Quy định cụ thể trong mục 1.4, Phần I, Thông tư 08/2015 trường hợp nào thì Tòa án tiến hành giám định lại, giám định bổ sung để xác định hàm lượng chất ma túy. Mặc dù, ngày 11/12/2015 thì TANDTC ban hành công văn số 315/TANDTC-PC hướng dẫn: “... Tòa án...giám định bổ sung hoặc giám định lại để xác định hàm lượng chất ma túy, tiền chất làm căn cứ xác định đúng trọng lượng chất ma túy, tiền chất nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Những vụ án ma túy mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt có mức án từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; b) Những vụ án mà trong giai đoạn xét xử, Tòa án xét thấy có đủ căn cứ để xác định người thực hiện hành vi phạm tội đã pha trộn các chất không phải là chất ma túy, tiền chất vào chất ma túy, tiền chất”[2].

Tuy nhiên, hướng dẫn nêu trên chỉ là hướng dẫn mang tính nghiệp vụ của ngành Tòa án, không phải là văn bản pháp luật áp dụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng, do vậy dễ phát sinh các quan điểm khác nhau khi xử lý hành vi Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi phạm tội về ma túy khác. Do vậy, theo tác giả thời gian tới nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, phạm vi giám định trên.

Thứ hai, sửa đổi các nội dung trong Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 3 năm 2001 phù hợp với thực tiễn tình hình tội phạm về ma túy hiện nay. Bởi Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP đã được ban hành, áp dụng hơn 20 năm, trong khi đó cá quan hệ xã hội luôn vận động và thay đổi, tình hình tội phạm nói chung và tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng diễn biến thay đổi lớn cả về số lượng ma túy, tính chất, hành vi phạm tội, do đó việc hướng dẫn giới hạn định lượng số lượng ma túy để quyết định hình phạt có nhiều điểm không còn phù hợp.

 

Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp, Ninh Bình xét xử vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy - Ảnh: Tố Lan


[1] Phạm Minh Tuyên (2013), Các tội phạm về ma túy ở Việt Nam cơ sở lý luận và thực tiễn xét xử (tài liệu tham khảo dùng cho các Thẩm phán, thư kí Tòa án), Nxb Hồng Đức

[2] Tòa án nhân dân tối cao (2015), Công văn số 315/TANDTC-PC ngày 11 tháng 12 năm 2015, Hà Nội.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA (Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Ninh)