Bất cập trong quy định về xác định tuổi của người làm chứng dưới 18 tuổi

BLTTHS sự 2015 ra đời góp phần sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS năm 2003, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần bổ sung và hướng dẫn để bảo đảm cho việc áp dụng thống nhất pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong đó có việc chưa quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Khoản 1, 2 Điều 66 BLTTHS 2015 quy định về người làm chứng như sau:

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. 

Những người sau đây không được làm chứng: a) Người bào chữa của người bị buộc tội; b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn…”.

Theo quy định trên thì người dưới 18 tuổi cũng có thể xác định là người làm chứng, kể cả trẻ em, miễn là đáp ứng đủ điều kiện của người làm chứng trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên trên thực tế, trẻ em (ví dụ dưới 6 tuổi) có được xem là người làm chứng hay không còn nhiều quan điểm khác nhau. Pháp luật tố tụng hình sự quy định như vậy nhưng có ý kiến vẫn cho rằng tuy BLTTHS quy định các trường hợp không được làm chứng nhưng không có nghĩa độ tuổi nào (không thuộc trường hợp bị cấm) cũng đều có thể là người làm chứng. Bởi về nguyên tắc, một cá nhân có thể xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật thì họ phải là người có năng lực hành vi dân sự. Trong khi năng lực hành vi chỉ được pháp luật thừa nhận khi đã đạt đến một độ tuổi nhất định.

Tuy nhiên quan điểm khác cho rằng theo quy định tại Điều 66 BLTTHS 2015 thì không quy định độ tuổi của người làm chứng vì vậy, trẻ em cũng có thể là người làm chứng. Mặt khác, năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 19 BLDS 2015 được hiểu là “Khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Còn năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định rõ tại khoản 3 Điều 16 BLDS 2015: “Có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”. Chỉ cần lưu ý, khi lấy lời khai người làm chứng là người chưa thành niên cần phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tác giả cho rằng quan điểm thứ hai hợp lý hơn. Tuy nhiên vướng mắc ở đây chính là tố tụng hình sự chưa quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi.

Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự được quy định tại Phần thứ bảy Chương XXVIII của BLTTHS năm 2015. Thủ tục tố tụng này chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi; và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.

Người làm chứng là người tham gia tố tụng được quy định tại khoản 1, 2 Điều 66 BLTTHS năm 2015. Khi tiến hành tố tụng có người làm chứng là người dưới 18 tuổi bắt buộc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy định về thủ tục đặc biệt của BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, trong thực tiễn không phải mọi trường hợp đều có thể xác định một cách rõ ràng, chính xác tuổi của người làm chứng dưới 18 tuổi. Chẳng hạn như giấy khai sinh chỉ ghi năm sinh, hoặc họ không có giấy khai sinh hoặc họ bị thất lạc giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân khác… Như vậy, vấn đề là làm thế nào cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định được người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Hiện tại BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi tại Điều 417 mà không có quy định về xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuồi. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan, người có thầm quyền tiến hành tố tụng khi tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự.

Theo ý kiến tác giả, nên quy định luôn cách xác định tuổi của người làm chứng là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 417 BLTTHS 2015.

Nhân chứng tại một phiên tòa hình sự – Ảnh : PNVN

 

 

Ths NGUYỄN ANH CHUNG (Tòa án quân sự Quân khu 5)