Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch, phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đại diện một số tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình tháng 4 và quý II

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/ 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý I/2024; báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; cùng một số nội dung quan trọng khác.

Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tháng 3 và quý I có gì mới nổi lên; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương; những kết quả đạt được; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; nhận định tình hình tháng 4 và quý II; đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.

 

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến với địa phương- Ảnh 2.

Đầu cầu các địa phương tham dự phiên họp 

Theo các báo cáo, trong tháng 3 và từ đầu năm đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện; kết quả tháng 3 cao hơn tháng 1 và tháng 2, tình hình quý I/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ và cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đối ngoại được đẩy mạnh. Uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện "Năm đẩy mạnh"

 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các đánh giá tại phiên họp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để chắt lọc, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù kết quả đạt được là cơ bản, nhưng nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.

Thứ nhất, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng. Trong đó lưu ý tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới cần tiếp tục được theo dõi, điều hành linh hoạt, kịp thời, phù hợp.

Thứ hai, một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Lưu ý số máy bay hoạt động thương mại đến cuối tháng 3/2024 giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong khi nhu cầu sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và dịp hè sắp tới.

Thứ ba, hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm.

Thứ tư, về đầu tư công, còn 32.000 tỷ đồng chưa phân bổ; có nguy cơ thiếu cát san lấp nền cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam. Công tác ban hành kế hoạch, triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt còn chậm.

Thứ năm, trật tự an toàn xã hội một số địa bàn và tình hình tội phạm, nhất là tội phạm mạng diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông tăng; vẫn còn những vụ tai nạn, cháy nổ nghiêm trọng. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL và khả năng bùng phát các dịch bệnh ở người như sởi, ho gà, bệnh dại gia tăng khá nhanh.

Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện "Năm đẩy mạnh":

(1) Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…).

(2) Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

 

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuyệt đối không tạo thêm rào cản cho người dân, doanh nghiệp; xử lý, giải quyết các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài.

(3) Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…; chuẩn bị tốt các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

(4) Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao thành chương trình, dự án cụ thể.

(5) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tất cả các cấp, các ngành.

Giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương với mốc thời hạn hoàn thành cụ thể, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại các kiến nghị của địa phương để các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền; với các vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công làm việc trực tiếp với các bộ ngành để xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

PVA

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp - Ảnh: Nhật Bắc