BHXH Việt Nam: Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thời gian dịch Covid-19

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức cuộc họp nắm bắt tình hình triển khai nhiệm vụ và cho ý kiến chỉ đạo thực hiện trong bối cảnh cách ly xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục chủ động xây dựng phương án điều hành phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Công tác tổ chức thực hiện các chính sách đảm bảo thông suốt

Từ đầu năm 2020 tới nay, nhất là thời gian cao điểm thực hiện cách ly xã hội, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cơ bản được đảm bảo thông suốt. Tính đến hết tháng 3, toàn Ngành đã giải quyết 30.036 hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; đảm bảo chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho khoảng 3,2 triệu người; giải quyết cho 126.949 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); số lượt khám chữa bệnh BHYT lũy kế từ đầu năm đến nay lên tới trên 40 triệu lượt.

Tính đến hết tháng 3/2020, số người tham gia BHXH lũy kế đạt khoảng 15,41 triệu người. Trong đó gồm: 14,841 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 533 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 13,06 triệu người tham gia BHTN; 85,054 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số. Trong tháng 3, toàn Ngành thu BHXH, BHYT đạt 33.940 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm thu 87.756 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) của BHXH các tỉnh, thành phố khoảng 20.242 tỷ đồng. Toàn quốc đã cấp được 15,32 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,45% trên tổng số đối tượng tham gia BHXH, cấp được 85 triệu thẻ BHYT. Tính đến thời điểm 31/3, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động (NLĐ)…

BHXH Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn lập dự toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đơn vị, tổ chức, DN trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Hướng dẫn sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc sát trùng chống dịch; thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo yêu cầu của Chính phủ, BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo thực hiện việc cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mạn tính, điều trị dài ngày; chỉ đạo chi trả gộp lương hưu tháng 4 và tháng 5 tại nhà, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường…

Tiếp tục bảo đảm chặt chẽ quyền lợi cho người dân

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị: Ban Thu, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm CNTT, Vụ KH-ĐT… đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị; đồng thời phân tích, làm rõ tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, các Phó Tổng Giám đốc đã cho ý kiến chỉ đạo chi tiết ở các mảng nội dung công việc quan trọng, liên quan đến công tác thu, phát triển đối tượng, giải quyết chế độ chính sách cho người dân, NLĐ…

Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã quán triệt tiếp tục bảo đảm chặt chẽ quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân, NLĐ, tạo nền tảng bảo đảm vững chắc an sinh xã hội trước tác động của dịch bệnh. Theo đó, do tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam sẽ kịp thời có chỉ đạo các nội dung công việc phù hợp với yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân, vừa bảo đảm an toàn theo đúng nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, trên cơ sở diễn biến thực tế tình hình trong 3 tháng vừa qua, các đơn vị chuyên môn cần khẩn trương báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 ở từng lĩnh vực chuyên môn (thu, chi, giải quyết chế độ…); từ đó đề ra các phương án, biện pháp khắc phục, giảm thiểu tác động ở mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, các kế hoạch, nhiệm vụ đã được xây dựng theo năm, cần tính toán để điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế, có phương thức thực hiện linh hoạt theo yêu cầu chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đào Việt Ánh khẳng định: “Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành xây dựng phương án điều hành trong thời điểm này. Chính vì vậy, các đơn vị cũng cần nhanh chóng xây dựng phương án điều hành tại địa phương theo 3 cấp độ nguy cơ mà Thủ tướng Chính phủ đã xác định; đồng thời cần lên báo cáo chi tiết tác động về công tác thu, chi… qua đó, đưa ra những điều chỉnh phù hợp”.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố cần nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ; quản lý, điều hành, phân công công việc hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị, bảo đảm chặt chẽ quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân, NLĐ trên địa bàn.

TUỆ LÂM