Bị cáo bị sảy thai trước hoặc trong khi xét xử thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ
Sau khi đọc bài viết “Có thai khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú có được hưởng tình tiết giảm nhẹ Người phạm tội là phụ nữ có thai?” của tác giả Đỗ Thành Thắng và nghiên cứu các quy định của pháp luật. Tôi cho rằng nếu bị cáo bị sảy thai trước hoặc trong khi tiến hành xét xử thì Hội đồng xét xử có quyền xem xét, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo.
Thứ nhất, về vấn đề áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, trong trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai:
Tại mục I, khoản 9 Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử thì: “Quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với bị cáo”.
Như vậy, có thể thấy rằng, đối với quy định của pháp luật hiện hành thì việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” là không phân biệt người phụ nữ “có thai” ở thời điểm trước hoặc sau khởi tố.
Thứ hai, về vấn đề áp dụng tình tiết giảm nhẹ trên đối với trường hợp bị sảy thai, tác giả xin nêu ra 2 ví dụ sau:
Ví dụ 1: Bị cáo B có thai, Tòa án áp dụng tình tiết giảm nhẹ“Người phạm tội là phụ nữ có thai”, sau khi bản án có hiệu lực B bị sảy thai. Đối với trường hợp này, B vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ và tiếp tục thi hành bản án.
Ví dụ 2: Bị cáo B có thai, và bị sảy thai trước ngày đưa vụ án ra xét xử.
Đối với trường hợp này, tác giả có quan điểm như sau:
Một là: Cần khẳng định rằng, theo tinh thần của pháp luật hiện hành, khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đóng vai trò là người “cầm cân nảy mực”, có quyền xem xét các tình tiết có phù hợp hay không phù hợp để áp dụng là tình tiết giảm nhẹ. Quy định đó được thể hiện rõ tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015, khi Tòa án có thể coi tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Hai là: Việc không phân biệt người phụ nữ “có thai” ở thời điểm trước hoặc sau khởi tố là bởi vì về mặt bản chất, tại thời điểm đưa vụ án ra xét xử, bản thân bị cáo vẫn đang là người “có thai”, vẫn phù hợp khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai”. Đây là một chế định nhân đạo với tinh thần là hướng tới việc bảo vệ toàn diện quyền và lợi ích của trẻ em.
Ba là: Không phải lúc nào việc “có thai” cũng sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như nhau, mà như đã đề cập ở trên, với vai trò và trách nhiệm của mình, khi xét xử, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào thực tiễn xét xử để áp dụng mức độ giảm nhẹ hình phạt (thời kỳ mang thai của người phạm tội, sự ảnh hưởng của tình trạng mang thai đến việc thực hiện tội phạm…). Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra hình phạt thích đáng đối với người phạm tội khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
Từ các lý do trên, có thể thấy rằng, tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” theo điểm n khoảng 1 Điều 51 BLHS 2015, là một chế định mang tính nhân đạo, với mục đích bảo vệ toàn diện quyền và lợi ích của trẻ em. Điều kiện tiên quyết để Hội đồng xét xử xem xét, áp dụng tình tiết này đó là khi tiến hành xét xử, bị cáo phải đang là người “có thai”.
Chính vì lẽ đó, nếu bị cáo bị sảy thai trước hoặc trong khi tiến hành xét xử thì Hội đồng xét xử có quyền xem xét, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo theo đúng tinh thần của pháp luật.
Vậy, đối với trường hợp mà tác giả Đỗ Thành Thắng đưa ra, Hội đồng xét xử chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với bị cáo A.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả sau khi đọc, nghiên cứu quy định của pháp luật và các bài viết liên quan. Xin được trao đổi với quý bạn đọc./.
Ba bị cáo bị TAND tỉnh Nghệ An xét xử về tội mua bán người -Ảnh: Ảnh: Trần Vũ/ Báo Nghệ An
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận