Bị cáo Đinh La Thăng lại lĩnh án 13 năm tù, mất quyền Đại biểu Quốc hội
Chiều 14/5, HĐXX phúc thẩm của TANDCC tại Hà Nội xét xử vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), liên quan đến dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã tuyên án, giữ nguyên mức án sơ thẩm, phạt 13 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng. Bản án phúc thẩm đã khiến ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh mất quyền Đại biểu Quốc hội.
Giảm án cho một số bị cáo
Theo bản án phúc thẩm, tuy không có công văn chính thức của PVC về việc không lựa chọn được nhà thầu nước ngoài, hay nhà thầu nước ngoài yêu cầu phải đứng đầu liên danh, nhưng bị cáo Đinh La Thăng (Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2008 – 2011) vẫn báo cáo Thủ tướng đề nghị chỉ định PVC làm tổng thầu EPC mà không thẩm định năng lực tài chính của PVC.
Sau đó, Đinh La Thăng đã gây sức ép với cấp dưới để chỉ đạo tạm ứng cả nghìn tỷ đồng cho PVC khi chưa có điều khoản thanh toán, hướng dẫn tạm ứng nêu trong hợp đồng.
Bản án nhận định, với tư cách người đứng đầu một tập đoàn lớn, lợi dụng vị thế, tính đặc thù và nhiều ưu đãi khác, vì những động cơ khác nhau, bị cáo Đinh La Thăng đã thực hiện hàng loạt sai phạm, gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn và nhiều thiệt hại khác không thể tính bằng tiền, nên mức án 13 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là không nặng.
Tòa cũng cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng chưa thấy được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tập đoàn lớn trước pháp luật, nên không có cơ sở để giảm án. Các tình tiết giảm nhẹ liên quan đến nhân thân đã được tòa sơ thẩm xem xét. Việc gia đình bị cáo nộp 1 tỉ đồng là số tiền không đáng kể so với số tiền phải bồi thường nên không có căn cứ để giảm hình phạt.
Do đó, HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo gồm: Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC (16 năm tù; phạt tiền 30 triệu đồng); Bùi Mạnh Hiển, nguyên Chánh văn phòng PVC (10 năm tù; phạt tiền 30 triệu đồng); Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC (14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là chung thân); Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN (7 năm tù); Trần Văn Nguyên, nguyên Kế toán trưởng Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 (30 tháng tù cho hưởng án treo); Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2 ( 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm).
Có một số bị cáo được giảm án. Trước hết là bị cáo Phùng Đình Thực có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc triển khai giám sát dự án, biết hợp đồng chưa đủ điều kiện nhưng vẫn chỉ đạo việc ký kết hợp đồng, để PVC sử dụng tiền không đúng mục đích, gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo Thực có sự chỉ đạo sát sao của Đinh La Thăng và có ủy quyền cho cấp phó là Nguyễn Quốc Khánh. Hơn nữa, có lúc Đinh La Thăng chỉ đạo trực tiếp mà không thông qua Phùng Đình Thực. Bị cáo Thực cũng được PVN, Liên doanh Vietso Petro đề nghị xem xét giảm tội. PVN đã có văn bản đề nghị giảm án cho bị cáo Thực, bị cáo có nhiều thành tích đóng góp cho ngành dầu khí, gia đình có công với cách mạng, bị cáo tuổi cao sức yếu, mang nhiều bệnh… Do đó, HĐXX đã xử phạt Phùng Đình Thực 6 năm tù, giảm 3 năm so với bản án sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN mức án 7 năm tù, giảm 2 năm so với bản án sơ thẩm do đã tích cực khắc phục hậu quả; bị cáo cũng có nhiều thành tích khoa học, gia đình có công với cách mạng chưa được cấp sơ thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, các bị cáo: Lê Đình Mậu, nguyên Phó trưởng ban Kế toán và kiểm toán PVN, mức án 3 năm 6 tháng tù, giảm 1 năm so với án sơ thẩm; Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyên Phó tổng giám đốc PVC mức án 5 năm 6 tháng tù, giảm 6 tháng so với án sơ thẩm; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC mức án 6 năm tù về tội cố ý làm trái, 15 năm tù về tội tham ô, tổng hợp hình phạt là 21 năm tù; giảm 1 năm so với án sơ thẩm; phạt tiền 30 triệu đồng về tội tham ô tài sản; Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC mức án 5 năm 6 tháng tù, giảm 6 tháng so với sơ thẩm.
Về trách nhiệm dân sự
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên y án so với cấp sơ thẩm, buộc các bị cáo phạm tội cố ý làm trái phải bồi thường cho PVN số tiền hơn 119,8 tỉ đồng.
Cụ thể, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh mỗi bị cáo bồi thường số tiền 30 tỉ đồng.
Các bị cáo Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận mỗi bị cáo phải bồi thường 7,5 tỉ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Mạnh Tiến, Ninh Văn Quỳnh mỗi bị cáo phải bồi thường 6 tỉ đồng.
Các bị cáo Trần Văn Nguyên, Vũ Hồng Chương, Phạm Tiến Đạt, Trương Quốc Dũng, Lê Đình Mậu mỗi người phải bồi thường số tiền hơn 2,36 tỉ đồng.
Buộc các bị cáo phạm tội tham ô phải bồi thường cho PVC số tiền hơn 11 tỉ đồng. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường gần 4,4 tỉ đồng, Vũ Đức Thuận bồi thường gần 1,2 tỉ đồng, Nguyễn Anh Minh bồi thường hơn 4 tỉ đồng, Lương Văn Hòa bồi thường 757 triệu, Bùi Mạnh Hiển bồi thường 775 triệu, Nguyễn Thành Quỳnh cùng vợ phải bồi thường hơn 760 triệu đồng.
Sau phiên tòa, gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đã nộp đủ 7,5 tỉ đồng.
Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh mất quyền Đại biểu Quốc hội
Tại phiên họp thứ 24, chiều ngày 14/5, UBTVQH đã nghe Ban Công tác đại biểu báo cáo về việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Nam.
Theo đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC, ngày 8/12/2017, UBTVQH đã có Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14 và Nghị quyết số 457/NQ-UBTVQH14 về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 355 BLTTHS: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” và theo khoản 2, Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật” thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận