“Bị cáo nhận tội không có nghĩa là bị cáo có tội”

Đại hội Thi đua yêu nước TAND lần thứ IV đã tổ chức giao lưu với một số Thẩm phán, mang đến cho Đại hội không khí gần gũi, thân thiện và hiểu hơn những khó khăn, nỗ lực và tâm huyết của các Thẩm phán trong cả nước.

Thẩm phán Nguyễn Thùy Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ,  chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ đánh bạc ngàn tỷ chia sẻ: Được giao xét xử vụ án này,  hồ sơ đầy hai xe ô tô bán tải, 92 bị cáo, 7 tội danh, phải nói là rất áp lực. Chúng tôi phải dành nhiều thời gian về cơ chế vận hành, cách thức đánh bạc, cách đổi tiền… Rất buồn vì hai bị cáo là sĩ quan công an đã có nhiều thành tích chống tội phạm, cả hai đều không nhận tội, đặt ra cho chúng tôi những khó khăn nhằm chứng minh bị cáo có tội hay không.

Thẩm phán Nguyễn Thùy Hương và MC Tạ Bích Loan – Ảnh: Nguyên Anh

Chúng tôi đã xây dựng phương pháp xét xử theo từng nhóm tội, chiếu công khai chứng cứ tại phiên tòa… nên việc xét hỏi, tranh tụng diễn ra thuận lợi.

Thẩm phán Nguyễn Thùy Hương nói: Mang hết khả năng để hoàn thành nhiệm vụ và cảm thấy hạnh phúc khi hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao.

Thẩm phán Nguyễn Văn Trung, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk,  chia sẻ về vụ án bị cáo bị truy tố về tội giết người, được xây dựng thành án lệ 28. Đại hội bất ngờ khi thấy anh Đoàn Văn Chuẩn, người bị xét xử xuất hiện trên dân khấu, mang theo chút quà là cà phê và hồ tiêu tặng Thẩm phán Nguyễn Văn Trung đã xét xử khách quan, công minh, đúng pháp luật, từ mức án 7 năm tù về tội giết người sang giết người trong trạng thấy tinh thần bị kích động mạnh với mức án 2 năm 8 tháng tù.

Đại hội cũng xem các phóng sự về nhiều Thẩm phán không có điều kiện về dự Đại  hội. Một Thẩm phán tại Long An chia sẻ về vụ án bị cáo bị truy tố về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông đã tuyên bị cáo không phạm tội, vì bị cáo không chiếm đoạt tài sản và không bỏ trốn, dù bị cáo nhận tội và xin giảm án; có Thẩm phán chia sẻ hơn 40 phiên tòa hành chính chấp nhận yêu cầu khởi kiện UBND Thị xã Kiến Tường của nhiều hộ dân, buộc chính quyền phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan chia sẻ với Đại hội – Ảnh: Nguyên Anh

Các Thẩm phán Long An, những người đã giải quyết vụ kiện hành chính trên đây đã giao lưu với Đại hội, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của Thẩm phán với những người dân chất phác, còn rất nghèo, trình độ hạn chế, hết sức tạo điều kiện cho họ được thực hiện quyền khởi kiện của mình.

Các đại biểu xúc động khi lắng nghe chia sẻ  – Ảnh: Cảnh Dinh

Các đại biểu xúc động giao lưu với  Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, cựu Thẩm phán TAND quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi xét xử một vụ án dân sự tranh chấp đất đai, dù xử đúng pháp luật, chị Loan đã  bị đối tượng thua kiện tạt a xít. Sau 43 lần phẫu thuật ở trong nước và nước ngoài, với nỗ lực phi thường chị đã đi học Cao học trong quá trình chữa bệnh và giành được bằng Thạc sĩ Luật học. Chị đã trở lại làm việc và được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân. Dù thương tật 64%, chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và nghỉ hưu với sự thanh thản.

Chia sẻ với Đại hội, chị Loan chia sẻ rằng chị đã nhận được rất nhiều tình yêu thương của các đồng nghiệp trong ngành Tòa án cả nước, các vị lãnh đạo TANDTC và nhiều người dân đã gửi thư, gửi quà để động viên chị vượt qua hoạn nạn. “Nếu không có sự quan tâm đặc biệt đó, chắc tôi không được trở lại làm việc theo nguyện vọng của mình”- chị Loan xúc động nói.

Câu chuyện của chị  Loan cho thấy mối hiểm nguy mà các Thẩm phán thường xuyên phải đối mặt, dù chưa có trường hợp nào phải gánh chịu hậu quả đặc biệt như chị Loan. Sự nỗ lực và trở lại làm việc bình thường của chị Loan còn phản ánh ý chí và nghị lực của người Thẩm phán khi cống hiến cho sự nghiệp Tòa án.

 

THÁI VŨ