Bị đơn có quyền yêu cầu phản tố về ly hôn không?

Bị đơn có quyền yêu cầu phản tố về ly hôn không? Việc rút lại yêu cầu ly hôn của nguyên đơn thì Tòa án giải quyết như thế nào. Vấn đề này hiện có hai quan điểm khác nhau.

Một trong những nguyên tắc được quy định trong BLTTDS năm 2015 là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình. Thực tiễn xét xử có vụ án hôn nhân và gia đình, tại phiên tòa sơ thẩm nguyên xin rút lại yêu cầu ly hôn để đoàn tụ gia đình nhưng bị đơn không đồng ý và yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Vậy bị đơn có quyền yêu cầu phản tố về ly hôn không? Việc rút lại yêu cầu ly hôn của nguyên đơn thì Tòa án giải quyết như thế nào. Vấn đề này hiện có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng trong vụ án hôn nhân và gia đình, ngoài yêu cầu ly hôn, đương sự còn có các yêu cầu khác như chia tài sản chung, nuôi con, cấp dưỡng nuôi con.. Khoản 2 Điều 244 BLTTDS quy định: “Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.”. Như vậy, đối với yêu cầu ly hôn, nếu tại phiên tòa phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn rút lại phần yêu cầu ly hôn thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử yêu cầu ly hôn của nguyên đơn mà không phụ thuộc vào việc bị đơn có đồng ý hay không. Việc bị đơn yêu cầu giải quyết cho ly hôn thì không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với yêu cầu chia tài sản chung, đây là yêu cầu độc lập với yêu cầu ly hôn nên Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục xem xét giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đối với yêu cầu nuôi con và cấp dưỡng nuôi con thì tại khoản 1, 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Cho nên vấn đề nuôi con và cấp dưỡng nuôi con chỉ đặt ra khi Tòa án giải quyết cho vợ chồng ly hôn. Và vì nguyên đơn đã rút lại yêu cầu ly hôn nên Tòa án không xem xét giải quyết các yêu cầu nuôi con và cấp dưỡng nuôi con. Trường hợp nguyên đơn rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện (bao gồm yêu cầu ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng, nuôi con, cấp dưỡng nuôi con) và các đương sự còn lại không có yêu cầu gì khác thì Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử toàn bộ yêu cầu đã rút.

Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn rút lại yêu cầu ly hôn nhưng bị đơn không đồng ý việc rút đơn này và có yêu cầu Tòa án giải quyết cho vợ chồng ly hôn. Vì vậy, Hội đồng xét xử phải xem xét yêu cầu ly hôn của bị đơn tại phiên tòa và nếu có căn cứ cho ly hôn thì Tòa án phải giải quyết cho ly hôn. Đối với các yêu cầu khác thì Tòa án phải tiếp tục xem xét giải quyết theo thủ tục chung.

Tác giả hoàn toàn đồng tình với lập luận của quan điểm thứ nhất và không đồng ý quan điểm thứ hai, vì các lý do sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc yêu cầu ly hôn là yêu cầu của nguyên đơn, không phải là yêu cầu của bị đơn. Nếu tại phiên tòa nguyên đơn chỉ rút lại yêu cầu ly hôn nhưng bị đơn không đồng ý và yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì Tòa án cũng không thể thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự trong vụ án được. Bởi vì vấn đề thay đổi địa vị tố tụng chỉ đặt ra khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình (theo khoản 1 Điều 245 BLTTDS). Trong vụ án này, nguyên đơn không rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện mà chỉ là rút lại yêu cầu ly hôn, các yêu cầu khác nguyên đơn vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thứ hai, việc giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoàn toàn không phụ thuộc vào việc Tòa án có giải quyết cho vợ chồng ly hôn hay không. Bởi vì trong trường hợp vợ chồng chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mà không yêu cầu giải quyết ly hôn thì Tòa án vẫn phải xem xét giải quyết (theo khoản 2 Điều 28 BLTTDS năm 2015). Sau khi Tòa án giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng, nếu bị đơn muốn ly hôn với nguyên đơn thì hoàn toàn có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong một vụ án khác.

Rất mong bạn đọc cùng thảo luận và trao đổi thêm.

 

 

 

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)