Bị hại trong các vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Nhật Nam nên theo dõi việc xét xử vụ án tại Tòa án để đảm bảo quyền lợi

Bộ Công an đề nghị các nhà đầu tư, các bị hại trong các vụ án Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Nhật Nam nên theo dõi chặt chẽ quá trình xét xử vụ án tại Tòa án để đảm bảo quyền lợi.

Liên quan đến vụ án Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Nhật Nam đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại, việc thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án kinh tế có được trả lại cho người bị hại không? Đây là một trong những vấn đề nóng, các nhà báo đặt ra trong phiên Họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an Quý III năm 2023 của Bộ Công an ngày hôm qua.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an cho biết: Trên tinh thần triệt để thu hồi tài sản phạm tội trong các vụ án kinh tế để góp phần đảm bảo quyền lợi tối đa nhất cho nhà đầu tư, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã nỗ lực kiểm kê, thu hồi triệt để tài sản phạm tội, theo đúng chỉ đạo là ưu tiên trả lại tài sản cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc điều tra vụ án liên quan đến nhiều bị hại tại nhiều địa phương trong cả nước, số lượng nhà đầu tư rất nhiều, nên công tác điều tra, xác minh phải theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, tốn nhiều thời gian. Qua đó, đề nghị các nhà đầu tư, các bị hại nên theo dõi chặt chẽ quá trình xét xử vụ án tại Tòa án để đảm bảo quyền lợi. Đồng thời, đề nghị các nhà đầu tư, bị hại sớm trình báo với cơ quan Công an về những vấn đề liên quan đến các vụ án, để góp phần đảm bảo quyền lợi của mình.

Theo Thiếu tướng Thanh, quá trình điều tra, C03 xác định Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của hơn 6.000 bị hại. Tính đến nay, cơ quan điều tra đã thu hồi đủ số tiền hơn 8.600 tỷ đồng Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lừa đảo. Theo quy định, đây là vật chứng của vụ án và phải được phong tỏa và đưa ra xét xử.

"Khi tòa tuyên án Tập đoàn Tân Hoàng Minh lừa đảo, thì tài sản sẽ được trả lại cho người dân, cho nhà đầu tư. Tôi tin và chắc chắn rằng người dân, các nhà đầu tư sẽ nhận lại toàn bộ số tiền bị lừa, nhưng phải theo trình tự, thủ tục pháp luật", Thiếu tướng Thanh nói.

Theo ông Thanh, số lượng bị hại rất lớn, quá trình xét xử, tòa sẽ rà soát từng người, do vậy những người bị hại cần phải theo dõi chặt quá trình truy tố, xét xử để bảo đảm quyền lợi của mình. Đặc biệt, nếu cần thiết thì xuất trình thêm các giấy tờ, thủ tục để có thể nhận lại toàn bộ tài sản bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt.

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế trả lời tại buổi Họp báo.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế trả lời tại buổi Họp báo.


Theo thông tin từ Bộ Công an, kết quả điều tra xác định: Từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Dịch vụ Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt. 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do 04 Công ty phát hành nêu trên là bị hại trong vụ án và đã ủy thác điều tra đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các tỉnh/thành phố theo địa chỉ của trái chủ trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng trái phiếu tiếp nhận thông tin, lấy lời khai bị hại để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án, đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị: Người bị hại còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu mã: ADC 2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 do 04 Công ty nêu trên phát hành, khẩn trương đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an các tỉnh/thành phố  (nơi người bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu người bị hại không đến làm việc, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án. 

 

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi báo chí.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trả lời câu hỏi báo chí.


Đối với vụ án Công ty bất động sản Nhật Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thông tin: Từ năm 2020 đến 2022, Công ty Nhật Nam đã thu tổng số tiền hơn 8.900 tỷ đồng của khoảng 20.000 bị hại, thông qua 45.525 hợp đồng hợp tác kinh doanh. Công ty sử dụng chi trả tiền gốc, lãi cho các cá nhân số tiền khoảng hơn 4.291 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động công ty qua tài khoản ngân hàng hơn 520 tỷ đồng. Chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ 111 bị hại, bước đầu xác định số tiền bị chiếm đoạt khoảng 138 tỷ đồng; đã phong tỏa 88 tài khoản có liên quan đến vụ án, trong đó xác định 20 tài khoản đã hết hoặc còn rất ít số dư (dưới 10 triệu đồng).

Hiện Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xác định đồng phạm để truy bắt, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời kê biên triệt để tài sản phạm tội để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, bị hại có liên quan.

 

Một dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh- Ảnh: PXH

BẢO THƯ