Bình đẳng trước pháp luật và sai phạm phải được xử lý bằng pháp luật
Đầu tháng 4 vừa qua, thông tin bắt cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục CSĐT khiến dư luận có những cảm xúc vừa mừng vừa buồn. Mừng vì công lý được thực thi, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật được áp dụng triệt để, sai phạm của quan chức cấp cao được xử lý nghiêm minh bằng pháp luật. Buồn vì tiếc cho một cán bộ có nhiều thành tích trong đấu tranh chống tội phạm, nay lại bị tội phạm đốn gục và trở thành kẻ phạm tội.
Bình đẳng trước pháp luật
Trước ông Vĩnh, một số quan chức khác vi phạm pháp luật cũng đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố. Đó là vụ bắt và đưa ra xét xử cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng; bắt nguyên Cục trưởng cục C50 – Bộ Công an, rồi hàng loạt những vụ việc mà bấy lâu dư luận bức xúc nay đã được đưa ra ánh sáng như vụ Vũ Nhôm, Út Trọc,…Trước đó hàng loạt các đại án ngân hàng, đại án xảy ra tại một số Tập đoàn, DNNN cũng bị đưa ra ánh sáng. Trong các vụ án đó, các đối tượng bị pháp luật “sờ gáy”, không ít người có thế lực, có quyền, có tiền…
Điều đó cho thấy một quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ của Đảng, cho thấy không có vùng cấm trong chống tham nhũng, cho thấy một nguyên tắc quan trọng – nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật đã và đang được lan tỏa, được áp dụng triệt để không trừ một ai nếu vi phạm pháp luật. Nguyên tắc trên được áp dụng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TW đã và đang khiến những quan tham, những quan chức thoái hóa biến chất, những nhóm lợi ích run sợ.
Sai phạm phải được xử lý bằng pháp luật
Thực tế thời gian qua cho thấy, dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên xảy ra nhiều, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc phát hiện, xác định, quyết định và tiến hành kiểm tra còn ít, bị động, trong đó có cả những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra đã nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ. Nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm, nghiêm trọng được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, nhưng chậm được kiểm tra, kết luận, xử lý vi phạm. Có nơi, UBKT tiến hành kiểm tra nhưng kết luận, đề nghị xử lý vi phạm bằng hình thức kỷ luật thấp, chưa tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân vi phạm. Vì vậy, sau khi quyết định kỷ luật đối với đảng viên theo thẩm quyền, UBKT Trung ương đã phải rút vụ việc lên xem xét, xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật cao hơn, tương xứng với mức độ vi phạm của một đảng viên theo thẩm quyền và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với một đảng viên.
Trước thực tế đó, mới đây Ban Bí thư đã có những hướng dẫn qui định quan trọng, nhằm đổi mới công tác kiểm tra Đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Theo đó, Ban Bí thư đã đề ra loạt giải pháp quan trọng như: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp và Chi bộ, nhất là người đứng đầu về mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, từ đó có nhận thức đúng, đầy đủ và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát hiện dấu hiệu vi phạm, quyết định kiểm tra hoặc chuyển cho UBKT tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để UBKT cùng cấp thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; UBKT các cấp phải chủ động phối hợp với các tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị để phát hiện, xác định, quyết định và tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm một cách kịp thời, có chất lượng, hiệu quả. Khi cần thiết, thấy UBKT cấp dưới, kể cả cấp dưới cách nhiều cấp không chủ động thực hiện hoặc thấy cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy ở đó có biểu hiện can thiệp, ngăn cản, bao che cho sai phạm thì UBKT cấp trên phải chủ động “vượt tuyến”, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và cấp ủy cấp dưới cách nhiều cấp; Tập trung kiểm tra vào những lĩnh vực, địa bàn có nhiều dấu hiệu vi phạm phức tạp, nghiêm trọng, kể cả đã qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ và mới phát sinh trong nhiệm kỳ hiện tại; Tăng cường chỉ đạo thực hiện giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề để phát hiện dấu hiệu vi phạm, tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý; Kiên quyết khắc phục tình trạng UBKT không chủ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy hoặc để đồng chí bí thư cấp ủy cùng cấp phải “đánh trống giao việc”; những nơi thấy đồng chí chủ nhiệm UBKT thiếu bản lĩnh, tính chiến đấu không cao, chỉ đạo không quyết liệt việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, thì phải kiên quyết báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh hoặc thay thế..vvv…
Mới đây nhất, ngày 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết), gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị).
Tại cuộc họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh, mặt được là đã tạo thành phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng hơn, ý thức toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng Đảng được nâng lên, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, tất cả cùng vào cuộc. Vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế. Thực tế cho kinh nghiệm làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, kết hợp giữa xây và chống, xây là cơ bản, chống phải rất quyết liệt.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, sự chuyển biến chưa đồng bộ, toàn diện giữa các cấp, ngành, lĩnh vực, giữa trên và dưới. Việc học tập Nghị quyết, Chỉ thị còn qua loa hình thức, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn sơ sài; chưa phát huy hết vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc. Công tác tự kiểm tra còn yếu, tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh; kiểm soát quyền lực chưa tốt. Tính công khai đã khá hơn nhiều, nhưng cần được tăng cường hơn nữa. Nội hàm tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị chưa được chú ý, mà mới nặng về đạo đức lối sống, xử lý các sai phạm kinh tế. Cái sâu xa là trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên định với chế độ. Cần chú ý ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Việc học tập, làm theo Bác chưa có nhiều sáng kiến, đổi mới. Phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Tổng Bí thư chỉ rõ, tính quyết liệt, kiên quyết, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, chưa có nhiều chuyển biến; chưa phát huy hết vai trò của Mặt trận, nhân dân; tư tưởng hình thức, làm qua loa đối phó vẫn còn; chưa thực sự cầu thị, vẫn còn tư tưởng thành tích chủ nghĩa, nói ra sợ mất điểm, mất uy tín.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, kinh nghiệm rút ra là phải làm toàn diện, đồng bộ, phải kiên quyết, kiên trì, huy động được rộng rãi, đông đảo các lực lượng, sức mạnh, không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi, mà phải bằng cơ chế, luật pháp, xử lý nghiêm các sai phạm mới có tác dụng tốt. Vai trò của người đứng đầu, công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền… là vô cùng quan trọng; phải làm liên thông, liên tục, quyết liệt, trong đó vai trò nêu gương của người đứng đầu cần được đề cao.
Kết mở
Minh chứng cho việc nói đi đôi với làm, làm quyết liệt thời gian qua của Ban Bí thư mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư là đã chỉ đạo xử nghiêm những vụ án mà dư luận đặc biệt quan tâm, người dân bức xúc, dù các đối tượng trong các vụ án đó có liên quan, động chạm đến những cán bộ cấp cao (UVBCT hoặc cấp tướng trong ngành công an). Đó là tinh thần thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, sai phạm phải được xử lý bằng pháp luật, không có vùng cấm. Tinh thần này có lẽ chưa khi nào được áp dụng triệt để như hiện nay. Tín hiệu cho thấy “lò” chống tham nhũng đang nóng rực và còn cho thấy những chuyển động quan trọng trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN- nơi mà pháp luật thượng tôn, nơi mà người dân thường và quan chức dù cấp cao đến đâu đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Và khi quan chức nào mắc vi phạm pháp luật thì bị xử lý bình đẳng như nhau, không phân biệt chức tước, địa vị, gia thế.
Chỉ đạo và quyết tâm của Tổng Bí thư trong thời gian qua khiến nhân dân rất phấn khởi và đồng lòng ủng hộ. Thực tế đã cho thấy một bài học quý: chống tham nhũng, xử lý quan chức sai phạm…phải làm toàn diện, đồng bộ, phải kiên quyết, kiên trì, huy động được rộng rãi, đông đảo các lực lượng, sức mạnh tham gia, không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi, mà phải bằng cơ chế, luật pháp, xử lý nghiêm các sai phạm mới có tác dụng tốt.
Phương Anh (Theo phaply.vn)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
Bình luận