Bình Định: Tranh chấp đất từ việc cho ở nhờ

Theo tường trình ông Hồ Ngọc An, ngụ tại thôn Đức Long, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, hơn 30 năm trước, ông có cho ông Huỳnh Lâm ở nhờ trên một phần đất trồng dừa của mẹ ông là bà Nguyễn Thị Bưởi. Ông An đã chặt một số cây dừa để cất cho ông Lâm căn nhà lá diện tích khoảng 100 m2 nhưng giờ xảy ra tranh chấp cả 1000 m2 đất với con ông Lâm.

Cho ở nhờ tới khi bị kiện

Không giấy tờ, không ràng buộc gì khi ông An cho ông Lâm ở nhờ trên đất, vì đây là tình làng nghĩa xóm, phần nữa là do gia đình ông An chỉ trồng dừa, nên dù cho gia đình ông Lâm ở nhờ lâu dài cũng không ảnh hưởng. Ông An cho biết gia đình ông Lâm ở nhờ trên đất gia đình mình từ năm 1987, sau khi ông Lâm đi cải tạo về không có chổ ở. Ông có cho ông Lâm cất căn chòi khoảng 100m2 để tạm thời sinh sống.

 

Ông An trình bày sự việc

Khi có chủ trương đăng ký kê khai đất đai, thì không biết vì sao vào năm 1993 con ông Huỳnh Lâm là Huỳnh Sơn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông An với diện tích 1081m2, nằm lọt chính giữa thửa đất của bà Bưởi, mẹ ông An. Cùng thời điểm đó, mẹ ông An là bà Nguyễn Thị Bưởi (là người  có công Cách mạng, bị tâm thần do tù đày trước đó) cũng được cấp một giấy chứng nhận với diện tích còn lại 998 m2. Do bà Bưởi bị bệnh, nên khi trưởng thôn đưa sổ thì con ông An ( lúc đó còn nhỏ) đang sống chung với bà, đem cất vào tủ, nên ông An biết có cuốn sổ đỏ đó. Hàng năm ông An vẫn nộp thuế dừa ( không nộp thuế đất) nên cũng không xem sổ chứng nhận, ông nộp thuế dừa tới khi có nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp của Quốc hội ban hành ngày 24/11/2010.

Năm 1998 bà Bưởi mẹ ông An qua đời, đến năm 2010 anh Hồ Ngọc Toàn, con ông An đăng ký sang tên sổ đỏ từ bà Bưởi qua tên mình, nhưng vẫn không để ý bị thiếu đất, vì chỉ tưởng Nhà nước công nhận bấy nhiêu diện tích có trong sổ, phần còn lại tính sau.

Khi có nhu cầu xây nhà, năm 2015 anh Toàn xin chuyển mục đích sử dụng một phần đất trồng cây lâu năm thành đất thổ cư thì huyện, xã vào đo đạc chỉ ranh giới tổng cộng 96m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn được ông An thu hoạch dừa từ trước tới nay, không có ai tranh chấp. Đến năm 2017 anh Toàn tiến hành rào ngăn ranh giới chuẩn bị xây nhà và rào sân vườn nhà bảo quản dừa thì bị ông Huỳnh Hùng làm đơn kiện tranh chấp ranh giới vì cho rằng anh Toàn lấn đất nhà ông Hùng, và đề nghị anh Toàn phải mở đường cho ông Hùng. Trước đó anh Toàn có mở cho ông Hùng con đường bê tông ngang 2m dài 20m để tiện ra vào, nhưng khi xảy ra tranh chấp anh Toàn rào chắn lại. Anh Toàn cho rằng mảnh đất trên là của gia đình ông, không lý do gì mà ông Hùng có quyền tranh chấp, cho bao nhiêu đất thì ở bấy nhiêu, tuy nhiên lúc này ông Hùng đưa ra giấy quyền sử dụng đất, anh Toàn mới biết là gia đình ông Hùng đã được cấp sổ đỏ.

Bị kiện không mở đường đi

Theo anh Toàn thì từ khi xảy ra tranh chấp với ông Hùng, thì ông An mới biết đất ông cho ông Lâm ở nhờ đã được cấp giấy chủ quyền sử dưng cho ông Hùng – con ông Lâm, do anh trai là ông Huỳnh Sơn chuyển nhượng lại vào năm 2002, trong giấy thể hiện thửa đất số 485 (TĐ 485), tờ bản đồ số 4 (TBĐ 4) có diện tích 1.081 m2 (300 m2 đất ở, 781 m2 đất vườn) được nhà nước cấp sổ đỏ vào tháng 9/1993. Vậy là hơn ½ đất của bà Bưởi đã được cấp cho người khác, ông An bức xúc cho biết, còn anh Toàn đang có giấy chủ quyền thửa đất số 617 (TD9617) tờ bản đồ số 4 (TBĐ 4) có diện tích 998m2  GCN số CN00081, cấp ngày 09/10/2010 ngày 06/10/2015 huyện Hoài Ân ký quyết định số 2521/QĐ-UBND chuyển mục đích sử dụng trong đó có 96 m2 đất ở của thửa đất 617.

Ông An cho biết, thể hiện trên bản đồ địa chính khu đất thì phần đất ông Huỳnh Hùng có diện tích 254,4 m2 nằm lọt vào giữa khu đất, không thể hiện đường đi, và phần tranh chấp với anh Toàn là 762,3 m2 như vậy ông Hùng có 1.016,7 m2 sai với sổ đỏ, đất ông Toàn thể hiện còn 703,5 m2 vậy thiếu so với sổ đỏ là 294,5 m2, phần còn lại có thể hiện con đường từ đầu chiều ngang 5.25 x chiều dài 64,86m đến cuối phần đất bà Bưởi chiều ngang còn 3.40m vậy tổng là 254,96 m2 làm đường đi cho xóm ( phần đường này có 5 ngôi mộ nhà ông An ).

 

Vườn dừa lâu năm của gia đình ông An

Theo thực tế thì không có con đường trên mà chỉ là các cây dừa đang tồn tại và các ngôi mộ của dòng họ có từ lâu rồi. Hồ sơ thể hiện rất rõ là đất này là của gia đình ông An do mẹ ông đêể lại vì bà Bưởi đã có bằng khoán do Sở Địa chính tỉnh Bình Định cấp ngày 30/01/1945 cho cha bà, và bà và các con cháu sinh sống và trồng trot trên mãnh đất này từ đó đến nay. Do đó ông An thắc mắc tại sao khi chính quyền tự ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con ông Lâm khi họ không có giấy tờ vì là đất ở nhờ? 

Một số điều luật đã quy định

Đã có một số diễn giải việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này như theo Điều 247 BLDS. Cụ thể, điều luật này quy định về việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu như sau: Người chiếm hữu, người được lợi về bất động sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm thì trở thành chủ sở hữu (quy định này loại trừ tài sản thuộc sở hữu nhà nước).

Theo điều luật này, chỉ khi người nào chiếm hữu, được lợi về bất động sản không có căn cứ pháp luật thì mới tính để xem xét thời hiệu xác lập quyền sở hữu. Còn ở đây, gia đình ông Lâm sử dụng đất thông qua việc cho ở nhờ, tức là thông qua giao dịch dân sự, biết rõ nguồn gốc, tình trạng đất, thuộc trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật nên không thể vận dụng điều luật trên để tước bỏ quyền sử dụng đất của người cho ở nhờ là ông An.

Cũng theo  Điều 189 BLDS, người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình phải hiểu là người đó không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó không có căn cứ pháp luật. Ở đây, gia đình ông Lâm. biết rõ mình ở trên đất đó là nhờ sự cho phép của ông An thì không thể xem là chiếm hữu ngay tình được. Vì thế, với những tranh chấp dạng này, nếu các cơ quan có liên quan thiếu cân nhắc, sẽ vô tình “tiếp tay” cho việc chiếm đoạt quyền sử dụng đất của người khác.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, đơn vị đang thụ lý vụ việc trên là Tòa án huyện Hoài Ân, do tranh chấp đất đai giữa gia đình Hùng và ông Toàn. Khi nào có kết quả xét xử, UBND huyện sẽ tiếp tục xử lý theo đúng quy định pháp luật. Trước đó UBND huyện cũng đã làm việc với UBND xã Ân Đức, trước mắt đề nghị anh Toàn hợp tác mở lối đi tạm cho gia đình ông Hùng ra vào nhà, trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết việc tranh chấp trên.

Anh Toàn đã làm đơn khiếu nại và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại toàn bộ sự việc trên, nhằm trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho ông và gia đình.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi sự việc trên có diễn biến mới.

 

 

HỮU HIỆP - TIẾN ĐẠT