Bình luận Án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài

Án lệ số 33/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25/02/2020 và được công bố theo Quyết định số Quyết định 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Thực tiễn xét xử, khi áp dụng Án lệ số 33 cần lưu ý một số trường hợp phát sinh trên thực tế.

1. Án lệ số 33/2020/AL

1.1. Các thông tin chung về Án lệ số 33/2020/AL

- Án lệ số 33/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25/02/2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Nguồn án lệ là Quyết định giám đốc thẩm số 34/2018/DS-GĐT ngày 26-6-2018 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Kiện đòi tài sản nhà, đất và tiền bồi thường hỗ trợ Khi Nhà nước thu hồi đất” tại tỉnh Hưng Yên giữa nguyên đơn là bà Bùi Thị P, anh Lê Ngọc T1, chị Lê Thị Thanh X với bị đơn là ông Lê Ngọc T2; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.

1.2. Khái quát nội dung của án lệ

- Tình huống án lệ: Cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất.

- Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

- Các điều 176, 192,196 Bộ luật Dân sự năm 1995 (tương ứng điều 170, 185, 190 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 221, 187, 182 Bộ luật Dân sự năm 2015);

- Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015.

1.3. Tóm tắt nội dung vụ án1

[1] Căn cứ lời khai của các bên đương sự đều thừa nhận diện tích đất thuộc thừa số 31 (diện tích đất thực tế là 990,2m2), tờ bản đồ số 269 tại thôn Đ, xã Đ1, huyện P, tỉnh Hưng Yên có nguồn gốc do Ủy ban nhân dân xã Đ1 cấp cho cụ Lê Ngọc U từ năm 1973. Thửa đất này hiện do ông Lê Ngọc T2 đang quản lý, sử dụng (BL 181,184) và ông T2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[2] Bà P (là con dâu của cụ Lê Ngọc U cho rằng) sau Khi cụ U được cấp đất, vợ chồng cụ U cùng ông Lê Ngọc H (là con của cụ U và là chồng của bà) đã mang vật liệu xây dựng từ Lạng Sơn về xây dựng nhà cùng các công trình trên đất. Vợ chồng cụ U ở một thời gian ngắn thì chuyển lên Lạng Sơn ở cùng với vợ chồng bà, cho gia đình cụ C1 (là em cụ U) mượn nhà đất trên để cho ông T2 (là con cụ C1) ở. Trong Khi đó, ông T2 và cụ S (là vợ của cụ C1) không thừa nhận mượn nhà, đất của cụ U mà cho rằng do gia đình cụ C1 đông con, chưa có ai lập gia đình, chưa đủ điêu kiện cấp đất giãn dân nên nhờ cụ U đứng đơn xin cấp đất hộ cho gia đình cụ C1, cụ C1 là người trực tiếp nhận đất và cho vợ chồng ông T2 ở; đồng thời xuất trình xác nhận của những người nhận vượt đất, xây nhà và các công trình trên đất của ông T2 để chứng minh. Căn cứ vào bản xác nhận của những người làm chứng, biên bản thẩm định gạch nhà của ông T2 với gạch do bà P mang từ Lạng Sơn về để đối chiếu có cơ sở xác định nhà và các tài sản trên đất là của gia đình ông T2 tạo lập.

[3] Cụ U là người được cấp đất, nhưng sau khi được cấp đất cụ U đã không sử dụng đất mà cho ông T2 sử dụng từ năm 1975 đến nay. Quá trình sử dụng đất, do đất cụ U được cấp là đất vũng nên gia đinh cụ C1 và ông T2 đã phải thuê người vượt lấp để tôn nền, xây dựng và sửa chữa nhà nhiều lần, cụ U và ông H đều biết việc vượt lấp, sửa chữa và xây dựng nhà nhưng không có tranh chấp. Ủy ban nhân dân xã Đ1 và những người làm chứng là những người sống ở địa phương đều xác định cụ U và ông H không về ở, không xây dựng nhà, thỉnh thoảng về chơi và ở nhà cụ C1 ở trong làng. Sau khi vợ chồng cụ U chết, ông H là con duy nhất của cụ U cũng có bản cam kết xác nhận cụ U không về ở được nên giao lại quyền sử dụng thửa đất trên cho ông T2, gia đình không có ý kiến gì về thửa đất đó. Như vậy, cụ U là người được giao đất, nhưng cụ U không sử dụng mà cho ông T2 quản lý, sử dụng thửa đất này từ sau Khi cụ U được giao đất (năm 1974) đến nay. Quá trình sử dụng đất, ông T2 đã xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai và nộp thuế quyền sử dụng đối với thửa đất này nên theo quy định của pháp luật đất đai thì ông T2 thuộc trường hợp được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc cụ U không sử dụng đất nhưng có tên trên Bản đồ giải thửa 299 và sổ mục kê năm 1982 là không chính xác và không phải là căn cứ để xác định cụ U là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất này. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc cụ U được cấp đất để xác định thửa đất tranh chấp là của vợ chồng cụ U để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trích một phần công sức cho ông T2 là không đúng.

1.4. Nội dung của án lệ

“[4] Mặc dù cụ U là người được cấp đất, nhưng sau khi được cấp đất cụ U đã không sử dụng đất mà cho ông T2 sử dụng từ năm 1975 đến nay. Quá trình sử dụng đất, do đất cụ U được cấp là đất vũng nên gia đình cụ C1 và ông T2 đã phải thuê người vượt lấp để tôn nền, xây dựng và sửa chữa nhà nhiều lần, cụ U và ông H đều biết việc vượt lấp, sửa chữa và xây dựng nhà nhưng không có tranh chấp. Ủy ban nhân dân xã Đ1 và những người làm chứng là những người sống ở địa phương đều xác định cụ U và ông H không về ở, không xây dựng nhà, thỉnh thoảng về chơi và ở nhà cụ C1 ở trong làng. Sau khi vợ chồng cụ U chết, ông H là con duy nhất của cụ U cũng có bản cam kết xác nhận cụ U không về ở được nên giao lại quyền sử dụng thửa đất trên cho ông T2, gia đình không có ý kiến gì về thửa đất đó. Như vậy, cụ U là người được giao đất, nhưng cụ U không sử dụng mà cho ông T2 quản lý, sử dụng thửa đất này từ sau khi cụ U được giao đất (năm 1974) đến nay. Quá trình sử dụng đất, ông T2 đã xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai và nộp thuế quyển sử dụng đối với thửa đất này nên theo quy định của pháp luật đất đai thì ông T2 thuộc trường hợp được xem xét cấp giấy chứng nhận quyên sử dụng đất. Việc cụ U không sử dụng đất nhưng có tên trên Bản đồ giải thửa 299 và sổ mục kê năm 1982 là không chính xác và không phải là căn cứ để xác định cụ U là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất này. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc cụ U được cấp đất để xác định thửa đất tranh chấp là của vợ chồng cụ U để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trích một phần công sức cho ông T2 là không đúng. ”

2. Bình luận một số vấn đề khi áp dụng án lệ

Án lệ 33 ban hành nhằm giải quyết những tranh chấp xuất phát sinh tại thời điểm Nhà nước giao đất những năm 1970; khi miền Bắc thực hiện chính sách đất đai của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và giao đất nhằm ổn định chỗ ở cho người dân, có xem xét hoàn cảnh, điều kiện sống cụ thể của từng hộ gia đình. Tuy nhiên, trong thực tế, việc chủ thể này được giao đất lại cho chủ thể khác sử dụng, còn bản thân sống lâu dài ở nơi khác khá phổ biến mà chính quyền không thể kiểm soát được. Bởi lẽ, giao đất là cách thức để Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho các cá nhân, tổ chức. Chủ thể được giao đất được Nhà nước bảo hộ khi bị chủ thể khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình[2], và là căn cứ xác lập quyền sở hữu[3]. Tuy nhiên, chủ thể được Nhà nước giao đất phải sử dụng đất được giao đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ về tài chính trong quá trình sử dụng đất[4].

Thực tế cho thấy, chủ thể được Nhà nước giao đất đã đứng tên trên Bản đồ giải thửa năm 1981 và Sổ mục kê năm 1986 nhưng chủ thể đó lại không trực tiếp quản lý, sử dụng đất từ khi được giao mà cho chủ thể khác quản lý, sử dụng trong thời gian dài (hơn 30 năm), người này đã xây dựng và sửa chữa nhà, kê khai, nộp thuế đối với diện tích đất này. Trường hợp này, khi phát sinh tranh chấp thì người được Nhà nước giao đất có được coi là từ bỏ quyền sử dụng đất không; người trực tiếp quản lý, sử dụng đất có được coi là chiếm hữu ngay tình, tiên tục công khai, được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại Điều 184, Điều 221, Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015[5]. Dưới góc độ thực tiễn xét xử, đây là dạng tranh chấp phức tạp và khó khăn khi giải quyết. Vì vậy, cần có cơ sở pháp lý để Tòa án xem xét yêu cầu đòi đất của chủ thể đã được Nhà nước giao đất.

Quyết định giám đốc thẩm số 34/2018/DS-GĐT ngày 26-6-2018 (Quyết định giám đốc thẩm số 34) đã đưa ra đường lối giải quyết đối với trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Bởi lẽ, cụ U được Nhà nước giao đất, đứng tên trên Bản đồ giải thửa năm 1981 và Sổ mục kê năm 1986 nhưng không trực tiếp sử dụng. Gia đình ông T2 đã trực tiếp nhận đất, quản lý, sử dụng từ khi Nhà nước giao đất từ năm 1974 đến nay, quá trình sử dụng, gia đình ông T2 đã xây nhà, sinh sống ổn định, thực hiện đăng ký kê khai, nộp thuế đối với thửa đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dưới góc độ lý luận và thực tiễn, khi áp dụng Án lệ số 33, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, cần làm rõ quá trình chủ thể quản lý, sử dụng đất. Bởi lẽ, cụ U là người được cấp đất, nhưng sau khi được cấp đất cụ U đã không sử dụng đất mà cho ông T2 sử dụng từ năm 1975 đến nay. Quá trình sử dụng đất, ông T2 đã xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai và nộp thuế quyền sử dụng đối với thửa đất này nên theo quy định của pháp luật đất đai thì ông T2 thuộc trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Án lệ đưa ra trường hợp được công nhận quyền sử dụng đất, xem xét cấp GCNQSDĐ cho cá nhân trên cơ sở căn cứ vào nguồn gốc đất, thực tế quá trình sử dụng đất (tính công khai, ổn định, liên tục, lâu dài); việc đăng ký, kê khai và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật; trong quá trình sử dụng đất có tranh chấp với ai không...

Gia đình ông H biết toàn bộ quá trình này nhưng không có ý kiến gì về những việc làm của ông T2; ông T2 đã chủ động đăng ký, kê khai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất cho Nhà nước; ông H viết giấy cam kết có nội dung là giao lại quyền sử dụng thửa đất cho ông T2, gia đình ông H không có ý kiến gì về thửa đất đó. Như vậy, Tòa án đã xem xét dựa trên ý chí thực tế của mỗi bên mà không căn cứ hay phụ thuộc vào nguồn gốc đất được Nhà nước giao cho đối tượng nào hay bản đồ giải thửa, sổ mục kê thể hiện chủ sử dụng đất tại thời điểm đó. Án lệ đã cho thấy Bản đồ giải thửa năm 1981 và Sổ mục kê năm 1986 chỉ là hình thức giúp cung cấp và xác thực thông tin khi cần thiết và là công cụ giúp Nhà nước quản lý về đất đai. Do đó, những giấy tờ này không phải là căn cứ tuyệt đối để giải quyết tranh chấp, bởi lẽ giấy tờ này không đúng với thực tế sử dụng đất.

Thứ hai, cần làm rõ chủ thể sử dụng hợp pháp đối với thửa đất. Mặc dù, cụ U có tên trên Bản đồ giải thửa và Sổ mục kẻ năm 1982, nhưng không phải là căn cứ tuyệt đối để xác định cụ U là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất này. Cụ U đứng tên trên Bản đồ giải thửa và Sổ mục kê năm 1982 có thể do sai sót của Ủy ban nhân dân xã khi không thẩm định, xác minh xem xét thực tế người đang sử dụng diện tích đất đó. Bởi lẽ, để xác định chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất còn phải căn cứ vào các sự kiện pháp lý khác như nguồn gốc đất; điều kiện được cấp đất; điều kiện được quản lý, sử dụng đất; quá trình quản lý, sử dụng đất; tính ổn định, liên tục của người sử dụng đất; việc từ bỏ quyền sử dụng đất...

Đồng thời, cần xem xét Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Theo đó, ông T2 đáp ứng đủ 04 điều kiện: Ngay tình, liên tục, công khai và trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản. Do vậy, dù ông T2 không có căn cứ pháp luật về việc được giao đất hay là người có quyền sử dụng đất nhưng ông T2 đã chiếm hữu và sử dụng thửa đất một cách ngay tình. Ông T2 đã xây nhà và sinh sống ổn định từ năm 1974 cho đến khi phát sinh tranh chấp, có chính quyền địa phương và nhiều người làm chứng việc gia đình ông T2 sinh sống trên thửa đất. Án lệ có đủ nền tảng pháp lý để khẳng định tư cách người chiếm hữu ngay tình của ông T2 và ông T2 thuộc trường hợp được xem xét cấp GCNQSDĐ.

Thứ ba, cần làm rõ các điều kiện để áp dụng Án lệ số 33 như:

 - Đất tranh chấp phải có nguồn gốc là do cá nhân được Nhà nước giao đất.

- Cá nhân được nhà nước giao đất không trực tiếp quản lý, sử dụng từ khi giao đất, mà để cho người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

- Cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng đất công khai, ổn định, liên tục trong thời gian dài mà không có ai tranh chấp. Đồng thời, người quản lý, sử dụng đất đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến phản đối.

- Người sử dụng đất hiện tại đủ điều kiện xem xét cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất tranh chấp theo quy định của pháp luật đất đai.

Khi đáp ứng các điều kiện nêu trên, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất của người đã được Nhà nước giao đất trước đây. Nếu thiếu một trong các sự kiện pháp lý nêu trên thì không được áp dụng Án lệ số 33. Như vậy, Án lệ 33 đã giúp hoàn thiện quy định xử lý tranh chấp đất đai và bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ sử dụng đất ngay tình khi chưa được cấp GCNQSDĐ hoặc có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Lẽ công bằng không cho phép giải quyết vụ việc chỉ dựa vào chủ thể được giao đất mà bỏ qua ý chí thật sự của các bên. Án lệ số 33 đã giúp pháp luật về đất đai được hoàn thiện hơn và bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ sử dụng đất ngay tình khi chưa có căn cứ pháp luật về quyền sử dụng đất. Qua đó, chúng ta có thể thấy Án lệ đã bảo vệ và ưu tiên ý chí thực tế của các bên nhằm giải quyết những tranh chấp bắt nguồn từ thời điểm Nhà nước giao đất những năm 1970.

3. Kết luận

Án lệ số 33 được tạo lập nhằm hướng dẫn các Tòa án giải quyết các tranh chấp về trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà đề người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Án lệ này có thể được áp dụng khi có đầy đủ các tình huống như đã phân tích. Kể từ ngày Án lệ số 33 có hiệu lực pháp luật, đã giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho công tác xét xử các vụ án dân sự liên quan trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Án lệ đã gián tiếp khẳng định Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất, trong trường hợp cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Án lệ số 33, Tòa án cần lưu ý làm rõ quá trình chủ thể quản lý, sử dụng đất; chủ thể sử dụng hợp pháp đối với thửa đất; các điều kiện để áp dụng án lệ.

BÙI AI GIÔN (Tòa án nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tài liệu tham khảo

1. Án lệ số 33/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 25/02/2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án TANDTC.

2. Bộ Luật Dân sự năm 1995, Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Bộ Luật Dân sự năm 2015.

3. Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013.


1 Phần nội dung của vụ án, nhận định của Tòa án và Quyết định của Tòa án xem cụ thể tại Án lệ số 33/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25/02/2020 và được công bố theo Quyết định số Quyết định 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

[2] Điều 105 Luật Đất đai năm 1993.

[3] Khoản 2 Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 1995.

[4] Điều 107 Luật Đất đai năm 1993.

[5] Tương tự Điều 176, 192, 196 Bộ luật Dân sự năm 1995.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.