Bộ đội Biên phòng chỉ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam. Có 456/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,61%). Luật có 6 chương, 36 điều. Bộ đội Biên phòng chỉ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trước khi biểu quyết, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày. Theo đó, ngày 21/10/2020, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị bổ sung giải thích khái niệm “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới” để bảo đảm thống nhất và đầy đủ. UBTVQH cho rằng: Khái niệm “khu vực biên giới” đã được quy định tại Điều 6 Luật Biên giới quốc gia và được hiểu thống nhất trong dự thảo Luật, nên không cần quy định lại tại dự thảo Luật này để tránh trùng lặp. Về khái niệm “vành đai biên giới”, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH bổ sung khoản 4 vào Điều này giải thích như sau: “Vành đai biên giới là phần lãnh thổ từ đường biên giới quốc gia trên đất liền trở vào từ 100 m đến 1.000 m do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia quyết định, trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.”.
Về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 6): Có ý kiến đề nghị sửa lại theo hướng quy định về lực lượng nòng cốt, chuyên trách và các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; có ý kiến đề nghị thiết kế lại Điều này cho logic và dễ hiểu. UBTVQH thấy rằng, Điều này được thiết kế để quy định chung về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Việc xác định lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ biên phòng đã được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 6 được thiết kế lại như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
2. Cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1 Điều này.
Về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10): Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ biên phòng liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước nên cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng thực thi nhiệm vụ ở khu vưc biên giới, cửa khẩu; ý kiến khác đề nghị bổ sung một khoản quy định về hình thức phối hợp cho chặt chẽ. UBTVQH nhận thấy, việc phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng không chỉ căn cứ vào Luật này mà còn theo quy định của pháp luật có liên quan. Để bảo đảm linh hoạt, chủ động về hình thức phối hợp, dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp tại khoản 4 Điều này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở” vào trước cụm từ khu vực biên giới tại cuối điểm a khoản 1 để khẳng định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã bổ sung nội dung này như dự thảo.
Về hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới, cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền (Điều 11): Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trường hợp tạm dừng và trường hợp hạn chế hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới để tránh áp dụng tùy tiện; có ý kiến đề nghị rà soát lại Điều này để quy định cho chặt chẽ. UBTVQH nhận thấy, việc hạn chế hoặc tạm dừng một số hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới có tính chất đan xen. Căn cứ vào diễn biến tình hình cụ thể và các nguyên tắc được luật quy định, người có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý lại Điều này trong dự thảo.
Có ý kiến cho rằng, việc kiểm soát xuất nhập cảnh tại khoản 5 chưa rõ đối tượng, đề nghị chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát là con người; quy định kiểm soát qua lại biên giới còn rộng, dễ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng. UBTVQH nhận thấy, việc kiểm soát xuất nhập cảnh nhằm duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Nếu chỉ quy định đối tượng kiểm soát là con người sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật. Trên thực tế, nhiều trường hợp đối tượng lợi dụng phương tiện để cất giấu tài liệu phản động, vũ khí, ma túy… để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, ngoài việc kiểm soát xuất nhập cảnh đối với con người còn phải kiểm soát cả phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng, UBTVQH đã bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối khoản này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ: Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “sắp xếp ổn định dân cư” bằng cụm từ “tham mưu cho địa phương trong việc sắp xếp dân cư trên biên giới” tại khoản 11. UBTVQH nhận thấy, việc sắp xếp ổn định dân cư ở khu vực do chính quyền địa phương chủ trì, các cơ quan, lực lượng tham mưu, tham gia, phối hợp theo nhiệm vụ, trong đó có bộ đội biên phòng. Việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với thực tế. Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “khối đại đon kết dân tộc” và bổ sung nội dung “thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo” tại khoản 11 cho đầy đủ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý lại khoản 11 như sau: “11. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở khu vưc biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh”.
Về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng (Điều 15): Có ý kiến đề nghị tại khoản 2 nên giới hạn quyền hạn kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện của bộ đội biên phòng chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh ở địa bàn khu vực biên giới. UBTVQH nhận thấy, ở cửa khẩu có nhiều lực lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Bộ đội biên phòng có chức năng thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Nếu chỉ giới hạn ở lĩnh vực an ninh, địa bàn khu vực biên giới là chưa đầy đủ, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Để bảo đảm chặt chẽ, tránh chồng chéo về quyền hạn, dự thảo Luật giới hạn chỉ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật và phải tuân theo quy định pháp luật. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị gộp khoản 2 với khoản 3 cho ngắn gọn, tránh trùng lặp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý Điều này như dự thảo Luật.
Ngoài các vấn đề trên, UBTVQH đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý, sắp xếp lại một số điều, khoản để phù hợp về thể thức, kỹ thuật, bố cục văn bản, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và có tính khả thi; đồng thời bổ sung khoản 2 vào Điều 20; bỏ Điều 27 về bảo đảm tài sản và bổ sung Điều 35 quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 06 chương với 36 điều.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên Phòng Việt Nam – Ảnh trong bài: Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Bình luận