Bổ sung những quy định pháp luật đủ mạnh, đủ thực tiễn để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5, nhiều đại biểu nêu ý kiến tâm huyết và cụ thể.
Xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp
Phát biểu tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội, các đại biểu đều ghi nhận thời gian qua việc thực hiện quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện; phần lớn các cấp, các ngành, toàn xã hội đã quan tâm và nhận thức về công tác trẻ em ngày một nâng cao; các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn; những vấn đề phát sinh về trẻ em được quan tâm giải quyết.
Tuy nhiên, một số vấn đề về trẻ em vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp như: bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tử vong do tai nạn, thương tích, lạm dụng sức lao động trẻ em ở một số ngành nghề, lĩnh vực, suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi, an toàn, vệ sinh trong trường học, trẻ em bỏ học, thiếu thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em.
Đại biểu Dương Minh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em không chỉ là trách nhiệm một vài ngành, bộ, địa phương mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Theo báo cáo kết quả giám sát, Đoàn giám sát có kiến nghị liên quan đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cai, Viện Kiểm sát nhân tối cao, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo 7 Bộ có liên quan đó là Bộ Lao động – Thương binh xã hội, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công An.
Đại biểu đề nghị Chính phủ ngoài các bộ trên, chỉ đạo thêm Bộ Xây dựng hướng dẫn chuyên môn trong xây dựng thời gian tới, bổ sung quy chuẩn, điều kiện để các địa phương khi cấp phép xây dựng các chung cư, trường học, cơ quan cao tầng bắt buộc chủ đầu tư phải lắp camera trong thang máy, xem đó là điều kiện không thể thiếu khi xin giấy phép xây dựng và dần dần tiến đến lắp camera trong các thang máy các nơi công cộng.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em cần được đưa lên hàng đầu đó là cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống xâm hại trẻ em. Thậm chí có một số nơi còn coi nhẹ công tác này. Theo Báo cáo số 69 báo cáo đầy đủ của Đoàn giám sát thấy có số liệu là 49/63 tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố chưa có nghị quyết chuyên đề về chỉ đạo thực hiện nội dung này mà chủ yếu lồng ghép vào các nhiệm vụ chung về kinh tế – xã hội với các nội dung chưa đầy đủ, chưa đáp ứng với yêu cầu hoặc là chậm ban hành các nghị quyết này. Đại biểu nhấn mạnh đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân bởi một khi mà cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn nhận thức chưa đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung nội dung đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Trẻ em. Cụ thể là chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến thực hiện quyền trẻ em. Phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, biện pháp và làm tốt công tác phối hợp trong việc thực hiện quyền trẻ em. Giải quyết các vấn đề về trẻ em, tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em và khắc phục những hạn chế nêu trên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện, tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương bảo đảm việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của quốc gia, của ngành và địa phương theo quy định, để làm cơ sở bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp căn cơ về quyền trẻ em. Giải quyết các vấn đề về trẻ em, bảo đảm xây dựng, phát triển dân số và nguồn nhân lực bền vững.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, bày tỏ trăn trở và bức xúc đối với một bộ phận trẻ em hiện nay có nguy cơ bị xâm hại rất cao là nhóm trẻ em ăn xin. Đại biểu cho cho biết đây là một nhóm trẻ em rất khó khăn, đáng thương cũng sẽ là nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại bởi các hành vi xâm hại tình dục, bắt cóc, mua bán người, cũng sẽ đối mặt với nguy cơ lớn lên các em này sẽ không có việc làm, sẽ thất nghiệp, tệ nạn xã hội. Trong khi hiện nay việc xác định hành vi vi phạm pháp luật trong thực trạng ăn xin hiện nay rất là khó. Nghị định số 144 có quy định: “Người nào ngược đãi trẻ em vì mục đích trục lợi, tổ chức ép buộc đi ăn xin thì sẽ bị phạt và mức phạt từ 10 triệu cho đến 15 triệu”, một mức phạt rất nhẹ và chưa đủ để lột tả tính chất, mức độ và chưa đủ sức răn đe.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung làm rõ về tình trạng trẻ em ăn xin hiện nay, làm rõ tính chất, mức độ, tác hại đến trẻ em. Bổ sung các giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cụ thể cho ngành công an, chính quyền địa phương trong quản lý địa bàn, không để xảy ra tình trạng trẻ em bị lạm dụng, xâm hại cũng như cưỡng bức lao động thông qua hình thức đi ăn xin. Đối với những trường hợp thực sự khó khăn thì cần phải phát hiện kịp thời, can thiệp, hỗ trợ, không để cho những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh phải lang thang, đi ăn xin như vậy, quan trọng nhất là tương lai của các em không được đảm bảo.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội nghiên cứu pháp điển hóa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đối tượng trẻ em đi ăn xin. Bổ sung những quy định pháp luật đủ mạnh, đủ thực tiễn để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em qua hình thức này, không để bỏ lọt tội phạm, không oan sai, không có những khoảng mờ, khoảng trống pháp luật trong quy định, thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, cũng như trong pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung.
Quan tâm hơn đến miền núi, vùng sâu, vùng xa
Đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, đề nghị bổ sung một số nội dung. Theo đó, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải được cụ thể hóa và phù hợp với nhận thức của bà con dân tộc thiểu số. Ở khu vực này cần quan tâm đến các hình thức như là tuyên truyền tại chợ phiên, tuyên truyền bằng pa nô, áp phích và tuyên truyền bằng tiếng dân tộc. Việc tuyên truyền phải tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động với trẻ em, đó là phải có kỹ năng tự bảo vệ bản thân, biết tìm đến người khác nhờ giúp đỡ khi có nguy cơ bị xâm hại. Các bậc cha mẹ phải thấy được trách nhiệm của chính mình trong việc chăm sóc con cái. Cộng đồng phải thấy được việc tảo hôn, kết hôn cận huyết và các vấn đề hủ tục phải được loại bỏ để đảm bảo chất lượng dân số và cuộc sống. Mỗi địa phương phải rõ chủ thể và kinh phí khi làm công tác này. Cần tăng cường trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật, vận động xóa bỏ nạn tảo hôn.
Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ phải tăng cường hướng dẫn hội viên để họ biết tự bảo vệ mình, bảo vệ con cái và nhất là xây dựng gia đình với nếp sống văn minh; tổ chức đoàn cũng cần củng cố hội đồng đội cấp xã, chủ động nắm bắt tình hình về trẻ em.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, mong muốn trong thời gian tới toàn xã hội nâng cao hơn nữa ý thức, đặc biệt các cơ quan chức năng sẽ tập trung cho công tác nắm tình hình để các cơ sở, các đơn vị trường học sẽ ngày càng được cải thiện hơn về việc phòng ngừa và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đại biểu nêu rõ Nghị quyết của Quốc hội cần nhấn mạnh đến khía cạnh nhận định về hành vi xâm hại trẻ em đã xác định hướng bổ sung, hoàn thiện luật, thực thi luật và giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Nghị quyết cũng cần được định hướng việc phòng, chống xâm hại trẻ em theo hướng phòng ngừa là chính, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại thực tế khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan, ban ngành, tổ chức xã hội, phụ huynh nhà trường mới xoắn lên việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, cần định hướng, xác định nhóm trẻ dễ bị xâm hại, trong đó chú ý nhóm trẻ ở các trường nội trú, các trung tâm bảo trợ xã hội, ở các cơ sở tôn giáo. Cần định hướng giáo dục pháp luật, giới tính đồng bộ với toàn xã hội chứ không chỉ cho trẻ em hay các cơ sở tôn giáo và trường học.
Đại biểu cho biết hiện nay việc giáo dục kỹ năng, phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức, đối phó trên giấy tờ. Bản thân trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính, về pháp luật, không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào, kỹ năng được huấn luyện chỉ là: Không được đi với người lạ, không được để người lạ đụng vào người, v.v. nhưng cuối cùng đa số các vụ xâm hại là từ người thân và người quen. Bản thân người lớn cũng nhận thức không đúng và chưa đầy đủ về các hành vi xâm hại. Đại biểu nhấn mạnh quan trọng nhất là giáo dục nhận diện đúng và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống bị xâm hại.
Thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả Nghị quyết giám sát của Quốc hội
Giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, quá trình Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện báo cáo giám sát vừa qua đã có tác động rất tích cực để các cấp chính quyền cùng toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, để trẻ em Việt Nam được sinh ra, được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án cần đặc biệt chú trọng các chỉ số, các tiêu chí, các giải pháp liên quan tới chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở tất cả các bộ, ngành. Đặc biệt cần có các chương trình, đề án và dự án cụ thể đối với các vấn đề về giới và với trẻ em ở vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế. Cần tiếp cận theo mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy, cần phải xác định hệ thống hóa những nguy cơ và hình thành ngay cơ sở dữ liệu về trẻ em.
Đồng thời, cần phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp. Ví dụ như là thói quen, yêu cho roi cho vọt, như là các đại biểu đã đề cập hay thói quen bao bọc trẻ em hơn mức cần thiết, từ đó dẫn tới hạn chế việc lắng nghe trẻ em, lắng nghe thì cũng nên nói. Bên cạnh đó, cần tập trung vào những tác động trái của công nghệ, của hội nhập như Internet, phim ảnh, du lịch, v.v. để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp. Tăng cường sự phối hợp, không chỉ là phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cần đặc biệt chú ý phối hợp với các tổ chức xã hội. Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp không chỉ là của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội.
Ngoài ra, bên cạnh yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật, bảo vệ nạn nhân, những vụ việc đã được phát hiện, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một mặt giảm thực chất các hành vi vi phạm xâm hại trẻ em. Mặt khác, tỷ lệ vụ việc vi phạm được tố giác xử lý phải được nâng lên. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm sát, Tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn./.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu – Ảnh Qh.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận