Bồi thường thiệt hại trong vụ án có người phạm tội với lỗi cố ý, có người phạm tội với lỗi vô ý

 Hiện nay, vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án có người phạm tội với lỗi cố ý, có người phạm tội với lỗi vô ý chưa được quy định rõ ràng, có các quan điểm khác nhau và cách giải quyết khác nhau nên việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất.

Công ty X là công ty Nhà nước, khi thi công công trình trụ sở làm việc, Nguyễn Văn A - là Giám đốc Công ty, chịu trách nhiệm điều hành chung; Đoàn Văn H và Nguyễn Huy C - là người trực tiếp chỉ huy công trình. Quá trình thi công, H và C vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, gây thiệt hại cho công ty 2,5 tỷ đồng. Tòa án nhân dân tỉnh QB kết án H và C phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS. Đối với A, do thiếu kiểm tra, giám sát đã ký duyệt nội dung sử dụng vốn của công ty để đầu tư trái pháp luật, bị kết án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 BLHS.

Trong vụ án này, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bị cáo, có hai quan điểm khác nhau. Cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Buộc H, C và A cùng bồi thường 2,5 tỷ đồng cho Công ty X. Vì mặc dù H và C phạm tội với lỗi cố ý, còn A phạm tội với lỗi vô ý nhưng hành vi phạm tội của 3 bị cáo đều gây thiệt hại cho Công ty X, nên phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 587 BLDS.

Quan điểm thứ hai: Quan điểm này cũng là quan điểm của tác giả: Buộc H và C cùng bồi thường 2,5 tỷ đồng cho Công ty X. Vì H và C là đồng phạm, phạm tội với lỗi cố ý, trực tiếp gây ra thiệt hại cho công ty X. Còn A không phải bồi thường vì A phạm tội với lỗi vô ý, không trực tiếp gây ra thiệt hại cho công ty X.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong quý đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý!

*Tòa án quân sự Quân Khu 9

TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Ngọc Tuấn

HUỲNH HẢI DUY*