Bùi Văn A phạm tội cướp giật tài sản

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có đăng bài viết “Bùi Văn A phạm tội gì?” vào ngày 28/3/2020 của tác giả Phạm Quốc Kiệt. Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng Bùi Văn A phạm tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 BLHS.

Theo nội dung vụ án tác giả Phạm Quốc Kiệt không nêu giá trị chiếc xe của ông B định giá là bao nhiêu tiền, nên tác giả đặt ra giả thiết là chiếc xe đủ định lượng chịu trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến việc xác định tội danh của Bùi Văn A đã tồn tại 03 quan điểm cho rằng, Bùi Văn A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015; Bùi Văn A phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS;  Bùi Văn A phạm tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 BLHS.

Tác giả cho rằng, Bùi Văn A không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi gian dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Trong đó, hành vi gian dối là điều kiện và thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi gian dối. Theo đó, về thời gian thực hiện tội phạm thì hành vi gian dối diễn ra trước thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội phạm chỉ coi là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt đã xảy ra.

Trong trường hợp này, mặc dù ý thức chiếm đoạt tài sản và thủ đoạn gian dối của A có trước và thủ đoạn gian dối của A làm cho ông B tin tưởng là sự thật, rồi sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hành vi gian dối của A, mặc dù ông B tin tưởng là sự thật nên xuống xe để lấy xô nước đi xuống kênh múc nước đổ lên máy xe. Thế nhưng, thông qua hành vi gian dối đó thì ông B vẫn chưa chuyển giao tài sản cho A, chiếc xe vẫn chưa thoát ly khỏi sự quản lý, kiểm soát của ông B. Hành vi gian dối của A mục đích nhằm dễ dàng tiếp cận được chiếc xe của ông B để có cơ hội chiếm đoạt. Vì vậy, hành vi của A không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt với hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, bị tai nạn,… Người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mà họ không làm gì được. Tức là, không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không mang lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách không khai.

Trong trường hợp này, A đã lợi dụng hoàn cảnh ông B xuống xe để lấy cái xô rồi xuống kênh múc nước đổ vào máy xe để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hoàn cảnh cụ thể này là do phía A tạo ra chứ không phải do hoàn cảnh khách quan mang lại. Bởi vì, trên đường đi cùng với ông B, anh đã quan sát thấy xe của ông B chạy một quãng đường thì phải dừng lại và lấy nước đổ lên máy xe, nên khi A tiếp tục lái xe đi được một đoạn và thấy bên đường có cái xô gần mé kênh, nên dừng xe lại kêu ông B xuống lấy xô múc nước đổ lên máy xe. Rõ ràng, hành vi của A đã lợi dụng hoàn cảnh bị vướng mắc, sơ hở của ông B để thực hiện hành chiếm đoạt chiếc xe của ông B một cách công khai, nhưng hoàn cảnh này là do chính A gây ra chứ không phải do hoàn cảnh khách quan mang lại. Vì vậy, hành vi của A không cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, nhanh chóng. Trong đó, chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu (nắm giữ, quản lý) trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong điều luật. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt không ảnh hưởng tới việc định tội đối với hành vi cướp giật tài sản.

Hành vi chiếm đoạt chiếc xe của A được thực hiện một cách công khai và ông B biết ngay khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Ý thức công khai của A khi thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe được thể hiện là A biết hành vi chiếm đoạt của mình có tính chất công khai và hoàn toàn không có ý định che giấu hành vi đó. Dấu hiệu “nhanh chóng” ở đây phản ánh thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của A. Đó là thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở của ông B (sự sơ hở này có thể là có sẵn hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) để nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng lẩn tránh (tẩu thoát). Với thủ đoạn nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát như vậy, A mong muốn ông B không có điều kiện để phản ứng kịp thời, ngăn cản việc chiếm đoạt.

Hành vi gian dối của A nhằm mục đích là để tiếp cận được tài sản của ông B và để tạo ra cơ hội thuận lợi, dễ dàng cho việc thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng. Để có cơ hội thuận lợi cho việc chiếm đoạt tài sản nên A mới có nảy sinh thủ đoạn kêu ông B xuống xe lấy cái xô để xuống kênh múc nước là để nhằm mục đích làm cho ông B không có điều kiện để phản ứng kịp thời, không kịp ngăn cản hành vi chiếm đoạt chiếc xe của A, rồi sau đó A đã chiếm đoạt chiếc xe của ông B một cách công khai, nhanh chóng.

Từ những phân tích trên, tác giả đồng tình với quan điểm của tác giả Phạm Quốc Kiệt cho rằng hành vi của Nguyễn Văn A đã cấu thành tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 BLHS.

Việc xác định đúng tội danh là điều rất quan trọng. Bởi vì, cơ sở của việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ khi người nào phạm tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi vì, ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” là các tội cấu thành vật chất, tức là giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên, nếu không thuộc một trong các trường hợp (1) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (2) đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định được liệt kê tại các điểm a, b, c, và d khoản 1 của các Điều 172 và 174 BLHS, chưa xóa án tích mà còn vi phạm; (3) gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; (4) tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Còn tội “Cướp giật tài sản” là tội danh cấu thành hình thức, được thể hiện thông qua cấu thành cơ bản được nêu tại khoản 1 Điều 168 BLHS – không nêu định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Chính vì vậy, trong tình huống vụ án, giá trị chiếc xe của ông B nếu dưới 2.000.000 đồng và không thuộc các trường hợp đã nêu trên, thì việc xác định đúng tội danh lại càng quan trọng hơn, nếu xác định không đúng sẽ dẫn đến oan sai.

Trên đây, là quan điểm của cá nhân tác giả trao đổi với tác giả bài viết, rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc và đồng nghiệp./.

TAND huyện Long Hồ, Vĩnh Long xét xử bốn bị cáo bị truy tố về tội cướp giật tài sản – Ảnh: Thanh Lâm

 

Ths PHAN THÀNH NHÂN ( TAND tỉnh Đồng Tháp)