Bùi Văn A phạm tội “Cướp giật tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết : “Bùi Văn A phạm tội gì?” của tác giả Phạm Quốc Kiệt đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 28/3/2020, tác giả cho rằng Bùi Văn A phạm tội cướp giật tài sản Điều 171 BLHS 2015.

Có ba quan điểm khác nhau đối với vụ án trên, có quan điểm cho rằng Bùi Văn A phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, quan điểm khác cho rằng Bùi Văn A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quan điểm thứ ba cũng là quan điểm tác giả cho rằng Bùi Văn A phạm tội cướp giật tài sản.

Thứ nhất, hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản, công khai chiếm đoạt tài sản của họ. Tuy hành vi chiếm đoạt tài sản này có tính công khai giống hành vi chiếm đoạt tài sản của tội cướp giật tài sản, tuy nhiên hành vi này xảy ra khi chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản và người thực hiện hành vi phạm tội không cần dùng bất cứ thủ đoạn gì để đối phó với chủ tài sản. Trong tình huống này, việc Bùi Văn A dừng lại bảo Ninh Văn B (chủ tài sản) xuống lấy nước để làm mát xe rồi nhanh chóng điều khiển xe máy của B đi nghĩa là A đã dùng thủ đoạn của mình đối phó với B để lấy tài sản của B, điều đó có thể khẳng định hành vi của A không phải hành vi cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.

Thứ hai, để xác định hành vi của Bùi Văn A là cướp giật tài sản hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần phải xác định rõ dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm.

Điều 174 BLHS 2015 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là “…bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…”. Theo điều luật thì hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 2 hành vi đó là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt, hành vi gian dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi gian dối. Hành vi gian dối là hành vi đưa ra thông tin giả để người khác tin đó là thật nhằm thực hiện việc chiếm đoạt tài sản. Như vậy, để xác định A có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì cần xem xét hành vi gian dối của A có phải là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt này có phải là mục đích và kết quả của hành vi gian dối hay không. Trong tình huống này, việc A dừng xe bảo B xuống lấy xô bên đường đi lấy nước làm mát là thật bởi lúc này xe đã nóng máy, và mục đích của hành vi là tạo ra điều kiện để B rời xa tài sản của mình khiến việc chiếm đoạt chiếc xe máy trở nên dễ dàng hơn, chứ không phải là A đưa ra thông tin sai sự thật để B tin đó là thật, rồi khiến B chủ động giao lại tài sản cho A. Vì thế, hành vi của A không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ.

Hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản, đây cũng chính là dấu hiệu để để phân biệt với hành vi chiếm đoạt của tội phạm khác. Dấu hiệu công khai nghĩa là người phạm tội biết hành vi của mình có tính chất công khai và không có ý định che giấu hành vi đó. Dấu hiệu nhanh chóng phản ánh thủ đoạn phạm tội, đó là lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (sơ hở này có thể có sẵn hoặc do người phạm tội chủ động tạo ra) nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Với thủ đoạn này, người phạm tội mong muốn chủ tài sản không có điều kiện để phản ứng kịp thời ngăn cản việc chiếm đoạt do vậy hoàn toàn không cần dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó trực tiếp với chủ tài sản. Trong tình huống này, A đã chủ động tạo sơ hở là dừng xe kêu B lấy xô đi múc nước làm mát máy (để khiến B không có điều kiện ngăn cản) và lợi dụng sơ hở đó của B nhanh chóng chiếm đoạt chiếc xe máy và nhanh chóng điều khiển xe đi mất. Như vậy, A không cần dùng thủ đoạn đối phó trực tiếp với B mà tạo ra tình huống khiến B sơ hở rồi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản là chiếc xe máy của B, nên có thể khẳng định Bùi Văn A phạm tội cướp giật tài sản là có căn cứ.

Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến!

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)