Bùi Văn A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Bùi Văn A phạm tội gì?” của tác giả Phạm Quốc Kiệt đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện từ ngày 28/3/ 2020 chúng tôi cho răng Bùi Văn A phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ nội dung vụ án theo tác giả hiện có tới ba quan điểm về việc xác định tội dung của Bùi Văn A, cụ thể: Có quan điểm cho rằng A phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”; quan điểm khác cho rằng A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; lại có quan điểm cho rằng A phạm tôi “Cướp giật tài sản”. Và tác giả theo quan điểm ba đó là: A phạm tội “Cướp giật tài sản”.

Qua nghiên cứu nội dung vụ án và các quan điểm xác định tội danh đối với Bùi Văn A trong đó có quan điểm của tác giả, tôi ủng hộ với quan điểm thứ 2 đó là Bùi Văn A phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Xét về mặt khách quan của tội phạm ta thấy đúng như nhận định phân tích của tác giả đó là đối với tội: “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” thì người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không sử dụng vũ lực mà chỉ lợi dụng tình trạng người quản lý tài sản không có khả năng ngăn cản để công khai chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội không cần tẩu thoát vì lợi dụng sự vướng bận của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, không thể đuổi bắt kịp. Đối chiếu với tình huống trên thì Bùi Văn A đã tự tạo ra hoàn cảnh để chiếm đoạt tài sản của ông B bằng cách nói kêu ông B đi lấy xô múc nước để có cơ hội chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi của A không thỏa mãn tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”. Quan điểm này tôi nhất trí như tác giả nêu.

Tuy nhiên, đối với nhận định của tác giả khi cho rằng Bùi Văn A không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà phạm tội “Cướp giật tài sản” tôi không nhất trí với quan điểm và nhận định phân tích của tác giả.

Một là, giữa 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cướp giật tài sản” người phạm tội đều thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và đều mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hai là, sự khác nhau căn bản của 2 tội này chính là ở hành vi khách quan được biểu hiện. Đối với hành vi cướp giật tài sản bao giờ cũng thể hiện đó hành vi nhanh chóng tiếp cận tài sản và nhanh chóng tẩu thoát, thường biểu hiện như giật lấy, giằng lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng thể hiện việc trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt được tài sản của chủ tài sản hay người quản lý tài sản thì liền trước đó người phạm tội phải thực hiện hành vi gian dối và hành vi này là công cụ phương tiện để người phạm tội đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trở lại vụ án, cho ta thấy để chiếm đoạt được chiếc xe thì trước đó Bùi Văn A đã thực hiện hành vi gian dối đó là sau khi A điều khiển xe  chở ông B đến địa phận huyện Đ, thành phố C, A quan sát thấy 01 cái xô bên đường, nên nhớ lại việc ông B lấy nước đổ vào lốc máy xe nên nảy sinh ý định chiếm đoạt xe của ông B, nên A kêu ông B lấy cái xô của người dân để gần mé kinh múc nước đổ vào lốc máy xe, ông B nghe theo lời A vừa đi xuống mé kinh thì A điều khiển xe đi mất. Như vậy, thời điểm xuất hiện hành vi gian dối của A nảy sinh trước thời điểm chiếm đoạt chiếc xe của ông B, cụ thể khi nhìn thấy 01 cái xô bên đường thì A đã đưa ra thông tin kêu ông B lấy cái xô đó để múc nước, nhân cơ hội này A điều khiển xe đi mất.

Ở đây, thời điểm hoàn thành của tội phạm được thể hiện là hành vi chiếm đoạt được chiếc xe của ông B. Việc A có hành vi kêu ông B xuống lấy xô để múc nước đổ vào lốp xe theo quan điểm của tôi thì đây không phải là hành vi tiếp cận tài sản rồi từ đó nhanh chóng chiếm đoạt nhanh chóng tẩu thoát trong tội: “Cướp giật tài sản”  mà đây là hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối có sự tính toán của Bùi Văn A, tạo ra vỏ bọc, tạo ra sơ hở, sự tin tưởng của chủ tài sản, người quản lý tài sản để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản và việc điều khiển xe đi mất khi ông B xuống lấy xô để múc nước đây là bước cuối cùng của việc chiếm đoạt được tài sản là chiếc xe máy wave RSX của ông B.

Do đó, theo quan điểm của tôi hành vi của Bùi Văn A phải bị truy tố xét xử về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Bùi Văn A phạm tội gì?” xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

TAND tỉnh Thái Bình xét xử một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Ảnh: Ninh Thanh

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH ( Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội)