Mai Ngọc C phạm tội đe dọa giết người

Sau khi nghiên cứu bài viết “Mai Ngọc C có phạm tội đe dọa giết người theo Điều 133 BLHS 2015” của tác giả Vũ Thành Huy, tôi đồng ý với quan điểm Mai Ngọc C phạm vào tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 BLHS.

Trước hết, để có thể xác định chính xác tội danh của C, chúng ta cần phải phân biệt được tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 BLHS với tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. Theo khoa học luật hình sự, đe dọa giết người được hiểu là hành vi của người đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện và người phạm tội không có ý thức tước đoạt tính mạng của người bị đe dọa cũng như không có ý thức để mặc cho hậu quả người bị đe dọa chết xảy ra. Trong khi đó, giết người được hiểu là hành vi của người cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Như vậy, điểm mấu chốt để phân biệt giữa 02 tội này chính là yếu tố lỗi, mà cụ thể là ý thức chủ quan của người phạm tội đối với hậu quả chết người, cụ thể:

- Trường hợp người phạm tội thực hiện những hành vi thể hiện việc đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, với ý thức chủ quan là mong muốn thực hiện hết tất cả các hành vi cần thiết để hậu quả chết người xảy ra thì cần phải xác định người đó phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.

Ví dụ: Do có mâu thuẫn với nhau từ trước nên A ra chợ mua dao với ý định sẽ dùng để đâm chết B. Khi thấy B, A cầm dao chạy đến đâm loạn xạ về phía B và hét lớn: “Tao sẽ đâm chết mày”. Vì sợ bị A đâm nên B nhanh chóng bỏ chạy. Người dân xung quanh thấy vậy liền chạy đến can ngăn nên A không đâm được B. Rõ ràng, trong tình huống này, A đã có hành vi đe dọa sẽ đâm chết B nhưng ý thức chủ quan của A là mong muốn thực hiện xong hành vi đâm để tước đoạt tính mạng của B nhằm giải quyết mâu thuẫn. Vì vậy, A có lỗi cố ý trực tiếp đối với hậu quả B chết nên hành vi của A phải phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

- Trường hợp người phạm tội thực hiện những hành vi thể hiện việc đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, với ý thức chủ quan là để mặc cho hậu quả chết người xảy ra mặc dù họ không mong muốn (có lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả chết người) thì tùy vào hậu quả đã gây ra để xác định tội danh.

Ví dụ: Do có mâu thuẫn với nhau trong chuyện tình cảm với C từ trước nên A hẹn B đến khu đất trống, vắng vẻ để nói chuyện. Tại đây, A nắm cổ áo rồi lấy dao (dài 15cm) ra đe dọa sẽ giết B nếu như B dám tranh giành C với A. Sợ A sẽ giết mình thật nên B năn nỉ A tha cho mình. Tuy nhiên, A không đồng ý mà dùng dao đâm 01 nhát vào bụng khiến B gục xuống đất. Sau đó, A bỏ đi. Trong tình huống này:

+ Nếu B chết thì A sẽ phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS. A nhận thức được rằng việc dùng dao dài 15cm (là hung khí nguy hiểm) đâm 01 nhát vào vùng bụng (là vùng xung yếu, trọng yếu trên cơ thể) của B ở nơi vắng vẻ, ít người qua lại hoàn toàn có khả năng dẫn đến việc B tử vong nhưng vẫn thực hiện. Tuy nhiên, A chỉ đâm B có 01 nhát rồi bỏ đi, đồng thời mục đích A khi làm như vậy là để đe dọa, không cho B tranh giành C với mình nên A không có ý thức tước đoạt tính mạng của B nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả B chết xảy ra. Vì vậy, A có lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả B tử vong và thực tế B đã tử vong nên A phạm vào tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.

+ Nếu B không chết thì A sẽ phạm vào tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS. A đã có hành vi dùng dao đâm B gây thương tích nên A có lỗi cố ý trực tiếp đối với hậu quả là thương tích của B do mình gây ra. Đồng thời, như đã phân tích ở trên, A có lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả B tử vong. Vì hành vi đâm B của A không làm cho B tử vong nên A chỉ phạm vào tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS. Bên cạnh đó, chúng ta thấy, trước khi dùng dao đâm B, A đã có hành vi đe dọa sẽ giết chết B khiến cho B sợ và phải xin A tha cho mình. Hành vi này của A có dấu hiệu của tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 BLHS. Tuy nhiên, hành vi đe dọa giết người trong trường hợp này cũng chỉ là một trong chuỗi những hành vi cần thiết để A thực hiện được ý định của mình (dùng dao đâm B với ý thức để mặc cho hậu quả B chết xảy ra) nên tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này đã bị tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đâm thu hút, loại trừ và triệt tiêu đi. Vì vậy, hành vi đe dọa giết người của A không cấu thành một tội độc lập mà chỉ là tình tiết, diễn biến của cả hành vi phạm tội nên A chỉ phạm vào một tội là tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS.

- Trường hợp người phạm tội thực hiện những hành vi thể hiện việc đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, đồng thời người phạm tội không có ý thức tước đoạt tính mạng của người bị đe dọa cũng như không có ý thức để mặc cho hậu quả người bị đe dọa chết xảy ra thì họ sẽ phạm vào tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 BLHS.

Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy: Mai Ngọc C đã có một chuỗi các hành vi thể hiện việc đe dọa sẽ giết chết chị Phạm Thị Hồng Đ với thái độ rất quyết liệt, mang tính chất hung hãn cao độ như dùng xăng đổ lên người của chị Đ; cầm hộp quẹt gas trên tay và nói “Tao cho mày chết, tao với mày cùng chết” để đe dọa sẽ đốt chị Đ trong khi có người dân xung quanh can ngăn… Những hành vi này đã làm cho chị Đ vô cùng lo sợ và có căn cứ để tin rằng C sẽ đốt xăng nhằm giết chết mình thật nên đã van xin C:  “Em chừa rồi, tha cho em, em còn con”. Vì vậy, hành vi này của C là hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện nên có dấu hiệu của tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 BLHS.

Đồng thời, căn cứ vào diễn biến hành vi và thái độ tâm lý của C, có thể thấy: Khi đổ xăng lên người của chị Đ, mặc dù cầm hộp quẹt gas trên tay và đe dọa sẽ châm lửa đốt nhưng C lại không đặt tay lên bộ phận đánh lửa trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, tại thời điểm này, chưa có cơ sở để xác định C mong muốn châm lửa đốt để tước đoạt tính mạng của chị Đ. Bên cạnh đó, khi có người dân đến can ngăn, C tiếp tục đe dọa nếu ai căn ngăn sẽ châm lửa đốt chị Đ ngay và đặt ngón tay lên bộ phận đánh lửa rồi chẹp liên tiếp 02 cái nhưng không bật lửa. Lập tức, người dân xông vào can ngăn và khống chế được C. Ở đây, mặc dù C có hành vi chẹp liên tiếp 02 cái vào bộ phận đánh lửa nhưng lại không bật được lửa và được can ngăn ngay nên chưa có cơ sở để xác định C mong muốn châm lửa đốt để tước đoạt tính mạng của chị Đ hay chỉ để đe dọa chị Đ cùng những người xung quanh, làm cho họ tin rằng mình sẽ châm lửa đốt nhằm giết chết chị Đ thật.

Mặt khác, nếu C bật được lửa của hộp quẹt gas thì cũng chưa thể khẳng định C có muốn dùng để châm lửa đốt chị Đ hay không, cũng như nếu C cầm hộp quẹt gas đang có lửa ở trên tay và không châm lửa vào người của chị Đ thì có khả năng xăng trên người chị Đ bốc cháy được hay không. Do đó, tại thời điểm này cũng chưa thể khẳng định C có ý thức tước đoạt tính mạng của chị Đ cũng như có ý thức để mặc cho hậu quả chị Đ chết xảy ra. Trên thực tế, chị Đ không chết nên xét cả quá trình thực hiện hành vi của mình, chưa có căn cứ và cơ sở để xác định C có ý thức tước đoạt tính mạng của chị Đ cũng như có ý thức để mặc cho hậu quả chị Đ chết xảy ra. Từ đó, có thể khẳng định: Mai Ngọc C đã thực hiện những hành vi thể hiện việc đe dọa giết người và có căn cứ làm cho người bị đe dọa là chị Phạm Thị Hồng Đ lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, đồng thời C không có ý thức tước đoạt tính mạng của chị Đ cũng như không có ý thức để mặc cho hậu quả chị Đ chết xảy ra nên hành vi của C phạm vào tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống trên, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng chí và quý bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử vụ án giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng - Ảnh: Đăng Khoa

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)