Cần xác định K đã đương nhiên được xóa án tích hay chưa

Qua nghiên cứu bài viết “Áp dụng hay không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng?” của tác giả Th.S Đỗ Ngọc Bình và Th.S Chu Mạnh Hà đăng ngày 5/5/2022, tôi cho rằng cần bổ sung thêm một số nội dung để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Tái phạm nguy hiểm” đối với K.

Qua những nội dung tình huống được các tác giả nêu ra. tôi cho rằng chỉ cần xác định K đã đương nhiên được xóa án tích hay chưa, từ đó áp dụng hoặc không áp dụng tình tiết định khung hình phạt tăng nặng “Tái phạm nguy hiểm” đối với K.

Để xác định được K có đương nhiên được xóa án tích hay không, ta cần làm rõ năng lực TNHS mà đối với tình huống trên, tôi xác định nội dung cần làm rõ là độ tuổi của K. Vì khi nội dung này không được làm rõ có các trường hợp được phân tích như sau:

Thứ nhất, K được xác định là người dưới 18 tuổi bị kết án tại Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P. Mặc dù K chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung của Bản án, nhưng áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7[1] BLHS 2015 và Điều 107[2] BLHS 2015 xác định Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P đã tuyên đối với K không có án tích. Nên khi xét xử K đối với lần phạm tội mới  vào ngày 14/05/2021 không xác định K tái phạm đối với các bản án đã tuyên trước đó.

Như vậy, hoàn toàn có căn cứ chứng minh lần phạm tội mới, K không tái phạm hay tái phạm nguy hiểm nên chỉ bị truy cứu theo khoản 1 Điều 251 và khoản 1 Điều 256 BLHS.

Thứ hai, K được xác định là người trên 18 tuổi bị kết án tại Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P. Theo quy định tại khoản 2 Điều 70[3] BLHS việc xác định xóa án tích phải đảm bảo điều kiện cần là đã chấp hành xong hình phạt chính và không phạm tội mới trong thời hạn nhất định; Điều kiện đủ là phải chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án trước ngày thực hiện tội phạm mới. Dù K đã chấp hành xong hình phạt chính, nhưng K chưa chấp hành xong toàn bộ bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M (cụ thể là chưa thi hành về án phí). Do đó K chưa thỏa mãn điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS.

Về vấn đề quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là để xác định thời hạn đương sự thực hiện quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thi hành án, hết thời hiệu thì đương sự không có quyền yêu cầu, tức là không có sự can thiệp, cưỡng chế từ cơ quan thi hành án dân sự buộc K phải thực hiện việc nộp khoản án phí thì K vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện. Mặt khác pháp luật thi hành án dân sự còn quy định nhiều phương thức thi hành án khác để người phải thi hành án thi hành như tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án... Quan điểm này cũng phù hợp với giải đáp tại điểm 7, mục I của Công văn số 64 ngày 03/4/2019 của TANDTC.

Trong trường hợp này K không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của BLHS.

Như vậy, phải truy tố, xét xử K về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm q khoản 2 Điều 251 BLHS và tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo điểm đ khoản 2 Điều 256 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng “Tái phạm nguy hiểm” là đúng pháp luật.

Trên đây là trao đổi của tôi về vụ án mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương, Thái Bình xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy – Ảnh: Phạm Hưng


[1] Khoản 3 Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian

3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

[2] Điều 107. Xóa án tích

1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;

b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;

c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.

2. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

[3] Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

DUY LINH (Tòa án Quân sự Quân khu 3)