Cả nước đón Tết bảo đảm an ninh, an toàn, an dân, an sinh xã hội được đáp ứng cao nhất có thể
Chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ trong năm mới Nhâm Dần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá chúng ta đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong việc tổ chức cho nhân dân đón Tết an ninh, an toàn, an dân, an sinh xã hội được đáp ứng cao nhất có thể. Thủ tướng cũng chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, như mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học từ 7/2-14/2, mở cửa du lịch chậm nhất từ dịp 30/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta đã đạt mục tiêu đã đề ra trong việc tổ chức Tết Nguyên đán an ninh, an toàn, an dân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều ngày 3/2 (mùng 3 Tết Nhâm Dần), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần từ ngày 31/1 (29 tháng Chạp) đến hết ngày 2/2 (Mùng 2 Tết) và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
Gần 58 triệu lượt người thụ hưởng chính sách an sinh dịp Tết
Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho thấy, thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đều đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an toàn, tri ân, nghĩa tình, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm với tinh thần “không để ai không có Tết”.
Tổng kinh phí chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 8.324 tỷ đồng cho 57,81 triệu lượt đối tượng. Các tỉnh, thành phố đã trợ giúp ước tính khoảng 3.745 tỷ đồng hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động.
Thủ tướng Chính phủ đi ban hành 3 Quyết định hỗ trợ tổng số gần 19.000 tấn gạo cứu đói cho 1.245.830 nhân khẩu dịp Tết và giáp hạt đầu năm 2022 cho 18 tỉnh; đã quyết định xuất cấp tổng số hơn 3.738 tấn gạo cứu đói cho 43.898 hộ với 210.954 nhân khẩu cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2021.
Tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng). Tiền thưởng Tết Dương lịch 2022 bình quân là 1,36 triệu đồng người, bằng 58% so với năm 2021. Tiền thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân 6,17 triệu đồng/người, bằng 97% so với năm 2021.
Giao thông vận tải thông suốt. Vận tải hàng không tiếp tục phục hồi, tăng 77% về lượng khách và 15,8% lượng hàng hóa vận chuyển. Tình hình thị trường ổn định. Các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết được triển khai chủ động trước Tết nên lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân, không xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết lượng hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu tiếp tục được giải phóng nhanh, hiện chỉ còn khoảng 1.300 xe tại khoảng 20 cửa khẩu.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, biên giới, nội địa, ngoại biên, không gian mạng, sẵn sàng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là trên các khu vực, địa bàn trọng điểm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước trong dịp Tết ổn định, không có diễn biến bất thường, không xảy ra các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng dấu hiệu tích cực trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch sẽ tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, xã hội tiếp tục có bước phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/01 - 02/02/2022), trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong). So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.
Trong 5 ngày nghỉ, cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân với hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2, 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).
Nhận định chung, đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch đang từng bước đạt được những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi.
Các ý kiến tại cuộc họp cũng nhận định trong dịp Tết, các ca nhiễm, chuyển bệnh nặng và tử vong có xu hướng giảm có thể là dấu hiệu tích cực đối với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, xã hội tiếp tục có bước phục hồi mạnh mẽ. Công tác khám chữa bệnh được tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình kiểm soát dịch COVID-19 và tiêm vaccine trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mặc dù vậy, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; nhất là trong dịp Tết Nguyên đán có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron. Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, tính đến thời điểm này, nhiều chỉ số cho thấy Tết Nhâm Dần là một cái Tết yên bình về mặt y tế. So với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021, số ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông giảm 172,8%, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 34,3%; số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 45%; số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 350%; số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 211,4%, số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện giảm 98,3%. Theo thông tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm, đến ngày 02/02/2022 chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo về công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đưa học sinh trở lại trường sau Tết. Theo tổng hợp, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho học sinh trung học đi học từ 7-14/2; 60 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch với học sinh tiểu học, mầm non, còn Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã lên kế hoạch nhưng phải chờ việc lấy ý kiến phụ huynh để ấn định ngày đi học cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đều bày tỏ, việc Thủ tướng Chính phủ dành những ngày giáp Tết để tới thăm, chúc Tết nhiều đơn vị là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn với ngành và đội ngũ cán bộ đang làm nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đóng góp ý kiến để ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng ban hành Chỉ thị về những nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết và quý I năm 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Không ai không có Tết
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, các ý kiến cơ bản đồng tình với các báo cáo và bổ sung thêm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát tình hình, phản ánh toàn diện các công việc triển khai trong dịp Tết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022), Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các cơ quan.
Bổ sung và nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng khẳng định, chúng ta đã đạt mục tiêu đã đề ra trong việc tổ chức Tết Nguyên đán an ninh, an toàn, an dân. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, hiệu quả để nhân dân đón Tết tri ân, nghĩa tình, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và phù hợp điều kiện từng địa phương, đối tượng, không để ai, không để gia đình nào không có Tết. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng đã chi an sinh xã hội ở mức cao nhất có thể… Đồng thời, tổ chức chiến dịch thần tốc tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 đạt kết quả tích cực.
Cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Dịch bệnh được kiểm soát rõ nét, số ca nhiễm, số cả chuyển nặng và tử vong đều giảm so với tuần trước; không ghi nhận ngộ độc thực phẩm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Sinh hoạt trong những ngày Tết cơ bản lành mạnh, trật tự, an toàn, các tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế.
Đáng chú ý, chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam, bóng đá nữ Việt Nam vào ngày mùng 1 và 2 Tết đã góp thêm không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi trong nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính sách đã ban hành thì phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất, nhất quán trên toàn quốc, “không có lý do gì để các địa phương ban hành các quy định trái với quy định chung”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đưa đón người về quê ăn Tết trật tự, an toàn, bình an. Với đồng bào bị kẹt lại tại một số địa điểm trên thế giới, chúng ta đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đưa bà con về ăn Tết bằng các chuyến bay thương mại kịp thời.
Cung cầu, giá cả thị trường, tiền tệ, xăng dầu, điện nước, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đều đáp ứng nhu cầu của cả nước, các hoạt động không bị xáo trộn bởi giá cả.
An ninh trật tự cơ bản ổn định, người dân ra đường vui Tết đón xuân nhiều hơn năm ngoái nhưng bảo đảm trật tự, tai nạn, tệ nạn xã hội được kiểm soát tốt. Giao thông, thông tin liên lạc thông suốt.
Các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân, vui chơi, giải trí được tổ chức tiết kiệm, coi trọng chống lãng phí. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi chúc Tết ở tất cả các địa bàn, với đối tượng cần thiết. Công tác tổ chức ứng trực cơ bản đáp ứng các yêu cầu. Lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ rất nghiêm túc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước được giữ vững. Các hoạt động ra quân sản xuất kinh doanh, Tết trồng cây được chuẩn bị sẵn sàng.
“Các mục tiêu tổ chức Tết Nguyên đán cho nhân dân đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được đáp ứng cao nhất có thể trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thể hiện sự ưu việt của chế độ, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các cấp, các ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt
Tuy nhiên, vẫn phải coi trọng công tác phòng chống dịch, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn phải được tiếp tục lưu tâm. Giao thông vẫn còn ùn tắc cục bộ như tại cửa ngõ các đô thị lớn, nhất là trong những ngày sắp tới, cần tổ chức, tuyên truyền cho nhân dân đi lại hợp lý hơn. Tai nạn giao thông, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn rủi ro. An sinh xã hội vẫn phải rà soát kỹ hơn, nhất là kỳ giáp hạt sau Tết để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nhân dân không đói ăn, thiếu mặc. Cần tiếp tục theo dõi sát giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là khi triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Việc chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, trên các nền tảng số tiếp tục diễn biến phức tạp, cần triển khai các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả để người dân yên tâm.
Thủ tướng yêu cầu việc mở cửa trường học phải bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “vui Xuân mới không quên nhiệm vụ mới”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đóng góp ý kiến để ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng ban hành Chỉ thị về những nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết và quý I năm 2022.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Bộ Y tế chủ trì tiếp tục thúc đẩy chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa Xuân. Kinh nghiệm cho thấy khi mũi 3 phát huy tác dụng thì việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội rất an toàn.
Thủ tướng yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học từ 7/2-14/2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.
Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4-1/5 và cố gắng từ 30/3, sau khi cơ bản tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng chỉ định và có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý. Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh tinh thần chung là khi chính sách đã ban hành thì phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất, nhất quán trên toàn quốc, “không có lý do gì để các địa phương ban hành các quy định trái với quy định chung”.
Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ tiếp tục bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho nhân dân, an ninh, an toàn, an dân để phục vụ kiểm soát dịch bệnh, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Làm tốt công tác phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó tình trạng cháy rừng và hạn hán có thể xảy ra.
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022), thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta quyết tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chính sách Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các cơ quan.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận