Các bị can phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Ngày 25/3/2020, Tạp chí TAND ĐT có đăng bài viết “Vờ mất xe để chiếm đoạt xe của người gửi, tội gì?” của tác giả Phan Thành Nhân. Sau khi nghiên cứu bài viết cùng một số ý kiến trao đổi, tôi cho rằng các bị can phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Liên quan đến vấn đề định tội danh trong trường hợp vờ làm mất xe của người gửi để chiếm đoạt xe, hiện nay có ba quan điểm:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng: N, S, T phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi vì, khi M vào gửi xe là đã ký hợp đồng gửi giữ tài sản, vì vậy nhóm N, S, T thực hiện việc chiếm đoạt khi đã có tài sản được giao trên cơ sở hợp đồng. Việc chiếm đoạt chiếc xe của anh M là bằng thủ đoạn gian dối, đó là nhóm N, S, T giả vờ làm mất xe của anh M, giả vờ làm động tác bồi thường và việc anh M bán chiếc xe đó với giá rẻ cũng xuất phát từ các thủ đoạn gian dối đó.

– Quan điểm  thứ hai cho rằng: N, S, T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bởi trước hết nhóm N, S, T đã có ý định chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, trước khi ký kết hợp đồng gửi giữ xe máy của anh M. Hợp đồng gửi xe máy giữa anh M và nhóm N, S, T là hợp đồng không đúng đắn, hợp đồng giả tạo (chỉ riêng đối với anh M). Cho nên, phải coi hành vi của nhóm N, S, T là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Quan điểm thứ ba cho rằng: N, S, T phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Bởi vì, T là người trực tiếp thực hiện hành vi lợi dụng sự tin tưởng của anh M lén lút lấy trộm tài sản và đem tài sản cất giấu đi.

Tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi vì:

Thứ nhất, đối với quan điểm thứ ba: Tôi cho rằng không thể khẳng định “M đã lén lút lấy trộm tài sản” để cho rằng các bị can phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Tôi đồng ý là việc dắt chiếc xe máy của anh M đi cất giấu của T có yếu tố lén lút nhưng sự lén lút này là đối với anh M (khi M vào trong quán, T mới dắt xe đi). Tuy nhiên, khi M vào trong quán, có nghĩa là M đã giao xe cho S và lấy phiếu gửi xe. Có nghĩa lúc này, người có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo quản, trông giữ chiếc xe là S, N, T chứ không phải anh M. Trong khi đó, tội trộm cắp đòi hỏi người phạm tội ngoài dấu hiệu lén lút thì tài sản trộm cắp phải “có người quản lý”. Đối với những tài sản mà do mình quản lý không thể cấu thành tội “trộm cắp tài sản”.

Thứ hai, đối với quan điểm thứ hai: Các tác giả theo quan điểm này đều cho rằng việc thông qua hợp đồng gửi giữ chỉ là sự lợi dụng bỏ bọc để thực hiện hành vi gian dối của mình và hợp đồng gửi giữ trên là hợp đồng giả tạo. Tôi không đồng ý với nhận định này, việc lên kế hoạch chiếm đoạt tài sản của N, S, T là đối với khách hàng nói chung. Mỗi ngày, nhóm người này giao kết hợp đồng gửi giữ với nhiều khách hàng và anh M là một trong số đó. Chỉ khi giao kết xong, việc chiếm đoạt chiếc xe của anh M mới được các đối tượng triển khai thực hiện. Do đó, nếu nói chỉ riêng hợp đồng gửi xe của anh M và nhóm S, N, T là không hợp lý. Đồng ý rằng, N, S, T có thủ đoạn gian dối, nhưng thủ đoạn gian dối ở đây là “nói rằng xe của anh M bị mất” và hành vi này có thể thực hiện là do anh M đã giao xe cho N, S, T trên cơ sở hợp đồng gửi giữ. Đây là dấu hiệu đặc trưng của thủ đoạn gian dối trong cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Thứ ba, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả cho rằng, các bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bởi S, N, T đã có thủ đoạn gian dối để cố tình không trả lại tài sản đã được M giao cho trên cơ sở hơp đồng gửi giữ mặc dù có khả năng, điều kiện để trả lại. Việc giao nhận tài sản là hoàn toàn ngay thẳng, trên cơ sở đó, S, N, T mới có thủ đoạn gian dối làm cho chủ tài sản mất toàn bộ hay một phần tài sản của mình. Hành vi của S, M, T là hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết, đó là hành vi không trả lại tài sản bằng thủ đoạn gian dối (thủ đoạn giả tạo tài sản đã bị mất). Hành vi bồi thường và những lời lẽ của N, S, T là việc thuyết phục anh M trong vấn đề đồng ý với mức bồi thường mà nhóm này đưa ra. Do đó, trong trường hợp này, hành vi của N, S, T phù hợp với cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trên đây là quan điểm của tác giả trong tình huống này, mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc./.

Một bị cáo bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Kon Tum – Ảnh: CA KT

 

 

 

VĂN LINH (TAQS Khu vực 2 Hải quân)